70 năm Ngày TBLS được long trọng tổ chức ở Berlin-Đức

BVD- Buổi chiều Chủ nhật ngày 23.07.2017, cộng đồng người Việt Nam ở CHLB Đức đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày TBLS và Đại lễ cầu siêu cho các anh linh đã hy sinh vì độc lập tự do và bảo vệ Tổ quốc .

Hình ảnh Lễ chào cờ và hát Quốc ca trong ngày Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày TBLS ( ảnh Huy Thắng )

Đến dự có Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức ông Đoàn Xuân Hưng và Phu nhân, ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch kiêm Tổng GĐ TTTM Đồng Xuân, bà Trịnh Thị Mùi, chủ TTTM Thái Bình Dương ở Marzahn, đại diện các hội đoàn, doanh nghiệp và đông đảo bà con là thương bệnh binh, cựu quân nhân, thân nhân gia đình liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ biên cương của tổ quốc

Cùng đến dự và chủ trì Đại lễ cầu siêu có Thượng tọa Thích Từ Nhơn, Đại đức Thích Đồng Trình, Đại đức Thích Tâm Đức và đông đảo bà con phật tử các chùa Từ  Ân, Phổ Đà, Vạn Phước…

Mở đầu chương trình là bài hát ” Đoàn vệ quốc quân ” . Bài hát được tốp ca nan nữ là các cựu quân nhân và kiều bào dàn dựng công phu thể hiện hoành tráng. Bài hát đã khơi dậy hình ảnh một thời  với lòng quyết tâm của  cả dân tộc cùng lớp lớp các chiến sĩ hăng hái lên đường ra trận và sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ Tổ quốc .

Hình ảnh ” Đoàn vệ quốc quân ” do các cựu quân nhân thực hiện ( ảnh Huy Thắng )

Sau lời giới thiệu của CCB ông Lê Xuân Đính, TM Hội CCB Berlin-Brandenburg ông Nguyễn Quốc Hùng đã đọc lời Khai mạc. Lời khai mạc đã nêu lên quá trình lịch sử của 70 năm Ngày TBLS ( 27.07.1947 – 27.07.2017 ) và sự hy sinh to lớn của hàng triệu người đã ngã xuống và hàng vạn thương bệnh binh đã hy sinh một phần xương máu của mình để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước  và bảo vệ toàn vện lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, TM Hội cựu chiến binh Berlin-Brandenburg đọc lời khai mạc ( ảnh Huy Thắng )

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng đã thay mặt CBNV Đại sứ quán đã phát biểu. Ông Đoàn Xuân Hưng đã gửi những lời thăm hỏi ân cần và thân thiết nhất đến các TBBB, cựu quân nhân và bà con là thân nhân của các liệt sĩ. Ông nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh ” Thương binh, liệt sĩ, gia đình quân nhân là những người có công với đất nước, bổn phận của chúng ta là phải thương yêu, chăm sóc và giúp đỡ họ ” . Đại sứ cho rằng, việc Hội CCB Berlin-Brandenburg cùng các hội đoàn chung tay tổ chức ngày 27.07 không chỉ thể hiện sự tri ân mà còn nhắc nhở cho các thế hệ trẻ có lòng biết ơn sâu sắc với lớp người đã hy sinh vì Tổ quốc. Đồng thời Ông kêu gọi mọi người hãy chung tay góp sức ( tùy theo hoàn cảnh và điều kiện) cùng nhau chăn sóc tốt hơn nữa những thương bệnh binh thân nhân gia đình liệt sĩ mà trước hết ở ngay trên nước Đức và sau đó là gửi về quê hương để chăm sóc các TBB gia đình có công còn ngặp nhiều khó khăn. Lời kêu gọi của Đại sứ được cả hội trường vỗ tay hưởng ứng nhiệt liệt.

Thương binh hạng 2/4, ông Nguyễn Huy Thắng đã thay mặt các thương bệnh binh có mặt trong buổi lễ phát biểu. Ông Thắng kể lại thời khắc khi bị thương được má Nguyễn Thị Thùy ở thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh cưu mang và nuôi dấu ngay trong lòng địch. Câu chuyện do ông Thắng kể đã gây xúc động rất nhiều người về lòng dũng cảm của má Thùy bất chấp nguy hiểm sẵn sàng hy sinh bản thân và cả gia đình để nuôi dấu chiến sĩ giải phóng. Ông Thắng cho rằng, dù là thương binh nhưng ông còn may mắn hơn rất nhiều người vì thế ông đã có hơn 30 lần trở về chiến trường xưa để tìm mộ liệt sĩ và tri ân với những người đã cưu mang mình.

Thay mặt những người là thân nhân gia đình liệt sĩ, ông Trương Văn Định, ( hiện là  Phó giám đốc Cty Thăng Long) đã kể lại tình cảnh của một đứa con vừa mới sinh ra đã mất mẹ do lính Đại hàn đánh thuê cho Mỹ giết hại ở Quảng Nam và khi được 3 tuổi thì Ba lại hy sinh trong một trận càn của Mỹ. Ông Trương Văn Định lớn lên trong vòng tay tình thương của đồng bào đồng chí đồng đội, không biết mặt mẹ và cũng không nhớ mặt cha. Ông lấy ngày 27.07 là ngày sinh của mình và cũng là ngày giỗ ba má. Với ông Trương Văn Định, chiến tranh là tàn ác, hết sức tàn ác. Ông kêu gọi mọi người hãy làm tất cả để thế giới hòa bình không có chiến tranh.

Sau lễ kỷ niệm là Đại lễ cầu siêu. Đại lễ cầu siêu do Thượng tọa Thích Từ Nhơn, Đại đức Thích Đồng Trình, Đại đức Thích Tâm Đức đồng chủ trì. Đại lễ cầu siêu cho các anh linh anh hùng liệt sĩ đã hy sinh được thực hiện theo đúng nghi thức của Phật giáo. Các vị khách quý và bà con đã đồng tâm thành kính dâng hương cầu cho các anh linh được siêu thoát.

Buổi Lễ kỷ niệm 70 năm ngày TBLS được nối tiếp bằng chương trình văn nghệ đặc sắc với nhiều bài hát và hoạt cảnh với chủ đề ngày TBLS. Ấn tượng nhất là hoạt cảnh ” Em ở nơi đâu ? ” về 10 cô gái đã hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc, bài hát ” Bài ca không quên ”  bài hát vết chân tròn trân cát, biết ơn Võ Thị Sáu, và tốp ca nam nữ Hoàng Sa – Trường Sa ơi …

Theo quan sát của chúng tôi, Lễ  kỷ niệm Lễ kỷ niệm 70 năm ngày TBLS và Đại lễ cầu siêu cho các anh linh đã hy sinh vì độc lập tự do và bảo vệ Tổ quốc được tổ chức tại nhà bạt trong TTTM Đồng Xuân năm nay là buổi lễ long trọng nhất từ trước đến nay của người Việt nam ở CHLB. Buổi lễ đã để lại những ấn tượng rất tốt đẹp !

Bài và ảnh của Huy Thắng và Thu Hà 

Related Posts