Những bằng chứng về vụ ” bắt cóc ” Trịnh Xuân Thanh có gì thuyết phục ?

BVD – Ngày 02.08.2017 Bộ Ngoại giao Đức ra Thông cáo báo chí cho rằng Việt Nam đã tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đưa về nước, ngày sau đó nhiều báo chí Đức đồng loạt đưa tin, trong đó có kênh truyền hình chính thống của Đức ZDF đã dành hẳn hơn 3 phút đưa tin tường thuật về sự việc trên.

Ngài Martin Schaefer, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Đức trong buổi họp báo Thông cáo báo chí ngày 02.08.17 ( ảnh chụp trên kênh ZDF )

 

Quang cảnh buổi họp báo Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Đức  về vụ ” bắt cóc ” Trịnh Xuân Thanh . ( ảnh chụp trên kênh ZDF )

Ngày 3/8, trong buổi họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng đã có phát ngôn chính thức về vấn đề này. Về các thắc mắc xung quanh tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức ngày 2/8, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, bà rất tiếc về phát ngôn này. Người Phát ngôn khẳng định: “Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức”.

Có thể nói mối quan hệ ngoại giao Việt Nam và CHLB Đức đã phát triển rất tốt đẹp trong 42 năm qua, kể từ năm 1975, sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng 11-2016, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm chính thức CHLB Đức. Từ ngày 05 – 08 . 07.2017 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã sang thăm chính thức Đức và  tham dự Hội nghị G20 theo lời mời của Thủ tướng Đức bà Angela Merkel. Trong quá trình thăm Đức và bên lề Hội nghị G20 TT Nguyễn Xuân Phúc đã dự diễn đàn kinh tế Việt – Đức với hơn 500 nhà doanh nghiệp của hai nước tham gia. Diễn đàn đã có thỏa huận và ký kết với tổng số vốn hơn 10 tỷ Euro.  Và ngày 13.07 vừa qua Thủ tướng Đức lại tiếp Đại sứ Đoàn Xuân Hưng rất niềm nở.

Thủ tướng Đức bà Angela Merkel tiếp Đại sứ Đoàn Xuân Hưng ngày 13.07.2017 ( ảnh chụp lại trên kênh ZDF )

Đặc biệt Cộng đồng người Việt Nam ở  Đức với hơn 176.000 người đã và đang hội nhập rất tốt, đồng thời rất tích cực chăm chỉ làm ăn, chấp hành tốt luật pháp, góp phần đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của nước Đức. Cách đây hai năm, ngày 28.06.2015, Cộng đồng người Việt đã tổ chức Lễ hội 40 năm người Việt Nam hội nhập và phát triển ở Đức đã được đón tiêp 4 vị Nghị sĩ Quốc Hội Đức và Nghị sĩ EU đến dự và phát biểu trước hơn 10.000 người Việt Nam. Việt Nam cử ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị,  Chủ Tịch UBTUMTTQVN sang dự và phát biểu bằng tiếng Đức trước các vị quan khách và nhân dân Đức đã được hàng vạn người vỗ tay vang dội.

Có thể nói quan hệ ngoại giao giữa hai nước đang trên đà phát triển rất tốt đẹp, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức thì xảy ra  vụ việc Trịnh Xuân Thanh. Một công dân Việt Nam đang xin cư trú tại Đức.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ  Việt Nam thì ông Trịnh Xuân Thanh là người tham nhũng và làm thất thoát hơn 3.300 tỷ ĐVN. Với tội ấy Chính quyền và nhân dân Việt Nam ai cũng muốn đưa ra xét xử một cách công minh. Nhưng ông Trịnh Xuân Thanh đã chạy sang Đức và xin cứ trú chính trị tại Đức. Việc ông Thanh trốn ra ngoài nước khi ông còn đang giữ chức Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, trước khi có lệnh bắt tạm giam để điều tra. Bộ Công an Việt Nam đã phát lệnh truy nã toàn quốc và quốc tế. Nhiều người Việt ở Đức đồn thổi nói rằng, ông Thanh đã mua biệt thự và chuẩn bị sẵn nơi ở từ cách đây vài năm về trước.

Việc ông Trịnh Xuân Thanh sống nhởn nhơ như ” Ông Hoàng ”  ở Đức như một cái gai cắm vào mắt những người thực thi luật pháp và nhân dân Việt Nam. Vì thế khi có tin Trịnh Xuân Thanh đầu thú tại Bộ Công an Việt Nam thì đa số cộng đồng mạng và bạn đọc đã chia sẻ lan tỏa rất nhanh.

Đến nay, Trịnh Xuân Thanh về bằng con đường nào ? Bị một nhóm người có trang bị vũ khí dùng vũ lực ” bắt cóc” như một số báo đã đưa tin hay tự nguyện là một câu hỏi chưa có lời giải đáp ? Nhưng dù bằng con đường nào chăng nữa thì sự xuất hiện của Trịnh Xuân Thanh ở Hà Nội có lẽ là không còn phải bàn nhiều. Và rồi việc đưa vụ Trịnh Xuân Thanh ra xét xử cũng sẽ bình thường như các vụ đại án khác.

Trịnh Xuân Thanh khi nói lời tự thú ở Việt Nam ( ảnh cắt trên Video )

Vấn đề  ở đây là gây căng thẳng ngoại giao giữa hai nước Việt – Đức vốn đang rất tốt đẹp. Bởi phía BND Đức cho là Việt Nam đã tổ chức ” bắt cóc ” Trịnh Xuân Thanh.  Trong thông cáo báo chí,  Người phát ngôn BNG Đức nói rằng :

Lược dịch như sau:

Thông cáo báo chí

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao phát biểu về mối quan hệ Đức-Việt

02.08.2017

Về những mối quan hệ Đức-Việt, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao đã phát biểu ngày hôm nay (02.08) ở Berlin như sau:

„Sau khi các chứng cớ ngày một dày đặc và không còn sự  hoài nghi hợp lý nào nữa về sự tham gia của mật vụ Việt Nam và Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại Berlin trong vụ bắt cóc một công dân Việt Nam ở Berlin, ngày hôm qua ông Markus Ederer, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao, đã triệu tập Đại sứ nước CHXHCN Việt Nam.

Việc bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức là sự vi phạm trắng trợn chưa có tiền lệ đối với luật pháp Đức và công pháp quốc tế.

Nhờ sự chú ý của các cơ quan điều tra hình sự của Đức, vụ việc được đưa ra ánh sáng. Hiện nay cũng đang có những sự điều tra tại các cơ quan điều tra hình sự ở Berlin.

Một vụ việc như vậy có khả năng ảnh hưởng cực kỳ tiêu cực đến những mối quan hệ giữa nước Đức và nước CHXHCN Việt Nam. Đây cũng là một sự phá vỡ tín nhiệm tột cùng: Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, những đại diện cấp cao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng đã yêu cầu một lần nữa việc dẫn độ công dân Việt Nam này từ Đức về Việt Nam.

Vào ngày hôm qua, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Markus Ederer đã nêu ra điều này hết sức rõ ràng và chuẩn xác với Đại sứ Việt Nam. Một cách minh bạch ông cũng cho người này biết rõ rằng, Chính phủ CHLB Đức đòi hỏi, ông Trịnh Xuân Thanh phải được quay lại Đức tức khắc, để các Đơn xin dẫn độ và Đơn xin tỵ nạn có thể được cứu xét đến khi kết thúc theo trình tự pháp lý.

Hậu quả từ vụ việc hoàn toàn không thể được chấp nhận này là chúng tôi tuyên bố người đại diện các cơ quan tình báo của Việt Nam tại Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại Đức là người này 48 giờ để rời khỏi nước Đức.

Ngoài ra chúng tôi cũng dự trù, trong trường hợp cần thiết sẽ đưa ra những biện pháp trừng phạt khác trên bình diện kinh tế cũng như hợp tác phát triển “.

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh là rất căng thẳng. Có lẽ từ trước đến nay chưa bao giờ lại nghĩ rằng nó căng thẳng như vây.

Về phía Bộ ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, bà rất tiếc về phát ngôn này. Người Phát ngôn khẳng định: “Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Lê Thị Thu Hằng trong buổi họp báo 03.08.2017 tại Hà Nội ( ảnh Infonet )

 

Vậy thực sự có đúng là  ” Sáng Chủ nhật, ngày 23.7.2017 tại Berlin, lúc 10 Giờ 30 trong lúc đang đi dạo ở công viên Tiergarten (vườn thú) ở Berlin, ông Trịnh Xuận Thanh cùng 1 nữ cán bộ Bộ Công thương đã bị nhóm đối tượng người Việt Nam có trang bị vũ khí xông tới, dùng vũ lực khống chế bắt cóc đưa lên một chiếc xe đợi sẵn để chở thẳng sang một nước châu Âu có chung đường biên giới với Đức;  và ” Trịnh Xuân Thanh bị chuyển từ một nước Đông Âu về Việt Nam trên cáng cứu thương, trong chuyến bay chở bệnh nhân ” như báo chí đã đưa tin hay không ?

Theo chúng tôi được biết, cho đến thời điểm hiện tại thì vẫn chưa có hình ảnh bằng chứng nào do phía Đức đưa ra cho thấy ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, không có hình ảnh nào kẻ bắt cóc đang tiến hành phi vụ, không thấy chiếc ô tô nào chờ sẵn đưa Trịnh Xuân Thanh đi qua biên giới và chưa nhìn thấy ông Trịnh Xuân Thanh nằm trên cáng thương đưa lên máy bay chở bệnh nhân như báo chí loan tin.  Chiếc máy bay trên kênh ZDF, theo chúng tôi đó là hình ảnh có tính chất minh họa. Hình ảnh đó có thể dẫn đến bạn đọc lầm tưởng Việt Nam điều cả chuyến chuyên cơ hãng Vietnam Airlines sang châu Âu để chuyển Trịnh Xuân Thanh vê nước .

Và một điều hết sức ngạc nhiên, vụ bắt cóc xảy ra từ 23.07 mà mãi đến ngày 31.07 khi báo chí ở Việt Nam đồng loạt loan tin Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú thì báo chí Đức và Cảnh sát Đức, Bộ Ngoại giao Đức mới vào cuộc ?

Chiếc máy bay chuẩn bị cất cánh, ảnh chụp lại trên kênh ZDF

Như vậy ” cáo buộc” của Bộ Ngoại giao Đức cũng như các thông tin báo chí Đức, báo chí người Việt ở hải ngoại đăng tải là quá muộn. Vụ gọi là ” bắt cóc ” chỉ có lời nói mà không hề có bằng chứng chứng minh một cách thuyết phục.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối là hoàn toàn có cơ sở và chính đáng.

Chúng tôi cho rằng quan hệ ngoại giao Việt Nam và Đức sẽ lại nồng ấm khi mà vấn đề được sáng tỏ. Và để sáng tỏ thì chỉ có Trịnh Xuân Thanh tự nói ra mới biết . Theo như báo chí Việt Nam thì Trịnh Xuân Thanh đã ” ngộ ra ” và tự ra đầu thú ! 

Huy Thắng – BVD 

Related Posts