5 loại tàu Trung Quốc hay vào ngư trường Việt Nam

Trung Quốc bắt ngư dân, rồi ép ký vào biên bản, giấy tờ công nhận Hoàng Sa, Trường Sa của Trung Quốc là việc làm trái với pháp luật quốc tế.

“Trong sáu tháng đầu năm 2015, lực lượng kiểm ngư đã phát hiện có 1.944 tàu cá Trung Quốc (TQ) vi phạm trên vùng biển Việt Nam (VN), tăng 944 tàu so với cùng kỳ năm 2015”. Tại hội nghị sơ kết hoạt động sáu tháng đầu năm 2016 tổ chức mới đây, ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT), cho biết như thế.

TQ bắt, ép ngư dân VN trái pháp luật

Theo ông Huy, tình trạng các tàu cá TQ vi phạm trên vùng biển VN ngày càng diễn ra thường xuyên. Bên cạnh đó, công tác tuần tra, kiểm tra của lực lượng chức năng các nước trong khu vực thời gian gần đây ngày một gia tăng nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuần tra bảo vệ biển đảo, ngư trường đánh bắt và bảo vệ ngư dân trên vùng biển của ta.

Ông Huy cũng cho hay việc ngư dân VN bị TQ bắt, rồi ép ký vào biên bản, giấy tờ công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của TQ thời gian qua là có. Lực lượng kiểm ngư đang tiến hành xác minh để có thông tin chính xác hơn về việc này. Nhưng “rõ ràng việc làm của TQ là trái với pháp luật” – ông Huy nói.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huy cho rằng ngư dân VN tham gia đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của VN cần cảnh giác với chiêu trò này. Đặc biệt, không ký bất cứ giấy tờ nào mà họ yêu cầu khi mình không đọc được hoặc không rõ nội dung. “Nước ta có hơn 1 triệu lao động cùng hơn 120.000 tàu thuyền đánh bắt ngoài biển. Chúng ta có đầy đủ bằng chứng để khẳng định về chủ quyền vùng biển, quyền tài phán của VN trên biển Đông. Lực lượng kiểm ngư sẽ làm hết mình để đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền trên vùng biển” – ông Huy khẳng định.

Kiểm ngư tăng cường thêm nhiều trang thiết bị bảo vệ ngư dân, ngư trường trên vùng biển chủ quyền của VN. Ảnh do Cục Kiểm ngư cung cấp

Tăng cường lực lượng, phương tiện hiện đại

Cũng tại hội nghị trên, ông Trần Văn Khôi, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư số 3 (Đà Nẵng), cho biết qua thống kê tàu cá TQ có năm loại cơ bản. Thứ nhất là loại vỏ sắt 1.000 tấn, loại thứ hai là tàu vỏ sắt 450 tấn, các loại tàu này thường xuyên hoạt động chồng lấn vào vùng ngư trường của nước ta. Loại thứ ba là tàu 300 tấn, khi bị phát hiện thường lẩn tránh vào vùng đánh cá chung để trốn. Loại thứ tư là loại vỏ gỗ 60-200 tấn và loại cuối cùng là loại vỏ gỗ dưới 60 tấn.

Nói về thủ đoạn của các tàu cá TQ, ông Khôi nhận định: “Thủ đoạn của các tàu cá này là khi chúng ta phát hiện, họ lẩn trốn vào vùng ngư trường chung hoặc chấp nhận đồng ý di dời. Tuy nhiên, để di dời được tàu của họ đi rất khó. Cách làm của kiểm ngư là tuyên truyền, xua đuổi mà không tạo sự căng thẳng”.

Ông Khôi cho biết thêm tàu kiểm ngư hiện nay của nước ta số lượng ít, tàu lại nhỏ nên việc tuyên truyền, xua đuổi tàu cá TQ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do hạn chế tiếng Trung nên việc tiếp cận, tuyên truyền các tàu vi phạm của TQ cũng gặp khó.

Cục trưởng Cục Kiểm ngư Lưu Văn Huy cũng cho biết nhiều tàu hải giám TQ đã tấn công một số tàu cá ngư dân VN bằng nhiều cách như lấy ngư cụ, các trang thiết bị, lấy gần hết dầu chỉ còn để lại một ít để ngư dân vào bờ chứ không thể tiếp tục đánh bắt thủy hải sản. “Họ làm bằng mọi giá, mọi cách để triệt tiêu động cơ đánh bắt của bà con trên ngư trường truyền thống của VN” – ông Huy nêu thông tin.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định thời gian tới tiếp tục tăng cường các phương tiện hỗ trợ cho lực lượng kiểm ngư đảm bảo hoạt động đánh bắt của ngư dân. Dự án bảy tàu vỏ thép được đóng mới và sửa chữa ba tàu với mục đích tăng cường các hoạt động bảo vệ ngư dân đánh bắt trên vùng biển chủ quyền đang gấp rút hoàn thiện. Bộ NN&PTNT đang xem xét phê duyệt dự án xây dựng trạm kiểm ngư Phú Quốc vào đầu năm 2017 với tổng đầu tư là 182 tỉ đồng.

Lực lượng kiểm ngư dù mới thành lập được hai năm nhưng kiểm ngư luôn là chỗ dựa cho ngư dân trên biển. Thời gian tới, ngoài việc trang bị các tàu thuyền, lực lượng kiểm ngư cần trau dồi thêm kiến thức tiếng Trung, phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng vừa tuần tra bảo vệ biển đảo Tổ quốc, giàn khoan, ngư trường, vừa bảo vệ ngư dân đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của nước ta.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT VŨ VĂN TÁM

Related Posts