17.02.1979, lich sử không bao giờ quên ” quân bành trướng Bắc Kinh” xâm lược Việt Nam

17.02.1979 tôi ở trong vùng chiến sự 

Là phóng viên chiến trường, tôi được cấp trên cử ra nằm chờ sẵn ở giáp biên giới Việt Nam-Trung Quốc chừng 500m, thuộc huyện Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Buổi tối ngày 16.02.1979 tôi cùng Chủ nhiệm chính trị trung đoàn 43 lên U-Bò ( một cao điểm gáp biên, bên dòng sông Ca Long ) dự buổi sinh hoạt chính trị ” Nâng cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu” và vui văn nghệ cùng đợn vị. Đêm ấy tôi ngủ lại trên chốt, với ý định để sáng hôm sau chụp một số hình ảnh về bộ đội ta sẵn sàng chiến đấu.


Không ngờ, khoảng hơn 4 giờ sáng 17.02.1979, từ bên kia biên giới Trung Quốc pháo cối cấp tập bắn vào phía Việt Nam.
Nhưng những loạt pháo đầu tiên chúng bắn không trúng đội hình của ta. Tuy vậy một số lính mới bị hoảng loạn bỏ chạy về phía sau lại trúng vào làn đạn pháo địch. Tôi vơ vội khẩu AK và hô hào anh em bộ đội vào vị trí chiến đấu xả đạn xuống phía đội hình quân Trung Quốc khi chúng đang thổi kèn xung phong vượt sông Ca Long tràn sang biên giới Việt Nam. Chúng bị bộ đội ta đánh chặn quyết liệt chúng bắn pháo và hùa nhau bỏ chạy quay lại.
Trời sáng dần, đứng trên đồi cao tôi quan sát toàn bộ vùng dọc biên giới của huyện Móng cái đều bị địch tấn công. Tập trung nhất là khu vực nhà máy sứ ở thị trấn Móng Cái.
Với nhiệm vụ vủa phóng viên tôi mượn được chiếc xe đạp của nhà dân ven đường lao như điên ngược dòng người chạy ra để vào nơi khói lửa .
Vào gần đến nơi tôi bỏ lại xe đạp chạy bộ qua các căn nhà đổ nát. Chay qua sân đồn Công an cửa khẩu, vào khu nhà máy sứ Móng Cái chụp ảnh nhà máy bị Trung Quốc tàn phá thì bị địch phát hiện và pháo kích dữ dội. Nhà máy sứ bị xập thêm. Rất may cho tôi, cả 3 quả đạn cối 81 ly rơi cách tôi chừng từ 3-10 m nhưng đều thối, không nổ. Nếu không có lẽ chẳng bao giờ còn sống để viết lại những cảm xúc này.
Ngay sau đó tôi ra đường chặn xe ô tô đi nhờ mang những bức ảnh cùng tin tức chiến sự nóng bỏng về Hồng Gai để kịp đăng trên các báo, báo cho nhân dân cả nước biết Trung Quốc đã tiến đánh biên giới và xâm lược Việt Nam !
Hôm nay, 17.02.2017, sau 38 năm mà tôi vẫn nhớ lại như in những gì đã xảy ra. Đó là những thời khắc không thể nào quên !

Phóng viên chiến trường- Nhà báo Huy Thắng, ảnh chụp tại biên giới Móng Cái giáp Trung Quốc ( năm 1979 )

Tôi xin biên tập lại những dấu mốc để các bạn hiểu thêm :
Rạng sáng 17/2/1979, Bắc Kinh bất ngờ ồ ạt xua quân xâm lược biên giới mở màn cho cuộc chiến 30 ngày trên địa bàn 6 tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và kéo dài suốt 10 năm sau đó.
Tiếng súng vang trên bầu trời biên giới
Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đưa 600.000 quân tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam. Số quân Trung Quốc tham chiến lúc này được cho nhiều hơn các đạo quân xâm lược trước đó. (Thời điểm cao nhất, quân Mỹ huy động trên chiến trường Việt Nam gần 550.000 quân, Pháp 250.000 quân…).
Tướng Hứa Thế Hữu, tư lệnh đại quân khu Quảng Châu được cử làm tổng tư lệnh cuộc chiến tranh, trực tiếp chỉ huy hướng xâm lược Cao Bằng – Lạng Sơn. Tướng Dương Đắc Chí, tư lệnh đại quân khu Côn Minh chỉ huy hướng Lào Cai.
Chiến thắng mùa xuân 1975 theo đánh giá của nhiều nhà sử học thế giới là kết quả Trung Quốc không mong muốn, khi Bắc Kinh và Washington đạt được một số thỏa thuận sau chuyến thăm của Tổng thống Nixon năm 1972.
Tháng 5/1975, quân Khmer Đỏ thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam tàn sát dân thường. Đứng đằng sau là Trung Quốc tài trợ khí tài, cố vấn quân sự. Khi quân đội Việt Nam tổng phản công trên biên giới Tây Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế đánh sang Campuchia lật đổ chính quyền Khmer Đỏ, bảo vệ nhân dân Campuchia, Trung Quốc quyết định dừng viện trợ cho Việt Nam.
Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi ấy tuyên bố: “Phải dạy cho Việt Nam một bài học” và che mắt thế giới rằng “đây là cuộc chiến tranh phản kích tự vệ”.
Theo Niên giám châu Á 1980, tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam ở biên giới lúc này khoảng 50.000 quân, gồm bộ đội địa phương, công an vũ trang, dân quân tự vệ. Bước vào cuộc chiến không cân sức, quân dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã tổ chức các đợt phòng ngự, đẩy lùi từng đợt tiến công của quân Trung Quốc.
Ở Lạng Sơn, sau 10 ngày chiến đấu, Trung Quốc tung thêm quân vào thị xã Lạng Sơn, dùng chiến thuật biển người nhằm xâm chiếm mục tiêu quan trọng. Lực lượng vũ trang địa phương đã đánh bật hàng chục đợt tiến công của giặc. Các trận đánh diễn ra ác liệt ở cầu Khánh Khê, Tam Lung, Đồng Đăng.
Quân Trung Quốc chia các hướng đánh vào nhiều điểm tại Lai Châu, Hà Tuyên, Quảng Ninh. Hai sư đoàn Trung Quốc theo đường 10 vào Nậm Cúm, Phong Thổ (Lai Châu). Lực lượng vũ trang Việt Nam đã chiến đấu, chặn đứng quân thù ở đây 20 ngày.
Cùng lúc đó, một cuộc chuyển quân thần tốc của 3 quân đoàn chủ lực Việt Nam trở về bảo vệ biên giới diễn ra bằng đường biển, đường bộ và đường hàng không. Liên Xô lập cầu hàng không tương trợ cho Việt Nam, đưa quân từ mặt trận Campuchia ra thẳng miền Bắc tham chiến.
Trước khi phát động chiến tranh xâm lược tháng 2/1979, Trung Quốc đã dựng nên sự kiện “nạn kiều” khiến tình hình biên giới hai nước căng thẳng. Ngày 12/7/1978, nước này bất ngờ ra lệnh đóng cửa biên giới khiến hàng nghìn người Hoa bị dồn ứ ở cửa khẩu, gây náo loạn vùng biên.
Ngày 27/8/1978, Lê Đình Chinh (Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Trung đoàn 12, Bộ tư lệnh Công an vũ trang nhân dân, nay là Bộ đội Biên phòng) bị công an biên phòng Trung Quốc vượt biên sát hại khi đang bảo vệ cán bộ làm nhiệm vụ động viên người Hoa trở về làm ăn sinh sống. Anh hy sinh trên đồi Pù Tèo Hào, sát km số 0, là chiến sĩ đầu tiên ngã xuống ở mặt trận biên giới phía Bắc khi tròn 18 tuổi.
Sáng 5/3, chương trình phát thanh 90 phút của Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt: “Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta… Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường, quyết định tổng động viên. Cùng ngày, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29 – LCT ra lệnh Tổng động viên. Mọi công dân trong lứa tuổi do luật định đều phải gia nhập lực lượng vũ trang bảo vệ tổ quốc. 50 triệu người Việt Nam sẵn sàng cho tình thế chuyển từ thời bình sang thời chiến.
Lệnh tổng động viên được ban bố sáng 5/3, thì chiều cùng ngày phía Trung Quốc bất ngờ tuyên bố rút quân và rêu rao hoàn thành mục tiêu “dạy cho Việt Nam một bài học”. Thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam tuyên bố cho Trung Quốc rút quân.
Ngày 18/3, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân. Trước khi rút, chúng còn tàn phá một số làng mạc, phá hoại công trình di tích, bệnh viện, trường học, giết hại nhiều người dân vô tội.
Trận chiến kéo dài 30 ngày đã hủy diệt 4/6 thị xã dọc biên giới Việt Nam, hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. 400.000 gia súc bị giết, hoa màu bị tàn phá, một nửa trong số 3,5 triệu dân 6 tỉnh biên giới mất nhà cửa, tài sản.
Phía Trung Quốc bị diệt 62.500 tên, 550 xe quân sự trong đó có 220 xe tăng, xe bọc thép (hơn một nửa số tham chiến) bị bắn cháy, 115 đại bác và súng cối hạng nặng bị phá hủy…
Giới phân tích nhận định, thay vì dạy cho Việt Nam một bài học, Trung Quốc đã nhận lấy bài học quân sự đắt giá.
Cuộc chiến đẩy quan hệ Việt – Trung rơi vào thời kỳ đen tối, tạo hố sâu ngăn cách suốt thời gian dài.
Cuộc chiến kéo dài 10 năm


Trên thực tế, chiến tranh biên giới phía Bắc kéo dài suốt 10 năm (1979-1989) khi Trung Quốc duy trì nhiều sư đoàn, trung đoàn độc lập áp sát biên giới lấn chiếm lãnh thổ, biến Việt Nam thành thao trường. Các đơn vị chủ lực Việt Nam thay phiên nhau bổ sung quân cho chiến trường phía Bắc. Nhiều đợt nhập ngũ diễn ra.Hàng nghìn thanh niên Việt Nam tuổi 18-20 mãi nằm lại biên cương trong cuộc chiến này.
Mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) trở thành vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến chống xâm lấn biên giới. Từ tháng 4/1984 đến 5/1989, Trung Quốc đưa hơn 500.000 quân của 8 trong 10 đại quân khu đánh chiếm biên giới Vị Xuyên. Việt Nam có 9 Sư đoàn chủ lực tham chiến, chưa kể nhiều trung đoàn, tiểu đoàn các quân khu, quân của Bộ Quốc phòng và tỉnh thành khác.
“Trung Quốc chọn Vị Xuyên để đánh vì có hệ thống điểm cao biên giới tạo nên thế trận phòng ngự tiến công liên hoàn, chiếm được thì có thể uy hiếp thị xã Hà Giang, đưa quân thọc sâu vào đất liền nước ta. Những nơi khác như Đồng Đăng, Hữu Nghị (Lạng Sơn) là khu vực quốc tế quan sát rõ, nhưng nếu đưa lực lượng lớn vào Vị Xuyên thì ít bị chú ý. Đến giờ, có lẽ nhiều người không biết Vị Xuyên nằm ở đâu”, thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2, tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên thời kỳ 1985-1989 nói.
T
ừ ngày 28/4 đến 16/5/1984, quân Trung Quốc lần lượt chiếm đóng trái phép nhiều cao điểm 226, 233, 685, 772, 1030, 1250, 1509… thuộc tỉnh Hà Giang. Sư đoàn 312, 316, 356 được lệnh tiến hành chiến dịch MB84, phản công giành lại các điểm cao.
Ngày 12/7/1984, trận mở màn chiến dịch giành lại cao điểm 772 diễn ra ác liệt. Do địa hình bất lợi, quân Trung Quốc được hỏa lực yểm trợ mạnh, hàng nghìn bộ đội Việt Nam hy sinh, riêng Sư đoàn 356 mất khoảng 600 người.
Sau trận đánh, Việt Nam không lấy lại được các cao điểm đã mất, nhưng chặn được Trung Quốc thực hiện mưu đồ vượt qua ngã ba Thanh Thủy để tiến xuống thị xã Hà Giang.
Từ tháng 7/1984 trở đi, mặt trận Vị Xuyên không lúc nào ngơi tiếng súng, hai bên giành giật nhau từng vị trí trên các cao điểm. Đỉnh điểm đầu năm 1985, có ngày quân Trung Quốc bắn 30.000 quả đại bác vào Vị Xuyên ở chiều rộng 5 km, chiều sâu 3 km, biến cao điểm 685 thành “lò vôi thế kỷ”, có điểm bị bạt 3 m.
Bộ đội Việt Nam 7 lần thay phiên chiến đấu cấp trung đoàn, sư đoàn để giữ chốt, tổ chức bao vây, đánh lấn dũi để giành và giữ các vị trí cao điểm. Bình quân mỗi đợt đóng quân của các đơn vị kéo dài 6-9 tháng. (Trước đó, cuộc chiến phòng ngự ở Thành cổ Quảng Trị chỉ 82 ngày đêm, chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum 179 ngày).
Cho đến nay chưa có tài liệu chính thức công bố tổng số thương vong của hai phía trong cuộc chiến kéo dài 10 năm này. Theo thống kê của Ban liên lạc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, từ năm 1984 đến 1989 hơn 4.000 bộ đội Việt Nam hy sinh, hàng nghìn người bị thương, hơn 2.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt.
Năm 1988, tình hình biên giới dần lắng dịu khi hai bên chủ động rút dần quân. Ngày 26/9/1989, đơn vị cuối cùng của quân tình nguyện Việt Nam rời khỏi Campuchia. Các “ngòi nổ” căng thẳng được tháo ra ở cả phía Bắc lẫn phía Nam.
Năm 1991, Việt – Trung tuyên bố bình thường hóa quan hệ.

Related Posts