Chính sách của Trump và đối sách Việt Nam

BVD- Kể từ khi TT mới của Mỹ nhận chức và những chính sách kinh tế của ông đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các nước trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. 

Vậy nó đã, đang và sẽ ảnh hưởng lớn đến mức nào ? Chúng tôi xin dẫn bài trả lời PV của chuyên gia kinh tế ông Phạm Nam Kim, nguyên cựu giám đốc Ngân hàng bang Vaud, Thụy Sĩ, về vấn đề này. 

Chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đi vào hoạt động đã đưa nước Mỹ trở lại với chủ nghĩa biệt lập. Nhiều người đặt câu hỏi chủ nghĩa biệt lập này của nước Mỹ, đi ngược với xu thế toàn cầu hóa, sẽ có tác động ra sao đối với thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng và Việt Nam sẽ phải đối phó như thế nào để bảo vệ lợi ích, đảm bảo sự phát triển kinh tế của mình.
Để rộng đường dư luận, VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia tài chính-kinh tế Phạm Nam Kim, nguyên cựu giám đốc Ngân hàng bang Vaud, Thụy Sĩ, về vấn đề này.

– Ông đánh giá như thế nào về chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt là xu hướng biệt lập và chủ nghĩa bảo hộ trong lĩnh vực kinh tế của chính quyền Mỹ hiện nay?

Chuyên gia Phạm Nam Kim: Chính sách của tân Tổng thống Mỹ D. Trump làm rất nhiều người ngạc nhiên vì đi ngược với trào lưu tư tưởng hiện đại. Tuy nhiên nếu xét trên bề dày lịch sử của Mỹ thì ta sẽ không thấy gì là mới mẻ.

Ngay từ ngày đầu lập quốc, Mỹ đã không muốn tham dự vào các tranh chấp thuộc địa trên thế giới và tới đầu thế kỷ 19, thuyết biệt lập Monroe ra đời tách biệt hoàn toàn Mỹ với thế giới. Thuyết này trở lại rất mạnh vào đầu thế kỷ 20, giai đoạn sau khủng hoảng 1929 tới trước khi Mỹ tham gia Thế chiến thứ II.

Thuyết biệt lập luôn luôn đi đôi với thuyết bảo hộ kinh tế và Mỹ cũng đã xây dựng những hàng rào thuế quan kiên cố để bảo vệ doanh nghiệp của mình. Ông Trump khi tranh cử chỉ khơi lại tư tưởng biệt lập và bảo hộ có sẵn trong lòng người dân Mỹ. Xét cho cùng, là một doanh nhân ông Trump đã nắm bắt được tình trạng khá nguy nan của nền kinh tế Mỹ.

Thật vậy, mặc dù với vẻ bề ngoài hào nhoáng, Mỹ đã mất đi nền tảng căn bản của một nước công nghiệp. Các hãng, xưởng sản xuất công nghiệp không còn trên đất Mỹ và quan trọng hơn nữa, công ăn việc làm trên đất Mỹ cũng không còn.

Mỹ vẫn đang dẫn đầu trong cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nền kinh tế với tầm quốc gia và toàn cầu đã thoát ra khỏi ranh giới nước Mỹ. Ngay cả nền kinh tế địa phương hiện cũng tùy thuộc người lao động đến từ nơi khác. Sự suy thoái này không chỉ có ở Mỹ mà là tình trạng chung của những nước phát triển.

Ông Trump đã nói lên sự thật này và vực dậy tinh thần quốc gia với xu hướng dân túy. Kết quả là Trump trở thành Tổng thống Mỹ và khi nắm quyền, ông sẽ thực hiện những gì đã hứa.

Những chính sách ông Trump đưa ra cũng không nằm ngoài những điểm truyền thống của thuyết biệt lập và bảo hộ: thứ nhất lập hàng rào thuế quan bảo vệ thị trường nội đia, thứ hai khuyến khích doanh nghiệp trở về hoạt động trên đất Mỹ, thứ ba hạn chế tối đa tình trạng nhập cư.

Ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của chính sách này đối với thế giới và Việt Nam?

Chuyên gia Phạm Nam Kim: Trước tiên ta cần bàn về chính sách thiết lập hàng rào thuế quan.

Điểm thứ nhất, chính sách này là để bảo vệ thị trường nội địa, sẽ đánh thuế cao hàng nhập khẩu, đặc biệt với những quốc gia có thâm hụt cán cân thương mại đối với Mỹ, gồm có Việt Nam.

Hàng rào thuế quan là để bảo vệ thị trường nội địa, sẽ đánh thuế cao hàng nhập khẩu, đặc biệt với những quốc gia có thâm hụt cán cân thương mại đối với Mỹ, gồm có Việt Nam

Điểm thứ hai là chính sách này gây áp lực cho những doanh nghiệp Mỹ, sản xuất và lắp ráp ở nước ngoài rồi tái nhập khẩu về thị trường Mỹ, khiến họ muốn chuyển cơ sở sản xuất về nước.

Điểm thứ ba và có lẽ cũng là hậu quả của những điểm trước, Mỹ rút khỏi những thỏa ước thương mại tự do (FTA) bất lợi cho Mỹ, trong đó có TTP và sẽ thay thế bằng những thỏa thuận song phương. Tuy nhiên những thỏa thuận tay đôi này sẽ bị chi phối bởi dự luật bức tường thuế quan 20%.

Chủ nghĩa bảo hộ của chính quyền Mỹ là một mối đe dọa lớn cho tự do thương mại, cho sự toàn cầu hóa của nền kinh tế và mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đe dọa này sẽ còn lớn hơn khi xu hướng dân túy, chủ nghĩa bảo hộ lan sang những nước khác và khi một số quốc gia đi quá mức trong chiến dịch trả đũa.

So sánh mức tăng trưởng hàng năm giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

Nếu chính sách bảo hộ của Mỹ thực sự được áp dụng thì phản ứng hay nhất là thế giới phải tập “sống không nước Mỹ”, trong một thời gian ngắn. Việc bị cô lập là áp lực rất lớn để Mỹ từ bỏ thuyết bảo hộ, như họ đã bao lần từ bỏ trong quá khứ.

Nhưng chưa cần tới áp lực đó xuất hiện, chính sách bảo hộ của chính quyền Trump đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Trước tiên, với hàng rào thuế quan, giá hàng hóa sẽ tăng rất nhanh và lạm phát sẽ sớm vượt qua mức hai con số. Lãi suất sẽ tăng theo, đẩy mạnh thêm lạm phát và những dự án tốn kém, như từ bỏ chính sách chăm sóc y tế Obama-care, xây bức tường ngăn chặn làn sóng di cư từ Mexico sẽ còn gây hao tiền tốn của nhiều hơn trong khi ngay từ lúc này, chính quyền Trump vẫn chưa tìm ra cách tăng nguồn thu ngân sách vì những lời hứa hạ thuế cho doanh nghiệp của ông Trump. Nói tóm lại kinh tế vĩ mô của Mỹ sẽ cực kỳ bất ổn, nếu không nói là hỗn độn và đồng USD có thể sẽ mất giá, vô hiệu hóa luôn tác động tới từ sự tăng thuế nhập khẩu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Theresa May, những nhà lãnh đạo ủng hộ chính sách biệt lập (Nguồn: AFP/TTXVN)

Việt Nam sẽ phải đối phó như thế nào với chính sách hiện nay của chính quyền Trump thưa ông?

Chuyên gia Phạm Nam Kim: Phản ứng của Việt Nam khi Mỹ rút khỏi TPP đã được bàn luận nhiều, tôi chỉ xin nhắc lại là ta phải giữ vững chính sách hội nhập kinh tế, phát triển hiệp ước thương mại tự do với khối EU trên một chiến lược hội nhập cụ thể và đặc biệt tránh sự lệ thuộc hoàn toàn vào kinh tế Trung Quốc.

Đối với Mỹ, Việt Nam sẽ thảo luận song phương về tự do mậu dịch, trong đó có lẽ ta nên chia ra làm hai phần. Phần thứ nhất liên quan xuất khẩu sản phẩm thuần Việt, phần thứ nhì liên quan đến đầu tư FDI và sản phẩm tái xuất khẩu ,sẽ được bàn luận trong phần sau. Nói tóm lại ta sẽ cố gắng giữ lại tinh thần những điều khoản đã được cam kết trong TPP.

Chính sách thứ hai của chính quyền Trump là kêu gọi, áp buộc bằng những sắc thuế doanh nghiệp chuyển dịch sản xuất về Mỹ, tạo công ăn việc làm cho người Mỹ. Chính sách này hoàn toàn có tính chất mị dân và không nhìn thấy thực tế của doanh nghiệp đa quốc gia trong một thị trường toàn cầu hóa.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ năm 2015. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Thực vậy, luật chơi căn bản của doanh nghiệp có thị trường toàn cầu là sản xuất ở nơi nào giá thành rẻ nhất và thuận tiện nhất để phục vụ những thị trường mục tiêu. Do vậy, họ đã chuyển dịch sản xuất qua những nước mới nổi, rồi xuất khẩu trở lại những nước khác.

Chính sách của ông Trump sẽ đặt cho họ vấn đề tiếp cận thị trường Mỹ, nhưng để hiểu thêm, ta nên phân tích tình huống cụ thể của công ty Apple với sản phẩm Iphone. Theo chuyên gia của công ty này, nếu sản xuất ở Mỹ, giá thành sẽ tăng thêm + 510 USD (tăng 90%).

Với giá đó IPhone sẽ không thể cạnh tranh trên thị trường thế giới và ngay trên thị trường nội địa nếu các đối thủ chỉ chịu thêm 20% thuế quan. Đó là chưa kể tới kênh ‘hàng xách tay’ rất khó kiểm soát.

Vì những lý do trên, Apple đang chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ chứ ko về Mỹ. Họ làm thế bởi sự suy thoái trong điều kiện sản xuất và cạnh tranh ở Trung Quốc, chứ không vì chính sách của ông Trump.

Tình huống trên đây cho ta thấy chính sách của ông Trump rất khó đi đến mục tiêu lôi kéo các doanh nghiệp trở về sản xuất trên đất Mỹ. Có lẽ nó chỉ gây khó khăn nhất thời cho những công ty như Toyota hay General Motors hiện có cơ xưởng sản xuất xe hơi bên Mexico và chuyên phục vụ thị trường Mỹ.

Chứng khoán Mỹ khởi sắc dưới thời ông Trump (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tất nhiên khi Cách mạng công nghiệp 4.0, với hệ thống cơ xưởng được tự động hóa, ‘robot hóa’ thì doanh nghiệp không cần áp lực của ông Trump sẽ rút về, sản xuất ở thị trường nội địa (vì chi phí đã rẻ đi nhiều) và chính quyền Trump lúc đó sẽ vỗ ngực khoe chính sách của mình đã mang đến những kết quả cụ thể.

Nhưng liệu chính sách chuyển dịch doanh nghiệp của ông Trump có ảnh hưởng tới những doanh nghiệp FDI hiện có ở Việt Nam hay không? Như đã phân tích ở trên, áp lực sẽ có trên điều kiện sản xuất tại Việt Nam có chất lượng và năng suất lao động vô hiệu hóa được chính sách thuế quan của chính quyền Trump.

Cũng phải nhấn mạnh, trong khi chờ đợi sự phát triển và bành trướng của Cách mạng công nghiệp 4.0, nói ở trên, Việt Nam có một cơ hội hiếm có để thu hút đầu tư FDI nếu thể hiện được những điều kiện sản xuất tốt, cạnh tranh đối với các quốc gia mới nổi, trong bối cảnh các doanh nghiệp hiện đang theo nhau rời bỏ sản xuất tại Trung Quốc. Một khi cơ sở sản xuất đươc thiết lập ở Việt Nam và những điều kiện sản xuất còn rất tốt thì họ sẽ duy trì những cơ sở này ở Việt Nam với thiết bị theo công nghệ 4.0.

Việt Nam có một cơ hội hiếm có để thu hút đầu tư FDI nếu thể hiện được những điều kiện sản xuất tốt, cạnh tranh đối với các quốc gia mới nổi, trong bối cảnh các doanh nghiệp hiện đang theo nhau rời bỏ sản xuất tại Trung Quốc.

Chính sách thứ 3 của ông Trump liên quan đến việc hạn chế di dân vào lãnh thổ Mỹ. Về phương diện kinh tế, chính sách này chỉ ảnh hưởng đến Mỹ trên phương diện du nhập chất xám và lao động chân tay.
Một mặt không cấp thẻ xanh cho một số chuyên gia nước ngoài làm việc tại Mỹ sẽ làm yếu đi năng lực phát triển kinh tế. Mặt khác hạn chế số lao động chân tay, nước ngoài, chịu lương thấp sẽ gây khó khăn rất nhiều cho bộ máy sản xuất và dịch vụ – những công việc này bị người lao động gốc Mỹ chê và chỉ nhận việc nếu thu nhập được nâng lên rất cao.

Kết luận, chính sách bảo hộ của chính quyền Trump là một bước tiến giật lùi cho công cuộc toàn cầu hóa kinh tế, hậu quả sẽ nghiêm trọng nếu nhiều quốc gia khác làm theo hoặc trả đũa một cách tổng thể.

Việt Nam phải chuẩn bị kỹ, phải có một chiến lược thích hợp và chiến lược này phải đươc phân bổ tạo ra một chương trình hành động bài bản có những mục tiêu và mốc thời gian thực hiện, cũng như sự phân bổ nguồn lực cụ thể.

Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố tập đoàn SoftBank của Nhật Bản sẽ đầu tư 50 tỷ USD vào các doanh nghiệp và tạo việc làm tại Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hà Huy, biên tập ( nguồn Vietnam+)

Related Posts