Vì sao Đức phản đối Mỹ cấm vận Nga?

BVD – Sau khi Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật mở rộng các lệnh cấm vận chống Nga, Thủ tướng Áo Christian Kern và Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã lên tiếng chỉ trích động thái này. Điều đáng nói, Đức chính là đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Âu

Ngoài việc đưa ra các phản đối với động thái của Thượng viện Mỹ ở cấp Ngoại trưởng, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Đức Wintershall là Mario Meren còn thẳng thừng tuyên bố trên tạp chí Der Spiegel của Đức rằng tập đoàn này sẽ vẫn triển khai xây dựng tuyến đường ống “Dòng chảy phương Bắc-2”, bất chấp việc Tổng thống Donald Trump có phê chuẩn dự luật trên hay không. Ông Mario Meren cho rằng nếu “Dòng chảy phương Bắc-2” được triển khai thì Ukraine sẽ là bên chịu thiệt hại chính do mất đi nguồn thu từ trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu.

Dự án khí đốt dòng chảy phương bắc 2

“Nhiệm vụ của chúng tôi không phải là lấp đầy ngân sách của Ukraine”- ông Mario Meren nhấn mạnh, đồng thời khẳng định rằng hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine đang trong trạng thái không đảm bảo chất lượng. Dù các quốc gia châu Âu trong hàng thập kỷ qua đã trả hàng tỷ USD cho việc trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu nhưng Ukraine “đã sử dụng khoản tiền này theo ý mình mà không để bảo dưỡng đường ống”.
Từ thực trạng trên, ông Mario Meren cho rằng Wintershall sẽ tiếp tục triển khai dự án “Dòng chảy phương Bắc-2”, bất chấp phản đối của Mỹ. “Hiện chỉ có duy nhất một nhà cung cấp có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của châu Âu, đó là Nga”- Mario Meren khẳng định.

Nhận xét về động thái của Đức, chuyên gia phân tích chính trị Nga Vladimir Rozankovsky cho rằng châu Âu nói chung, đang bắt đầu có quan điểm rõ ràng về các vấn đề liên quan đến kinh tế.

“Có một khuynh hướng đang trở nên rõ ràng là châu Âu đang từng bước “tách ra khỏi sự thống nhất hoàn toàn” trong tất cả các vấn đề của Washington. Châu Âu hiện đang đứng trước sự lựa chọn: hoặc quan tâm đến các lợi ích kinh tế của bản thân mình, hoặc “chơi bàn cờ lạ” theo điều khiển của người khác”- Vladimir Rozankovsky nhận định.

Cũng theo chuyên gia Nga, các tuyên bố của quan chức Đức cho thấy nước này đang thực sự cần đến nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt một cách ổn định. Đây cũng chính là lý do khiến Đức lên tiếng phản đối dự thảo luật mở rộng cấm vận chống Nga của Mỹ.

Được biết, dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” là dự án xây dựng 2 nhánh của đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltich đến Đức. Công suất chung của dự án này là 55 tỷ mét khối khí đốt/năm. Để xây dựng và khai thác đường ống này, công ty Nord Stream 2 AG đã được thành lập. Công ty này trong tháng 4/2017 đã ký kết với các tập đoàn Shell, OMV, Engie, Uniper và Wintershall về cung cấp chính cho dự án. Trong tháng 6/2017, các đối tác này đã chuyển cho Nord Stream 2 AG hơn 1 tỷ USD để bắt tay thực hiện.

Related Posts