Bão số 10 giật cấp 15 tiến vào bờ biển Hà Tĩnh – Quảng Bình

BVD – Sáng 15/9, tâm bão số 10 chỉ còn cách Đèo Ngang (Quảng Bình) khoảng 120 km. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150 km/h), giật cấp 15.
– Cấp độ: Bão số 10 hiện có sức gió 115-150 km (cấp 12-13).

– Vị trí hiện tại: Tâm bão cách Đèo Ngang 120 km, dự kiến đổ bộ khu vực giáp ranh Hà Tĩnh – Quảng Bình.

– Hướng di chuyển: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc với tốc độ 20-25 km/h.

Ngày 11/9, một áp thấp nhiệt đới hình thành ngoài khơi Philippines. Chiều 12/9, sau khi vượt qua đảo Luzon vào Biển Đông, áp thấp mạnh lên thành bão, cơn bão số 10 (tên quốc tế Doksuri) trong năm 2017 trên vùng biển này. Đây là cơn bão mạnh nhất kể từ 2014 đổ bộ vào Việt Nam.

Người dân chằng chéo, buộc neo tàu lại trong gió bão
Theo ghi nhận của phóng viên Phạm Trường, lúc 8h15 tại vùng biển xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) dù mưa to, gió mạnh một số người dân vẫn bất chấp nguy hiểm ra neo đậu lại tàu thuyền. Ông Nguyễn Văn Huyện cho biết mưa lớn ở đây từ 0h ngày 15/9. “Bão lớn so với các năm. Lo mất tài sản nên chúng tôi phải ra neo lại tàu”, ông nói.
Đang thị sát tại vùng neo đậu tàu thuyền ở đây, ông Đặng Quốc Cương, Bí thư huyện ủy Cẩm Xuyên, cho hay đến hiện tại toàn bộ công tác ứng phó với cơn bão đều hoàn tất, đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Sáng nay một số hộ dân cùng lực lượng ứng cứu tiếp tục chằng chéo, buộc neo lại một số tàu.

Mất điện, cây gãy đổ, sóng điện thoại chập chờn
Bà Đồng Thị Quảng, người dân xã Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình) cho biết từ 4h sáng 15/9, gió bắt đầu mạnh dần, đến 5h điện khu vực này bị mất. Tất cả tàu thuyền của ngư dân đều được neo đậu nơi an toàn. Bà Quảng cho biết hiện, mưa còn ít nhưng gió đã rất lớn, đồ đạc để ngoài sân bay tứ tung. Bà lo ngại căn nhà của gia đình mình không thể chống chọi khi cơn bão chính thức đổ bộ.

Cùng lúc, tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình, gió đã mạnh từ 6h sáng, cây cối đổ, chắn ngang nhiều tuyến đường, mưa lớn gây ngập lụt làm giao thông tê liệt, mất điện.

Chị Nguyễn Mỹ Duyên (23 tuổi, Đồng Hới) chia sẻ đây là cơn bão mạnh nhất mà chị từng gặp. Dù đã chằng dây thép nhưng những cột nhà chị vẫn bị lung lay, giằng đứt dây thép.

Nguồn tin từ Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới cho hay nhiều người dân đã bị thương khi phòng chống bão.

Ngư dân ngồi đánh cờ trong bão
Theo ghi nhận của phóng viên Tiến Tuấn: Tại âu tàu Thanh Khê (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), tàu cá của thuyền trưởng Nguyễn Văn Dũng (Nghệ An) có 18 thuỷ thủ trú lại trên tàu. Tàu của ông Dũng đã vào âu tránh bão 3 ngày khi đang đánh bắt tại vùng biển Quảng Bình.


Tại tàu Thanh Hoá 90808 của thuyền trưởng Dương Văn Công, anh em thuỷ thủ tàu vẫn khá bình tĩnh, thảnh thơi đánh cờ trước cơn bão lớn. Họ cho biết với ngư dân đi biển thường xuyên thì gặp bão như cơm bữa, vào được âu tàu là khá yên tâm và an toàn. Một số người được cử đi mua lương thực, rau củ, thịt về tàu để dùng cơm trong 2-3 ngày tới.


Bão mạnh cấp 12-13, cách đèo ngang 120 km
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thông tin trong 6 giờ vừa qua (tính đến 1h ngày 15/9), do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Một số nơi có lượng mưa trên 70 mm như Tuyên Hóa (Quảng Bình) 80 mm, Nam Đông (Thừa Thiên – Huế) 100 mm, A Lưới (Thừa Thiên-Huế) 115 mm. Ở đảo Bạch Long Vỹ đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Bản tin phát lúc 7h05 ngày 15/9 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay vào hồi 7h cùng ngày, vị trí tâm bão cách Đèo Ngang khoảng 120 km.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150 km/h), giật cấp 15. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc với tốc độ 20-25km/h.

Khoảng trưa đến chiều nay (15/9), vùng tâm bão số 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị gây gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.

Đến 13h cùng ngày, vị trí tâm bão ở trên đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135 km/h), giật cấp 15.

Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi sâu vào đất liền sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Thượng Lào.

Cả nước mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 10


Ghi nhận tại TP Huế (Thừa Thiên – Huế), phóng viên Điền Quang cho hay do ảnh hưởng của bão, tại Thừa Thiền – Huế có mưa lớn và gió giật mạnh khiến nhiều cây cổ thủ gãy đổ.


Sóng ngoài khơi vùng tâm bão cao trên 10 m
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay do ảnh hưởng của bão số 10, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) gió mạnh cấp 8-9, sáng 15/9 tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15, biển động dữ dội

Vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình (bao gồm đảo Hòn Ngư), vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12, giật cấp 15; biển động dữ dội (Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4).

Sóng ngoài khơi vùng tâm bão cao trên 10 m, vùng ven bờ 5-6 m.

Ven biển từ Hải Phòng tới Quảng Bình nước dâng do bão có khả năng cao trên 1 m, riêng khu vực ven biển Thanh Hóa đến Hà Tĩnh khoảng 2 m.

Thủ tướng yêu cầu hoãn mọi cuộc họp không cần thiết để tập trung chống bão
Thủ tướng có Công điện về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10 năm 2017. Công điện nêu rõ đây là cơn bão rất mạnh, diễn biến của bão còn phức tạp, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến và đề phòng bão đổ bộ vào bờ sớm hơn dự báo.

Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ do bão, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương có liên quan hoãn các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Tại Thừa Thiên – Huế, vào hồi 6h57, trời vẫn mưa lớn gây ngập úng một số khu vực thấp trũng trong thành phố và các huyện. Đêm qua, Bão số 10 tiến sát bờ gây ra gió giật mạnh khiến nhiều cây cổ thụ bị bật gốc.

Ảnh: Điền Bá Quang.

Quảng Ngãi – Hà Tĩnh có mưa 100-300 mm
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay đến hết đêm 15/9, ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Nghệ An tiếp tục có mưa to đến rất to (100-300 mm/đợt), riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400 mm.

Từ sáng 15 đến hết ngày 16/09, ở Thanh Hóa, các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La có mưa vừa, mưa to đến rất to (50-150 mm, có nơi trên 200 mm).

Từ nay đến ngày 17/9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế.

Từ 4h sáng nay, tại Hà Tĩnh có mưa lớn, gió giật mạnh khiến nhiều khiến nhiều cây bên đường gãy đổ. Hình ảnh tại đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh. Ảnh: Phạm Trường.

 

(Zing)

Related Posts