”Nếu Việt Nam cần, Nga sẵn sàng bán S-400”

BVD – Theo ông Victor Kladov – Giám đốc phụ trách quan hệ quốc tế của Tập đoàn Rostec (Nga), nếu Việt Nam cần, Nga sẵn sàng bán hệ thống phòng không S-400.
Ông Victor Kladov tuyên bố, nếu khách hàng mua các biến thể phòng không S-300, Nga sẵn sàng chào mời, nhưng với S-400 không phải ai Nga cũng sẵn lòng bán, Việt Nam là một trong những đối tác tin cậy và nếu Việt Nam cần Nga sẽ cung cấp.

Được biết, trước khi giám đốc Victor Kladov đưa ra tuyên bố này, phát biểu với phóng viên của Russia Today hồi tháng 1/2016, ông Igor Novoselov, Trợ lý Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Viện Duma Liên bang Nga cho biết Việt Nam sẽ sớm nhận được tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại S-400 với số lượng lên tới 4 tiểu đoàn.
Đại tá về hưu Igor Novoselov cho biết: “Quân đội Việt Nam hiện đang trang bị các hệ thống tên lửa phòng không S-300. Trong tương lai không xa, thay thế chúng sẽ là S-400, những tổ hợp tên lửa hiện đại nhất. S-400 bắn hạ mục tiêu ở các độ cao lớn và nhỏ, bao trùm phạm vi rộng”.

Dù Việt Nam chưa đưa ra bất cứ phát ngôn nào về thông tin này nhưng trong tình huống Việt Nam sở hữu những hệ thống S-400 với 4 tiểu đoàn, hệ thống này sẽ tạo thành chiếc ô phòng không hoàn hảo.

Bởi với tầm quan sát mục tiêu lên đến 600 km, S-400 có thể bao trùm lên các cụm sân bay nằm dọc chiều dài đất nước Việt Nam, dễ dàng phát hiện các cụm không quân tác chiến đường không xuất kích và theo dõi hướng bay.

Ngoài ra, S-400 còn có thể phát hiện và theo dõi mọi phương tiện bay khác nhau bao gồm tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Bất cứ động tĩnh nào trên không trong khu vực này cũng sẽ lọt vào tầm theo dõi của hệ thống radar S-400 và có thể là các hệ thống cảnh báo sớm tầm xa khác của Việt Nam…

Tầm xa chiến đấu của S-400 có khoảng cách lên đến trên 250 km, do đó hai căn cứ không quân của Việt Nam đều nằm trong ô phòng không của hệ thống tên lửa này. Các máy bay tiêm kích đa nhiệm chủ lực Su-30MK2 hoàn toàn có thể phối kết hợp với lực lượng phòng không thực hiện nhiệm vụ xuất kích chiếm ưu thế trên không.

Cùng với các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung và tầm gần khác, trong đó có các tổ hợp SPYDER, Strela-10M, ZSU-23-4M và các tổ hợp pháo, tên lửa phòng không tầm thấp hiện có khác tạo ra một hệ thống phòng không nhiều tầng nhiều lớp.

Hệ thống phòng không với S-400 làm nòng cốt có thể vươn rộng khoảng cách tấn công, đánh chặn các phương tiện bay, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình trên nhiều tuyến khác nhau ngay từ khi các nguy cơ này bắt đầu xâm nhập vào không phận hoặc tuyến phân chia ranh giới Vịnh Bắc Bộ.

Từ những suy luận trên, với S-400 Việt Nam có thể hình thành hệ thống Chống tiếp cận/Chống xâm nhập với tầm xa lên đến 250 km, bao trùm hầu hết biên giới phía bắc và khu vực Vịnh Bắc Bộ, đồng thời đảm bảo phòng không cho căn cứ hải quân chiến lược.

Với S-400, kẻ địch sẽ mất ưu thế số lượng trên Biển Đông, bởi lẽ hệ thống tên lửa đáng sợ này có thể bao phủ tầm giám sát rất rộng, toàn bộ khu vực này sẽ nằm trong tầm không kích của không quân Việt Nam, kể cả máy bay cường kích Su-22UM-3K – dù chúng không phải là máy bay thế hệ mới./.

 

(Datviet)

Related Posts