Thế giới nín thở chờ ông Kim Jong-un

BVD – Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ là người ra lệnh nếu Bình Nhưỡng phát động cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Mỹ.
Cách đây vài ngày, ông Kim Jong-un đe dọa phóng tên lửa vào đảo Guam – tiền đồn quân sự quan trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Theo nhận định của báo The Washington Post, các quan chức phụ trách chương trình tên lửa của Triều Tiên có thể sẽ hoàn thành khâu chuẩn bị vào tuần tới, sau đó chờ lệnh từ nhà lãnh đạo của họ.

Vấn đề là ông Kim Jong-un có quyết định khai hỏa hay không bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ hứng chịu hậu quả tàn khốc nếu tấn công lãnh thổ Mỹ.
Thời của ông Kim Jong-un

The Washington Post cho rằng Triều Tiên bắn hay không bắn tên lửa không phải là vấn đề về kỹ thuật mà thuộc về phạm trù chiến lược.

Người điều hành trang web của Tổ chức Giám sát lãnh đạo Triều Tiên (NKLW) Michael Madden, bình luận: “Đây là thời điểm dành cho Kim Jong-un. Ông ấy có thể xem đó là một cơ hội để chứng tỏ bản thân hoặc để giữ cho cái đầu lạnh”.

Trong quá khứ, Bình Nhưỡng cũng nhiều lần buông lời đe dọa nhưng không (hoặc không thể) hiện thực hóa những lời đe dọa ấy.

Triều Tiên hay đưa ra tuyên bố cứng rắn để đánh dấu những dịp quan trọng. Chẳng hạn vào thời điểm này, Bình Nhưỡng sẽ kỷ niệm ngày giải phóng đất nước khỏi sự cai trị của phát xít Nhật (15-8). Đến ngày 21-8, Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu triển khai các cuộc tập trận quân sự thường niên như một hành động phản đối Triều Tiên.

Các nhà phân tích cho rằng gần như không thể biết được nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ ra quyết định như thế nào bởi thông tin công khai về ông rất ít.

Theo The Washington Post, ông Kim sinh tại Triều Tiên vào năm 1984, là con trai út của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Il (Kim Chính Nhật) và bà Ko Yong-hui – một vũ công Hàn Quốc gốc Nhật Bản.

Năm lên 8 tuổi, ông Kim bắt đầu được nhắm vào ghế quyền lực. Sau đó 4 năm, vào năm 1996, ông được gửi sang thủ đô Bern của Thụy Sĩ để du học, sống cùng chú dì và người anh trai Kim Jong-chol.

Mẹ của ông Kim thường đến thăm con và được tình báo Thụy Sĩ giám sát chặt chẽ, tờ Le Matin Dimanche tiết lộ. Tuy nhiên, chính phủ Thụy Sĩ cấm theo dõi hai anh em ông Kim Jong-un, vì vậy tình báo nước này có rất ít thông tin về cậu bé sau này trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên.

Bạn học cũ của ông Kim Jong-un cho biết ông luôn sở hữu cho mình vài bộ máy chơi game PlayStation cũng như giày Air Jordan mới nhất. Một trong những người bạn học của nhà lãnh đạo Triều Tiên, Joao Micaelo, nói với đài CNN trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2010: “Ông ấy chơi bóng rổ, chơi game về bóng rổ trên chiếc PlayStation. Toàn bộ thế giới của ông ấy là bóng rổ”.

“Hầu như không biết gì”

Năm 2001, ông Kim trở về Triều Tiên, tham dự Trường ĐH Quân sự Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) ở thủ đô Bình Nhưỡng. Tới ngày 8-1-2009 – sinh nhật lần thứ 25 của ông Kim – lãnh tụ Kim Jong-il thông báo ông đã chọn người con trai út làm người kế nhiệm mình.

Sau khi ông Kim Jong-il qua đời vì một cơn đau tim vào cuối năm 2011, ông Kim Jong-un chính thức tiếp quản quyền lực cùng với lực lượng vũ trang và kho vũ khí hạt nhân gây nhiều tranh cãi.

Nhưng ngoài những thông tin thời thơ ấu và trên báo chí Triều Tiên, thế giới hầu như không biết gì về tính cách cũng như phong cách lãnh đạo của ông Kim.

Kể từ khi trở thành người kế nhiệm cha mình, ông Kim không ra nước ngoài hay tổ chức một cuộc gặp với nhà lãnh đạo nước ngoài nào. Ông Kim chỉ gặp một số người Mỹ trong đó có ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman và các thành viên trong nhóm của Rodman sang thăm Triều Tiên.

Trong khi đó, ông nội và cha của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trước đây đều ra nước ngoài và gặp gỡ các chính khách cấp cao. Đó là lý do ngay cả Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng không thể lập hồ sơ chính xác về ông Kim Jong-un bởi thiếu thông tin cá nhân.

Một chuyên gia Hàn Quốc làm công việc tư vấn cho chính quyền Seoul nói rằng ông Kim Jong-un có một đặc điểm là “quá yêu mến bản thân”. “Ông ấy tin rằng cả thế giới đều xoay quanh mình” – vị chuyên gia nhận xét.

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 14-8 ra lệnh cấm nhập khẩu nhiều loại khoáng sản của Triều Tiên như than, quặng sắt, chì. Ngoài ra, hải sản Triều Tiên cũng bị cấm cửa. Lệnh cấm có hiệu lực ngày 15-8.

Lệnh cấm này được đưa ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 6-8 thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên vì 2 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa vào các ngày 3-7 và 28-7.

 

 (Theo The Washington Post)

Related Posts