Cục Lãnh sự BNG đổi mới và hội nhập quốc tế

Chinhphu.vn) – Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, trở thành điểm tựa tin cậy của công dân khi ra nước ngoài.

 Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Cục Lãnh sự. Ảnh: VGP/Hải Minh

Ngày 7/12, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) tổ chức kỷ niệm 70 năm truyền thống công tác lãnh sự và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai do Chủ tịch nước trao tặng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm; nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã đến dự buổi lễ.

Mùa xuân năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 47/SL thành lập nên những đơn vị chủ chốt của Bộ Ngoại giao, trong đó có Phòng Hành chính và Kiều dân thuộc Đổng lý sự vụ, tiền thân của Cục Lãnh sự ngày nay.

Theo Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Minh Vũ, nhiệm vụ của công tác lãnh sự thời gian đầu ưu tiên việc vận động, tuyên tryền tinh thần yêu nước, vận động kiều bào ủng hộ tài sản, tham gia trực tiếp vào công cuộc kháng chiến chống Pháp, góp phần làm lên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954, buộc Pháp công nhận nền độc lập của Việt Nam.

Sau kháng chiến chống Pháp, ngoài việc vận động kiều bào thúc đẩy phong trào đấu tranh phản chiến, tuyên truyền chống lại cuộc chiến phi nghĩa của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, công tác lãnh sự còn tranh thủ quan hệ hữu nghị với các nước để đưa lao động, tu nghiệp sinh, sinh viên Việt Nam sang các nước này học tập, làm việc, nâng cao tay nghề để phục vụ xây dựng đất nước.

Công tác bảo hộ công dân bắt đầu được triển khai bằng việc ký kết các thỏa thuận về hồi hương Việt Kiều ở Thái Lan, Lào… về nước, đồng thời giải quyết các vấn đề sau chiến tranh, gồm vấn đề tù binh, tìm kiếm hài cốt binh lính.

Trong những năm 80, Vụ Lãnh sự (thành lập tháng 4/1957) đã phối hợp với Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn, hồi hương hàng trăm nghìn người Việt Nam đang sống trong các trại tị nạn ở các nước lân cận; thúc đẩy ký kết 23 hiệp định, thỏa thuận về lãnh sự, miễn thị thực và tương trợ tư pháp với các nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa, đơn vị đã đàm phán thành công vấn đề tài sản ngoại giao để tháo gỡ những nút thắt trong bình thường hóa quan hệ với các đối tác quan trọng như Hoa Kỳ, Anh, Pháp.

Để đáp ứng yêu cầu của công tác lãnh sự trong tình hình mới, ngày 20/1/1994, Bộ trưởng Ngoại giao đã ký Quyết định số 50/QĐ thành lập Cục Lãnh sự.

Cục Lãnh sự đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lãnh sự và di cư quốc tế, thiết lập cơ chế tư vấn lãnh sự thường niên và định kỳ tổ chức các cuộc họp hàng năm với các đối tác quan trọng.

Năm 2007, Cục Lãnh sự đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành thủ tục cấp giấy miễn thị thực cho người Việt Nam ở nước ngoài để hiện thực hóa chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với kiều bào trong Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị.

Năm 2008, Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài đi vào hoạt động, tạo cơ sở để triển khai công tác này hiệu quả hơn.

Quá trình toàn cầu hóa, cùng với việc chủ động hội nhập quốc tế dẫn đến số lượng công dân Việt Nam ra nước ngoài tăng nhanh qua từng năm, Cục Lãnh sự luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, trở thành điểm tựa tin cậy của công dân khi ra nước ngoài.

Hải Minh

Related Posts