Triển vọng phát triển quan hệ Nga-Việt trong giai đoạn mới

Ngay trước thềm chuyến thăm chính thức LB Nga của Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, ngày 13/5, Trung tâm Đông Nam Á, châu Úc và châu Đại dương – Viện Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, tổ chức cuộc hội thảo khoa học mang tên “Triển vọng phát triển quan hệ Nga – Việt trong giai đoạn mới”.

Tiến sỹ Lokshin với tham luận đề cập chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sắp tới.
Tiến sỹ Lokshin với tham luận đề cập chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sắp tới.

Cuộc hội thảo thu hút các học giả Nga, những nhà Việt Nam học nổi tiếng và đã gắn bó nhiều năm với công tác nghiên cứu, giảng dạy bộ môn Việt Nam học ở một số Viện, học viện thuộc các cơ quan, các trường Đại học có tiếng của LB Nga. Nhiều sinh viên Nga đang theo học chuyên ngành Việt Nam học, phương Đông học cũng tới tham dự cuộc hội thảo.

Phát biểu khai mạc, tiến sỹ Dmitri Mosyakov, Giám đốc Viện Phương Đông đánh giá: “Những diễn biến tình hình gần đây cùng với chuyến thăm Nga của Thủ tướng Việt Nam và việc diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nga – ASEAN cho thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy các mối quan hệ giữa Nga với các nước phương Đông trong chính sách đối ngoại hướng Đông. Những sự kiện này cho phép hiện thực hóa những ý tưởng và những nội dung có tính thực tế”.

Tiến sỹ Grigori Lokshin, nhà Việt Nam học kỳ cựu, nhà khoa học chính thuộc Trung tâm nghiên cứu ASEAN, Viện Viễn Đông – Viện Hàn Lâm khoa học Nga mang tới hội thảo bản tham luận đề cập chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với những triển vọng cho tương lai quan hệ hai nước.

Tiến sỹ Lokshin khẳng định: “Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng, và quan trọng là chuyến thăm này diễn ra ngay trước thềm của Hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN lần đầu tiên diễn ra ta tại Nga. Khó có thể coi việc này là sự trùng hợp ngẫu nhiên, bởi Việt Nam là một đối tác tin cậy và truyền thống lâu năm của Nga, Việt Nam vẫn được gọi là “cầu nối của Nga vào Đông Nam Á”.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Rồi từ đó, tiến sỹ Lokshin phân tích những yếu tố thuận và không thuận trong quan hệ Nga – Việt thời gian gần đây, cũng như triển vọng tương lai với cơ sở là chính sách “hướng Đông” của Nga.

Ông cũng thẳng thắn đề cập các mối quan hệ đan xen tác động đến quan hệ Nga – Việt và nhấn mạnh: “Tầm quan trọng của phát triển quan hệ với Việt Nam đối với Nga được xác định bởi nhiều nội dung, cụ thể là: tổng hòa lợi ích và những quan ngại về bối cảnh quốc tế hiện nay nói chung và tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và an ninh tại Biển Đông nói riêng; cần thiết đảm bảo điều kiện hòa bình để phát triển kinh tế, cần thiết đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại của Nga tại châu Á, cũng như hội nhập có hiệu quả vào kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, những lợi ích từ hợp tác kinh tế-thương mại với các nước ASEAN dựa trên trụ cột là Việt Nam. Có cơ sở để mong đợi chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Việt Nam đến LB Nga sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai nước lên một mức mới.”

Cùng với tham luận của tiến sỹ Lokshin, các bài tham luận đều nêu những khó khăn, thuận lợi, những triển vọng của quan hệ hợp tác Nga – Việt trên nhiều lĩnh vực khác nhau như về năng lượng, năng lượng nguyên tử; về văn hóa, giáo dục; về kinh tế, thương mại…

Tham luận của bà Marina Zelenkova, có nhan đề “Triển vọng hợp tác Nga – Việt trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân” và tham luận của bà Larisa Ruban, với nhan đề “Phát triển hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Nga và Việt Nam: vấn đề và triển vọng”… Khi an ninh năng lượng luôn luôn được coi trọng và Nga vốn từng có quan hệ truyền thống khá tốt đẹp ở Việt Nam với loại hình thủy điện, dầu khí, nay Nga đang rất quan tâm hướng tới phát triển các dạng năng lượng khác, trong đó có điện hạt nhân.

Bà Ruban đề cập nhiều tới lĩnh vực hợp tác khai thác dầu khí giữa Nga – Việt vốn khá chặt chẽ lâu nay và khẳng định: “Sự hợp tác giữa chúng ta với Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí đã phát triển rất tích cực và thu được những kinh nghiệm đáng quý và trong tương lai mối quan hệ này sẽ còn có nhiều cơ hội tăng cường với lợi ích là dành cho cả hai nước”.

Các nhà Việt Nam học kỳ cựu như ông Evgheni Glazunov, Evgheni Kobelev … cũng có những tham luận về quan hệ Nga – Việt với những đánh giá khá thời sự thể hiện mong muốn củng cố quan hệ hai nước ngày càng bền vững, tốt đẹp.

Các học giả, nhà nghiên cứu nhiều thế hệ cùng tham dự Hội thảo.
Các học giả, nhà nghiên cứu nhiều thế hệ cùng tham dự Hội thảo.

Tiến sỹ Boris Vinogradov, TBT tạp chí “Thế giới Đa cực” có tham luận “Nga – Việt: Giai đoạn mới và vấn đề bảo đảm thông tin” đã đề cập một cách thẳng thắn việc tăng cường trao đổi thông tin để đôi bên nắm tốt hơn tình hình, cũng như vấn đề của nhau và không chỉ là ở cấp cao mà còn phải mở rộng tới các đối tượng trong xã hội. Tiến sỹ Alecxay Sokolov, cán bộ Viện Phương Đông thì đề cập lĩnh vực hợp tác Nga và Việt Nam trong giáo dục, văn hóa và khẳng định mối quan hệ này sẽ ngày một phát triển.

Bà Ekaterina Astafiova, Thư ký Khoa học Trung tâm nghiên cứu Đông – Nam Á, châu Úc và châu Đại dương đánh giá về cuộc hội thảo: “Cuộc hội thảo của chúng tôi đã trao đổi về những vấn đề nhằm phát triển quan hệ hai nước ngày càng tốt hơn. Bởi hiện nay, có những áp lực về sự cần thiết phải phát triển các mối quan hệ đôi bên cùng có lợi và phải luôn luôn tìm cách hỗ trợ nhau và không được quên những gì đã có. Cần tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ ở mức cao nhất có thể để phát triển quan hệ song phương không chỉ ở lĩnh vực chính trị mà còn cả ở văn hóa, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác nhau”.

Nhìn chung, cuộc hội thảo đã đề cập được những lĩnh vực rất cấp thiết hiện nay trong quan hệ song phương Nga – Việt. Từ mối quan hệ ấy, Nga sẽ tăng cường quan hệ với các nước trong khu vưc, mà quan trọng nhất là các nước thành viên ASEAN. Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bởi vậy được đánh giá là một bước tiến mới trong hiện thực hóa các lĩnh vực quan hệ tiềm năng giữa hai nước Nga – Việt Nam và xa hơn là Nga với ASEAN và khu vực châu Á – Thái Bình Dương./.

Theo Điệp Anh, Thành Phương/VOV-Moscow

Related Posts