Lãnh đạo Mỹ-Trung đạt thỏa thuận gia tăng áp lực lên Triều Tiên

BVD – Theo Ria Novosti, cam kết của hai nhà lãnh đạo Trung-Mỹ về việc tích cực thực thi các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cho thấy quyết tâm của các bên nhằm kiềm chế sức mạnh hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Hãng RIA Novosti dẫn nguồn từ Nhà Trắng cho biết, hôm 18/9 Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đàm thoại về chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời hai bên đã nhất trí tăng cường gây sức ép lên Bình Nhưỡng thông qua việc thực hiện các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

Hãng tin nhấn mạnh: “Hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ phát huy tối đa sức ép lên Triều Tiên thông qua việc thực hiện tích cực các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.

Hôm 3/9, Triều Tiên đã thông báo thử nghiệm thành công bom H, được sử dụng để trang bị cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Quân đội Nhật Bản và Hàn Quốc sơ bộ ước tính sức công phá của vụ thử nghiệm là 160 kiloton, gấp 10 lần quả bom nguyên tử rơi xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật năm 1945. Đây là lần thử nghiệm hạt nhân thứ sáu của Bình Nhưỡng. Một tuần trước, Triều Tiên cũng phóng thử nghiệm một tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản.

Liên quan đến những sự kiện này, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí đưa ra các biện pháp trừng phạt mới chống lại CHDCND Triều Tiên, theo đó sẽ hạn chế mạnh khả năng xuất khẩu và nhập khẩu của Bình Nhưỡng. Nghị quyết 2375 được coi là chế độ trừng phạt nghiêm ngặt nhất của Liên Hiệp Quốc trong thế kỷ 21.

Việc Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ gói trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc có thể cọi là một bất ngờ với các bên. Bình Nhưỡng có một tầm quan trọng đặc biệt với Trung Quốc. Một Triều Tiên bất ổn sẽ gây bất lợi lớn cho Trung Quốc bởi điều đó có thể đồng nghĩa với việc một làn sóng di cư mạnh mẽ từ Triều Tiên đổ vào Trung Quốc tạo gánh nặng cho nền kinh tế nước này, nó cũng đồng nghĩa với nguy cơ quân đội Mỹ tiến sát vào ngưỡng cửa Trung Quốc.

Bên cạnh đó nếu không đồng thuận thì Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với áp lực lớn từ Mỹ và phương Tây đòi hỏi phải gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Các chuyên gia cho rằng, qua việc đồng thuận với nghị quyết trừng phạt mới, Bắc Kinh vừa muốn xoa dịu Mỹ vừa muốn thể hiện sự không hài lòng với Triều Tiên.

Để có được điều này, Bắc Kinh cũng đã tính toán kỹ để tránh nguy cơ các biện pháp trừng phạt dồn Bình Nhưỡng vào chân tường, khiến chế độ Kim Jong-un sụp đổ, đồng thời cũng tránh bị Mỹ cáo buộc ủng hộ, dung túng cho Bình Nhưỡng./.

 

(Infonet)

Related Posts