150 triệu Đ của hội Sen Vàng- Berlin xây dựng 2 lớp học mới cho La Hủ, Mường Tè

Theo tin báo CANG – Nhằm sẻ chia khó khăn, nâng bước các em học sinh đến trường, thông qua Báo CAND, Hội Từ thiện Sen Vàng Berlin (Đức) đã ủng hộ thầy, trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học số 2 Bum Tở (Mường Tè) xây dựng điểm trường với 2 lớp học, kinh phí 150 triệu đồng.

eb264469-de80-425f-87ca-50a0c2d699b9

Mường Tè là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, trong những năm qua, nơi đây đã có những đổi thay đáng kể. Tuy nhiên, do khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, nên trên mảnh đất vùng biên này, cuộc sống của bà con cũng như việc học của các em học sinh còn gặp nhiều khó khăn.

Nhằm sẻ chia khó khăn, nâng bước các em học sinh đến trường, thông qua Báo CAND, Hội Từ thiện Sen Vàng Berlin (Đức) đã ủng hộ thầy, trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học số 2 Bum Tở (Mường Tè) xây dựng điểm trường với 2 lớp học, kinh phí 150 triệu đồng.

Thầy trò Trường PTDTBT Tiểu học số 2 Bum Tở vui mừng khi điểm trường Pa Thoóng 2 đã được xây dựng.

Từ thành phố Lai Châu, để đến được huyện Mường Tè, Đoàn công tác Xã hội từ thiện Báo CAND và Hội Từ thiện Sen Vàng Berlin (Đức) mất hơn 3 giờ đồng hồ đi trên những cung đường một bên là vực, một bên là vách.

Bà con La Hủ vui mừng khi điểm trường Pa Thoóng 2 đã tạo điều kiện cho các em học sinh đến trường.
Anh Phạm Anh Tuấn, đại diện Hội Từ thiện Sen Vàng Berlin (Đức) với các em học sinh ở điểm trưởng Pa Thoóng 2.

Lần đầu đặt chân lên mảnh đất vùng biên Mường Tè, anh Phạm Anh Tuấn đại diện Hội Từ thiện Sen Vàng Berlin (Đức) thấy rợn ngợp trước sự hùng vĩ, cũng như địa hình hiểm trở nơi đây.

Anh Tuấn bảo, mình đã đi nhiều nơi, tới nhiều vùng miền, nhưng đặt chân lên nơi mà đâu đâu cũng thấy núi non trùng điệp, tiết trời khắc nghiệt, rồi chứng kiến nghị lực vươn khó khăn của bà con các dân tộc, thì đây có lẽ là lần đầu.

Huyện Mường Tè là nơi cư trú của bà con 27 dân tộc, trong đó có dân tộc La Hủ. Tại xã Bum Tở, có 99% dân số là người La Hủ.

Sáng 20-12, chúng tôi lên bản Pa Thoóng 2, nơi có công trình điểm trường mà nhà tài trợ và Báo CAND xây dựng. Cô giáo Lò Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học số 2 Bum Tở cùng các thầy cô cùng chúng tôi đi tham quan 2 gian phòng học khang trang, chắc chắn.

Điểm trường Pa Thoóng 2.
Đại úy Cao Thị Hồng, Phó trưởng Ban Pháp luật – Bạn đọc, Báo CAND trò chuyện với các em học sinh ở điểm trường Pa Thoóng 2.

Cô giáo Nguyệt chia sẻ, trước đây, do chưa có điểm trường, các em học sinh của bản Pa Thoóng 2 phải đi bộ hơn 2km, học nhờ bên điểm trường Huổi Han. Việc đi lại rất vất vả, nhất là mùa mưa lũ. Thậm chí, có những hôm, các em phải nghỉ học do con suối Huổi Han dâng lên.

Nhưng giờ, điểm trường Pa Thoóng 2 đã được xây cất với 2 phòng học đáp ứng nhu cầu học tập cho hơn 40 em học sinh, các em sẽ không còn phải đi xa, không còn lo lắng mỗi lúc trời mưa nữa.

Trò chuyện với cô giáo Nguyệt, chúng tôi được biết, nhà trường có 21 cán bộ, giáo viên và hiện có 180 em học sinh (lớp 1-5) đang theo học tại Trường PTDTBT Tiểu học số 2 Bum Tở (với 4 điểm trường). Và điểm trường Pa Thoóng 2 sẽ tạo điều kiện cho con em 27 hộ dân người dân tộc La Hủ đang sinh sống ở điểm bản này lên lớp.

Cô giáo Đào Thị Bằng, chủ nhiệm lớp 1 – điểm trường Pa Thoóng 2 tiếp lới, từ nay, cô và đồng nghiệp sẽ không còn phải ngày ngày đợi các em học sinh nơi ngã 3 bản, rồi đưa các em “vượt” suối đến điểm trường Huổi Han nữa. Sự học của các em đã được tạo điều kiện hơn.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với các thầy cô giáo “cắm bản” nơi đây tạm gián đoạn khi em Lý Hu Mé, học sinh lớp 1 – điểm trường Pa Thoóng 2 lại gần. Đôi mắt tròn và to, Mé ngơ ngác nhìn chúng tôi. “Nhà cháu ở đâu?”, “Dạ…Dạ, cháu ở bên kia!”, chỉ tay về phía ngôi nhà vách nằm đối diện điểm trường, Mé bảo.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, gia đình nhà em Mé cũng như 27 hộ dân bà con La Hủ, ở bản Pa Thoóng 2 này chuyển về đây sinh sống, đến nay cũng đã hơn một năm.

Trước đây, các hộ dân ở trên ngọn núi cao của bản, đời sống bấp bênh. Sau khi dự án giảm nghèo triển khai trên địa bàn, số hộ dân trên đã được các ngành, các cấp tạo điều kiện, di chuyển xuống đây cư trú. Điểm trường Pa Thoóng 2 sau khi đi vào sử dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh đồng bào La Hủ nơi đây đến trường.

Các em học sinh điểm trường Pa Thoóng 2 vui đùa bên phòng học khang trang mới được xây dựng.

Anh Ly Hà Giá, bố cháu Mé, nói giọng lơ lớ: “Bà con La Hủ cám ơn nhiều lắm. Giờ mấy đứa nhà mình đi học không sợ mưa, sợ nước suối lên nữa rồi”. Nói rồi, anh Giá nắm chặt tay các thành viên trong Đoàn công tác như thể bày tỏ lòng cảm ơn.

Trong buổi lễ cắt băng khánh thành điểm trường, anh Phạm Anh Tuấn, đại diện Hội Từ thiện Sen Vàng Berlin (Đức) cho biết, trước những khó khăn của bà con các dân tộc huyện Mường Tè đang gặp phải, các thành viên của Hội Từ thiện Sen Vàng Berlin đã hướng về quê hương, ủng hộ thầy trò nhà trường kinh phí để xây dựng điểm trường, giúp các em đến trường được thuận tiện hơn.

Đại diện Báo CAND, nhà tài trợ và các thầy cô giáo tại buổi bàn giao điểm trường Pa Thoóng 2.

Trước nghĩa cử mà Hội Từ thiện Sen Vàng Berlin (Đức), những người làm Báo CAND gửi tặng bà con huyện Mường Tè nói chung và thầy trò nhà trường nói riêng, ông Trương Quốc Hoàn, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc, đồng thời cho biết, việc xây dựng điểm trường trên sẽ là nguồn động viên tinh thần, giúp thầy trò nhà trường vươn khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao – thắp sáng ước mơ học sinh vùng cao.

Ngày mới bắt đầu. Các em học sinh nơi huyện vùng biên Mường Tè trở dậy, hồ hởi cắp sách tới trường. Dẫu điều kiện học tập còn khó khăn, song với những bước chân thầm lặng của các thầy cô giáo “cắm bản”, với sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, sự học của các em sẽ không ngừng vươn cao.

Theo anh Vàng Cà Ly, Phó Chủ tịch UBND xã Bum Tở cho biết: xã có 745 hộ, với hơn 3.200 nhân khẩu, 99% là người dân tộc La Hủ. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 90%. Đời sống kinh tế của bà con chủ yếu làm nông nghiệp, lên nương. Điểm trường Pa Thoóng 2 được xây dựng sẽ góp phần giúp địa phương phát triển kinh tế, phổ cập giáo dục cũng như đẩy lùi tệ nạn xã hội trên địa bàn.
Trần Huy

 

 

Related Posts