Rex Tillerson làm Ngoại trưởng Mỹ là ‘chiến thắng cuối’ của Putin

Tờ The Guardian đánh giá việc ông Rex Tillerson trở thành Ngoại trưởng Mỹ là điểm nhấn cuối cùng, xác nhận “chiến thắng” dành cho ông Putin trong cuộc bầu cử Mỹ vừa qua.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chính thức chọn giám đốc điều hành tập đoàn Exxon Mobil, Rex Tillerson cho vai trò Ngoại trưởng trong nội các mới của mình.

Sự lựa chọn của ông Trump tiếp tục dấy lên những tranh cãi khi người mà ông đề cử có quan hệ thân tình với Nga – điều khiến giới tinh hoa truyền thống nước này cảm thấy không hài lòng.

Rex Tillerson cũng sẽ phải đối mặt với nhiều câu hỏi hóc búa trong buổi điều trần Thượng viện sắp tới khi ông vốn được biết đến với vai trò doanh nhân hơn là một chính khách giàu kinh nghiệm ngoại giao.

Rex Tillerson và Tổng thống Nga Putin trong một buổi ký kết thỏa thuận giữa Exxon và Rosneft.

“Điều tôi thích nhất về Rex Tillerson là ông ấy có kinh nghiệm dày dặn trong làm việc với các chính phủ nước ngoài”, tổng thống mới đắc cử cho biết trong một thông điệp đăng tải trên Twitter sau lựa chọn của mình.

Tillerson năm nay 64 tuổi và đã làm việc tại Exxon hơn 40 năm qua. Ông đã phấn đấu từ một kỹ sư trở thành giám đốc điều hành toàn cầu của tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng này.

Ông Tillerson đã có nhiều năm đàm phán giao dịch kinh doanh lớn với Nga và từng được Tổng thống Nga Putin trao giải thưởng “Huân chương Hữu nghị” vào năm 2013. Không những vậy, ông còn là người phản đối việc áp đặt các biện pháp trừng phạt với Moscow.

Các đồng minh và đội cố vấn của Donald Trump tiếp tục bảo vệ Tillerson, với lý do ông có những kinh nghiệm đàm phán tuyệt vời tích lũy trong nhiều năm kinh doanh của mình. Ngoài ra ông còn nhận được sự tôn trọng trong cộng đồng ngoại giao và được đề cử bởi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và cựu Ngoại trưởng Condoleezza Rice.

Cả hai tờ báo Washington Post và The New York Times đồng loạt lên tiếng chỉ trích công khai quyết định của Donald Trump trong việc lựa chọn ông Tillerson, trong khi đó cây bút Julian Borger của tờ The Guardian đánh giá việc ông Rex Tillerson trở thành Ngoại trưởng giống như một sự xác nhận cuối cùng cho “chiến thắng” của ông Putin trong cuộc bầu cử Mỹ vừa qua.

Trong một phát ngôn vài ngày trước Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh điều tra về cái gọi là sự can thiệp bí mật của Nga mà CIA quả quyết rằng đã giúp Donald Trump giành chiến thắng. Nhưng dù có hay không sự tác động của Nga, việc lựa chọn ông Tillerson sẽ mang đến một lợi ích đáng kể cho Moscow.

Giám đốc tập đoàn Exxon là bạn bè cũng như là đối tác lớn với chủ tịch tập đoàn dầu khí Rosneft Igor Sechi – người từng là phó thủ tướng trong nội các của ông Putin và được biết đến như nhân vật quyền lực thứ hai ở Nga.

Thỏa thuận hợp tác giữa Exxon và Rosneft đã bị đóng băng khi lệnh trừng phạt được áp đặt Nga vào năm 2014, sau cuộc khủng hoảng Ukraine. Exxon Mobil ước tính các biện pháp trừng phạt đã làm thiệt hại lên tới 1 tỷ USD và Tillerson là người luôn đưa ra những lập luận yêu cầu dỡ bỏ lệnh trừng phạt một cách mạnh mẽ.

“Tillerson có một mối quan hệ với ông Putin và là người phản đối các biện pháp trừng phạt đối với Nga sau sự sáp nhập của Crimea. Điều này sẽ khiến châu Âu lo lắng về những ý định mới của Moscow”, chuyên gia Thomas Wright từ Viện Brookings nhận xét.

Mặc dù phe cánh tả phản đối lựa chọn của Tổng thống đắc cử Donald Trump, nhưng trên thực tế, quản lý vấn đề đối ngoại sẽ không dễ dàng như công việc điều hành ở Exxon Mobil; và thử thách đầu tiên dành cho ông Tillerson đó là vượt qua phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ trước sức ép từ đảng Dân chủ cũng như sự phàn nàn từ các đảng viên Cộng hòa bảo thủ.

Trong đó Thượng nghị sĩ bang New Jersey Bob Menendez gọi việc ông Rex Tillerson trở thành Ngoại trưởng không khác gì việc “Nga có sẵn đồng minh trong nội các”. Hay Thượng nghị sĩ John McCain cũng cho biết sẽ cân nhắc việc bỏ phiếu lựa chọn.

Thậm chí nếu Tillerson vượt qua được Thượng viện, ông cũng sẽ không hoàn toàn tự do trong việc hoạch định chính sách khi có những xung đột với nhóm nhân vật có xu hướng đối ngoại truyền thống, trong đó phải kể đến gương mặt được ông Trump lựa chọn cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis – người có khả năng sẽ tiếp tục lập trường chống Nga như từng thể hiện trong quá khứ.

Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Carnegie Moscow, lập luận: “Việc ông Tillerson trở thành Ngọai trưởng sẽ biểu cho sự gián đoạn lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh”.

“Không chỉ trong quan hệ Mỹ-Nga, một chính sách đối ngoại mang tên Trump-Tillerson sẽ tập trung thẳng vào lợi ích quốc gia của Mỹ, chứ không phải cố gắng nâng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu”.

Đây là một sự thay đổi sẽ được ông Putin hoan nghênh khi nhà lãnh đạo Nga luôn muốn hướng tới một quan hệ ngang hàng giữa các cường quốc và trật tự thế giới đi theo xu hướng đa cực.

Quốc Vinh ( Theo người đưa tin ) 

Related Posts