Phóng viên kể lại khoảnh khắc đối mặt tay súng ám sát Đại sứ Nga

BVD- Phóng viên ảnh Burhan Ozbilici của hãng thông tấn AP, người có mặt tại nơi xảy ra vụ tấn công khiến Đại sứ Andrey Karlov thiệt mạng vào tối ngày 19/12 ở thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ), đã kể lại khoảnh khắc nhà ngoại giao Nga ngã gục trong vũng máu khi trúng đạn từ họng súng của kẻ thủ ác.
 >> Những hệ lụy từ vụ Đại sứ Nga bị ám sát
 >> Nhân chứng vụ ám sát Đại sứ Nga: Cứ ngỡ là hoạt cảnh sân khấu
 >> Chân dung Đại sứ Nga bị ám sát ở Thổ Nhĩ Kỳ

Nghi phạm Mevlut Mert Altintas tại phòng triển lãm ở Ankara, Thồ Nhĩ Kỳ tối 19/12 (Ảnh: Mic)

Nghi phạm Mevlut Mert Altintas tại phòng triển lãm ở Ankara, Thồ Nhĩ Kỳ tối 19/12 (Ảnh: Mic)

Phóng viên ảnh Burhan Ozbilici của hãng thông tấn AP đã tới dự cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật mang tên: “Từ Kaliningrad đến Kamchatka trong con mắt của du khách” được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật hiện đại ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ vào tối ngày 19/12 và đã chứng kiến toàn bộ vụ tấn công nhằm vào Đại sứ Nga Andrey Karlov tại đây.

“Khi tôi đến nơi, các quan khách bắt đầu phát biểu. Sau khi Đại sứ Nga Andrey Karlov chuẩn bị phát biểu, tôi đã tiến đến gần hơn để chụp ảnh ông ấy. Lúc đó tôi nghĩ rằng những bức ảnh của mình sẽ hữu ích cho các câu chuyện về mối quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ sau này”, Burhan Ozbilici kể về những giây phút đầu tiên khi ông tiếp xúc với Đại sứ Karlov.

“Ông ấy phát biểu rất nhẹ nhàng, trong lời nói chứa chan tình yêu thương về quê hương của ông. Đôi lúc Đại sứ Karlov dừng lại để người phiên dịch chuyển ngữ đoạn ông vừa nói sang tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi vẫn nhớ suy nghĩ của mình khi ấy rằng sao đại sứ có thể hiền hòa và khiêm nhường đến vậy”, phóng viên Ozbilici nói.

Theo lời phóng viên ảnh của AP, khi Đại sứ Karlov đang phát biểu thì một loạt tiếng súng bắt đầu nổ ra khiến khán giả “hoảng loạn”. Thi thể Đại sứ Karlov đổ rạp xuống sàn nhà, chỉ cách chỗ Burhan Ozbilici đang đứng vài mét. “Ban đầu tôi không thấy trên người đại sứ có máu và nghĩ rằng ông ấy có thể bị bắn từ sau lưng. Phải mất với vài giây tôi mới kịp nhận ra chuyện gì đang xảy ra: Một người đàn ông đã chết ngay trước mắt tôi, một cuộc đời đã khép lại ngay trước mắt tôi”, Ozbilici cho biết.

“Tôi lùi lại phía sau và di chuyển sang bên trái trong khi tay súng – sau này được xác định là sĩ quan cảnh sát Mevlut Mert Altintas – chĩa súng vào phía những người đang co cụm ở phía bên phải căn phòng… Tay súng bị kích động cực độ. Hắn đi vòng quanh thi thể đại sứ, đập vỡ một vài bức ảnh treo trên tường… Hắn gào lên “Thánh Allah vĩ đại” nhưng tôi không thể hiểu hết những gì hắn nói vì đó là ngôn ngữ Ả rập”, Burhan Ozbilici nói thêm.

Cảnh tượng hỗn loạn tại phòng triển lãm khi vụ nổ súng xảy ra (Ảnh: Reuters)
Cảnh tượng hỗn loạn tại phòng triển lãm khi vụ nổ súng xảy ra (Ảnh: Reuters)

Bất chấp nguy hiểm để tác nghiệp

Theo lời kể của Burhan Ozbilici, có ít nhất 8 tiếng súng vang lên, mọi người có mặt trong căn phòng la hét, trốn sau cột nhà, dưới gầm bàn và nằm dưới sàn nhà. Bản thân phóng viên này cũng cảm thấy sợ hãi và rối trí, nhưng rốt cuộc ông đã tìm được một chỗ ẩn nấp sau tường và bắt đầu làm công việc của mình: đó là chụp ảnh. “Tất nhiên, tôi cũng rất sợ. Tôi biết sẽ là nguy hiểm nếu tay súng hướng về phía mình. Nhưng tôi quyết định tiến gần thêm một chút, chụp ảnh kẻ đang quát tháo ầm ĩ những khách thăm quan bị mắc kẹt và tuyệt vọng ngồi trong phòng”.

“Lúc đó tôi nghĩ rằng: “Tôi ở đây. Thậm chí tôi có thể bị bắn, bị thương hoặc bị giết nhưng tôi là một nhà báo. Tôi phải làm công việc của mình. Tôi có thể bỏ chạy mà không cần chụp bất kỳ bức ảnh nào… Nhưng tôi không biết sẽ trả lời ra sao nếu sau này có người hỏi tôi rằng: Tại sao anh không đứng lại chụp ảnh? Tôi thậm chí đã nghĩ về những người bạn và những người đồng nghiệp, những người đã chết khi tác nghiệp ở các vùng chiến sự trong những năm qua”, Burhan Ozbilici nói.

“Trong khi tôi vẫn mải mê với những dòng suy nghĩ, tôi thấy tay súng rất kích động, nhưng điều kỳ lạ là hắn vẫn kiểm soát được bản thân. Hắn hét lên bảo mọi người đứng lại. Trong khi đó, nhân viên an ninh tìm cách sơ tán chúng tôi khỏi hiện trường. Xe cứu thương và xe bọc thép nhanh chóng xuất hiện và cảnh sát cũng đã được triển khai. Tay súng sau đó bị tiêu diệt trong một cuộc đấu súng. Khi tôi quay trở lại văn phòng để biên tập những bức ảnh vừa chụp, tôi bị sốc khi thấy tay súng đứng ngay sau lưng đại sứ khi ông ấy phát biểu, như thể hắn là một người bạn hay một vệ sĩ của ông ấy vậy”, Burhan Ozbilici nhớ lại.

Đại sứ Karlov sau đó được xác định đã tử vong tại chỗ. Danh tính của sát thủ cũng được xác nhận là Mevlut Mert Altintas, 22 tuổi, là một sĩ quan cảnh sát của lực lượng chống bạo loạn ở Ankara. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, Altintas không có ca làm việc nhưng người này đã sử dụng chứng minh thư cảnh sát để mang theo súng, tiến thẳng vào phòng triển lãm. Hiện cảnh sát vẫn đang tiếp tục điều tra vụ việc để tìm hiểu động cơ gây án của nghi phạm.

Thành Đạt , tổng hợp

Related Posts