Mỹ đề xuất nối lại đường dây nóng quân sự với Nga

BVD – Mỹ đang tìm cách giảm nhiệt căng thẳng với Nga một ngày sau khi Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố ngừng hợp tác với Oa-sinh-tơn trong khuôn khổ bản ghi nhớ tránh đụng độ trên không phận Xy-ri. Đây là đợt căng thẳng mới nhất giữa hai cường quốc kể từ khi máy bay Mỹ bắn hạ một máy bay chiến đấu Xy-ri ngày 18-6 vừa qua…

Đường dây nóng quân sự Nga-Mỹ được thiết lập sau khi Mát-xcơ-va can dự quân sự tại Xy-ri hồi năm 2015 nhằm bảo đảm các máy bay của hai cường quốc đang tham chiến ở quốc gia Trung Đông này không đụng độ. Hai bên đã thiết lập được mối liên lạc hoạt động 24/24, xác định cơ chế phối hợp hành động, bao gồm cả việc hỗ trợ lẫn nhau khi xuất hiện tình huống khủng hoảng.

Tuy nhiên, ngày 18-6, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đình chỉ đường dây nóng quân sự với Mỹ. Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ, từ ngày 19-6, bộ này sẽ đình chỉ kênh liên lạc với Mỹ trong khuôn khổ bản ghi nhớ về ngăn ngừa đụng độ và an toàn bay khi thực hiện các chiến dịch không kích tại Xy-ri, đồng thời yêu cầu Bộ tư lệnh Mỹ tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng và thông báo kết quả cũng như các biện pháp đã tiến hành.

Thông báo này được đưa ra sau khi một máy bay của Mỹ ngày 18-6 bắn hạ một máy bay chiến đấu của quân đội Xy-ri tại tỉnh Ra-ca. Mỹ cho rằng, máy bay của quân đội Xy-ri đã ném bom gần vị trí của các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn, còn Đa-mát cho rằng, máy bay bị bắn hạ trong khi đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Theo Roi-tơ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, máy bay Mỹ bắn rơi một máy bay cánh cứng của Xy-ri. Đây cũng là lần đầu tiên trong gần 20 năm Mỹ đã bắn hạ một chiến đấu cơ trong tác chiến không đối không.

Khói bốc lên mù mịt sau cuộc giao tranh ở tỉnh Ra-ca của Xy-ri ngày 18-6.  

Bộ Quốc phòng Nga đã phản ứng mạnh mẽ trước vụ bắn rơi máy bay Xy-ri của Mỹ, coi hành động trên của Oa-sinh-tơn là vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm “trắng trợn” chủ quyền quốc gia Trung Đông, là hành động “xâm lược quân sự” chống Xy-ri, quốc gia thành viên của Liên hợp quốc (LHQ). Bộ Ngoại giao Nga cũng cáo buộc Oa-sinh-tơn đã không sử dụng kênh liên lạc với Mát-xcơ-va trước khi bắn hạ máy bay của Xy-ri. Ngoài ra, Nga cũng cảnh báo rằng, hệ thống phòng không của nước này sẽ bắt đầu theo dõi các máy bay của liên quân do Mỹ cầm đầu hoạt động ở miền Trung Xy-ri. Theo đó, mọi máy bay hay thiết bị bay không người lái của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu, nếu bị Lực lượng Không quân Nga phát hiện tại các khu vực ở phía Tây sông Euphrates đều bị coi là mục tiêu. Động thái này buộc Bộ Quốc phòng Mỹ phải di chuyển một số máy bay để bảo đảm an toàn.

Trước phản ứng mạnh mẽ trên từ phía Mát-xcơ-va, phát biểu tại cuộc họp báo nhanh, người phát ngôn Nhà Trắng Xin Xpai-xơ (Sean Spicer) cho biết, các lực lượng liên quân đang chiến đấu với tổ chức IS tự xưng ở Xy-ri sẽ duy trì quyền tự vệ, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ duy trì hoạt động của đường dây nóng với Nga. “Điều tối quan trọng là chúng ta giữ đường dây liên lạc thông suốt để giảm các vấn đề tiềm ẩn nguy cơ va chạm”, ông Xin Xpai-xơ nhấn mạnh.

Trong một động thái nhằm giảm nhiệt căng thẳng, ngày 19-6, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đại tướng Giô-xép Đăn-pho (Josept Dunford) cho biết, Oa-sinh-tơn đang tìm cách nối lại đường dây nóng quân sự với Nga, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các lực lượng của cả hai bên đang hoạt động tại Xy-ri. Theo ông, Mỹ sẽ triển khai các biện pháp thông qua kênh ngoại giao và quân sự để nối lại đường dây nóng sớm nhất có thể.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 19-6, Liên hợp quốc đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về nguy cơ leo thang căng thẳng tại Xy-ri sau khi các lực lượng của Mỹ bắn hạ một máy bay của nước này. Theo người phát ngôn LHQ Xtê-phan Đu-gia-rích (Stephane Dujarric), cơ quan này chưa thể khẳng định một cách độc lập rằng, Mỹ bắn hạ máy bay của Xy-ri hôm 18-6 là gần sào huyệt thành trì của IS tại tỉnh Ra-ca ở miền Đông Xy-ri cũng như tuyên bố của I-ran rằng, 6 lên lửa của Tê-hê-ran rơi trúng căn cứ chỉ huy của IS ở tỉnh Đây I-do. LHQ cho rằng, các sự việc này đã gây mối quan ngại sâu sắc về nguy cơ leo thang căng thẳng, dẫn đến tính toán sai lầm trong cuộc xung đột tại Xy-ri./.

 

(Theo QDND)

Related Posts