Vì sao Đức muốn hạ nhiệt quan hệ Nga-NATO?

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier kêu gọi NATO không làm trầm trọng thêm tình hình bằng cách “khua gươm” và nên đối thoại tích cực hơn nữa với Nga.

Ngày 18/6, ông Steinmeier chỉ trích các cuộc tập trận Saber Strike và Anakonda-2016 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Đông Âu, giáp biên giới Nga.

Báo Bild am Sonntag dẫn bình luận của ông Steinmeier nêu rõ: “Những ai cho rằng “cuộc diễu binh” bằng xe tăng trên biên giới phía Đông của liên minh sẽ đảm bảo an ninh đều là sai lầm”.

Vi sao Duc muon ha nhiet quan he Nga-NATO? - Anh 1

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier gặp Tổng thống Nga Putin tại Moscow hồi 3/2016.

Theo ông Steinmeier, hiện “không nên làm trầm trọng thêm tình hình bằng cách “khua gươm” và kêu gọi chiến đấu. Chúng ta không nên tạo cớ cho việc nối lại cuộc đối đầu trước đây”. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Đức cho rằng các đối tác NATO cần khôi phục cuộc thảo luận về “tính ưu việt của giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí đối với an ninh châu Âu”, ngoài ra quyết định tập trung vào quân sự sẽ là “chết người”.

Ông Steinmeier cũng kêu gọi NATO đối thoại với Nga và cho rằng cần lôi kéo Moscow trở thành “đối tác quốc tế có trách nhiệm”.

Từ ngày 6/6 vừa qua tại Ba Lan diễn ra cuộc tập trận quy mô lớn mang tên Anakonda kéo dài 2 tuần do NATO thực hiện. Đây là cuộc tập trận lớn nhất của NATO từ trước tới nay, vấp phải sự phản ứng kịch liệt từ phía Nga.

Cuộc tập trận lần này của NATO ghi nhận kỷ lục về số quốc gia và số người tham gia với 31.000 binh sĩ từ 24 quốc gia. 3.000 trang thiết bị kỹ thuật quân sự, bao gồm nhiều xe tăng, xe bọc thép, hơn 100 máy bay các loại và 12 tàu chiến được huy động tham gia cuộc tập trận lần này.

Cùng thời gian diễn ra cuộc tập trận này còn có các cuộc tập trận mang tên Saber Strike, Swift Response và Baltops tại Ba Lan và vùng biển Baltic. Các cuộc tập trận trên diễn ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vacsava (Ba Lan).

Tuyên bố của Ngoại trưởng Đức có thể là động thái nhằm xoa dịu Nga sau khi Berlin trót làm mất lòng Moscow vì Sách Trắng.

Còn nhớ, trước tuyên bố chỉ trích NATO của Ngoại trưởng Đức, trên một số cơ quan truyền thông của Đức và Nga xuất hiện thông tin Chính phủ Đức chuẩn bị công bố Sách Trắng, nội dung chủ yếu nhấn mạnh đến “đối thủ” Nga bị xếp cùng danh sách với 10 mối đe dọa, trong đó có hiểm họa khủng bố quốc tế, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khủng hoảng người nhập cư, vấn đề an ninh mạng và nguy cơ dịch bệnh do tăng dân số.

Nga bị xem là đối thủ của nước Đức, bởi “họ sử dụng nhiều công cụ để xóa nhòa ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình” – tờ Die Welt dẫn luận cứ từ các tác giả của Sách Trắng- “Tầm ảnh hưởng của Nga đối với dư luận quốc tế thông qua các công cụ truyền thống và mạng xã hội là một mối quan ngại đối với quân đội Đức”.

Nhóm tác giả Sách Trắng của Đức tiếp tục nâng quan điểm: “Moscow đang thực hiện lợi ích riêng của mình bằng các biện pháp vũ lực và tự quyền thay đổi biên giới hợp pháp được bảo đảm bởi pháp lý quốc tế (ý muốn đề cập tới các sự kiện ở Crimea và đông Ukraine), do đó hình thành mối đe dọa cho trật tự thế giới ở châu Âu vốn đã hình thành sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh”.

Ngay sau khi các thông tin trên được Die Welt đưa ra, Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga Dmitri Peskov đã bày tỏ sự tiếc nuối vì quan điểm này của Đức cho thấy Đức đang “không hiểu bản chất quan điểm của phía Nga” và có thể khiến mối quan hệ Nga-Đức trở thành quan hệ đối đầu.

Những phát ngôn của chính giới Đức đồng thời cho thấy mối quan hệ nóng-lạnh thất thường giữa hai quốc gia hàng đầu đại diện cho hai khối Đông – Tây.

Giới chức Đức nhiều lần khẳng định thế giới cần Nga trong nhiều vấn đề quan trọng của thế giới và Berlin cũng muốn làm cầu nối giữa Nga và châu Âu.

Related Posts