HĐBA trừng phạt Triều Tiên: cấm xuất hàng dệt may, hạn chế bán dầu mỏ

BVD – Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho biết Mỹ không muốn chiến tranh với Triều Tiên và Bình Nhưỡng chưa đi qua mức “không thể quay đầu”.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 11.9 nhất trí thông qua nghị quyết gia tăng trừng phạt với Triều Tiên sau khi nước này thử hạt nhân lần 6 với cường độ mạnh nhất từ trước đến nay vào hôm 3.9.
Đây là nghị quyết trừng phạt thứ 9 do HĐBA thông qua từ năm 2006 đối với chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên, theo Reuters. Để có được sự đồng thuận này, nước soạn thảo nghị quyết là Mỹ đã phải giảm nhẹ một số nội dung nhằm tránh bị Nga và Trung Quốc phủ quyết.
Nghị quyết giới hạn mức nhập khẩu dầu thô của Triều Tiên là 4 triệu thùng/năm, giới hạn các sản phẩm lọc dầu ở mức 2 triệu thùng/năm, giảm một nửa so với hiện tại. Trung Quốc là nước xuất khẩu dầu thô nhiều nhất cho Triều Tiên.
Ở chiều ngược lại, Triều Tiên cũng xuất khẩu gần 80% sản phẩm dệt may sang Trung Quốc. Đây là ngành xuất khẩu lớn thứ hai của Bình Nhưỡng sau than và một số loại khoáng sản trong năm 2016, theo số liệu của Cơ quan khuyến khích đầu tư-thương mại Hàn Quốc.
Sau cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho biết Mỹ không muốn chiến tranh với Triều Tiên và Bình Nhưỡng chưa đi qua mức “không thể quay đầu”. Bà cũng nói thêm rằng nghị quyết sẽ không đạt được nếu không có mối quan hệ khăn khít giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lưu Kết Nhất kêu gọi Bình Nhưỡng nghiêm túc ghi nhận những kỳ vọng của cộng đồng quốc tế và mọi bên phải giữ cái đầu lạnh để tránh leo thang căng thẳng.
Hiện Triều Tiên chưa có phản ứng về nghị quyết trừng phạt mới nhất nhưng trước đó đã cảnh báo rằng Mỹ sẽ phải “trả giá thích đáng” cho hành động áp đặt trừng phạt.
Peru trục xuất Đại sứ Triều Tiên
Bộ Ngoại giao Peru ngày 11.9 thông báo đã yêu cầu Đại sứ Triều Tiên Kim Hak-chol phải rời khỏi nước này nhằm phản đối việc Bình Nhưỡng lặp lại những vi phạm trắng trợn đối với nghị quyết HĐBA LHQ và không ngừng chương trình hạt nhân. Ông Kim có 5 ngày để rời đi. Trước đó, Mexico cũng ra yêu cầu tương tự với Đại sứ Triều Tiên tại nước này là ông Kim Hyong-gil./.

 

(Thanhnien)

Related Posts