Thủ tướng: Sẽ có 1 tỷ USD hỗ trợ ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu

BVD – Chủ trì hội nghị toàn thể ngày 27/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự lạc quan với tương lai của Đồng bằng sông Cửu Long, dù vùng đất này đối mặt với không ít thách thức.

Sáng 27/9, tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp toàn thể hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay để xem xét, đánh giá một cách toàn diện các thách thức, nhận diện được các cơ hội, huy động sáng kiến, kinh nghiệm và nguồn lực để phát triển bền vững ĐBSCL.

Một ngày trước phiên họp toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát vùng ĐBSCL bằng trực thăng.

Chiều 26/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát vùng Đồng bằng sông Cửu Long bằng máy bay trực thăng.

– Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Mong muốn các đại biểu nói thẳng, nói thật, phản biện để tìm giải pháp tốt nhất cho ĐBSCL.

– Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà: Tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, cơ sở xuyên suốt cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng. Nước lợ và nước mặn là nguồn tài nguyên, bên cạnh nước ngọt.

– Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng: Các chính sách cho ĐBSCL được triển khai đang thiên về hướng ứng phó cục bộ, giải quyết cục bộ, chưa xem xét ở góc độ liên ngành liên vùng.

– Bộ trưởng NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường: Mặn, lợ, khô, ngập cũng là lợi thế phát triển.

– Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Christian Berger: Chính phủ Đức sẽ hợp tác với Việt Nam giải quyết thách thức của biến đổi khí hậu.

Cần chiến lược sống chung với lũ

Giáo sư Đào Xuân Học đề xuất chiến lược chủ động sống chung với lũ (đưa lũ vào đồng ruộng một cách chủ động, kết hợp xây dựng các công trình chống lũ bảo vệ các khu dân cư); xây dựng tuyến đường ven biển với tính chất là công trình công ích đa mục tiêu (vừa là đường giao thông, vừa là đê biển, vừa là công trình bảo vệ nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản);.

Còn giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng cần sử dụng hiệu quả, hợp lý những gì mình đang có, không thể thụ động chờ đợi vào các quốc gia thượng nguồn, theo đó phải lựa chọn các giống cây, con phù hợp với từng điều kiện nguồn nước (lợ, nước ngọt, mặn). Về sử dụng tiết kiệm nước, cần có giải pháp tích lũy nước trong mùa mưa, mùa lũ để dành sử dụng trong mùa khô; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, không cần thiết phải sản xuất lúa 3 vụ, có thể giảm số vụ theo hướng kết hợp giữa trồng lúa với nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả giá trị cao.

TP.HCM đối mặt với nguy cơ sụt lún

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho hay Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu nặng nề của biến đổi khí hậu và TP.HCM cũng là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu thách thức.

Tại TP.HCM đối mặt với thách thức ngập. Có huyện có thể bị ngập 80% diện tích. Thành phố lớn nhất nước cũng đối mặt với nguy cơ thay đổi về chu kỳ mưa. TP.HCM ngày càng đón những trận mưa lớn hơn 100 mm với mật độ trung bình 1 tháng/1 trận mưa lớn. Thách thức thứ 3 với TP là hiện tượng sụt lún, một năm nền đất TP.HCM sụt lún 1 mmm. Như vậy trong vòng 30 năm (2010-2015), chênh lệch giữa nước biển và mặt nước TP có thể giảm 45 cm.

Bí thư TP.HCM cũng đưa ra vấn đề muốn ứng phó với biến đổi khí hậu cần dựa vào chính nguồn lực của mình Theo hướng đó, chúng ta cần có nghiên cứu về giống cây và giống con cho cả vùng. Chứ không thể để từng tỉnh loay hoay tìm giống. Cần phát triển các thiết bị kĩ thuật cho các vùng. Và thứ ba cần có chương trình hỗ trợ phối hợp đầu ra cho sản phẩm. “TP.HCM có tiềm năng và cam kết sẽ đảm nhiệm được trung tâm sản xuất giống cây giống con, trung tâm chế biến xuất khẩu và trung tâm sản xuất kĩ thuật cho vùng”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh việc kết nối hệ thống giao thông để phấn đấu đến 2025 cơ bản hoàn thiện giao thông toàn vùng; phát huy mạnh mẽ mô hình kinh tế hợp tác xã….

Kiến nghị Quy hoạch tổng thể lại vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tiếp tục phiên làm việc buổi chiều của Hội nghị, đại biểu đại diện cho các tỉnh Cà Mau, Cần Thơ, An Giang đều kiến nghị cần có quy hoạch và cơ chế đặc thu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, Chủ tịch Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đề xuất về quy hoạch, cần phân chia ĐBSCL thành 3 vùng (vùng trên, vùng giữa, vùng ven biển). Trong quy hoạc đó có quy hoạch cụ thể cho từng tiểu vùng để có cơ chế phù hợp cho đầu tư phát triển; định hướng luân canh lúa tôm vùng dễ bị xâm nhập mặn; đầu tư hoàn thiện hệ thống các công trình thủy lợi, điện cho vùng nuôi tôm… Chủ tịch tỉnh Cà Mau cũng đề nghị Chính phủ đầu tư kênh đào khai thông tuyến đường thủy từ Kiên Giang về Cà Mau.

Trong tham luận Quy hoạch tổng thể lại vùng, Đại biểu Vương Bình Thạnh, Chủ tịch tỉnh An Giang, đề xuất một cơ chế huy động các nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển; thực hiện các giải pháp công trình, phi công trình… Vị chủ tịch An Giang nhấn mạnh việc cần xây dựng “cơ chế đặc thù để phát triển vùng ĐBSCL”.

Bí thư Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể đề xuất 5 vấn đề: Nâng cao chất lượng dự báo, thông tin chỉ đạo điều hành, tuyên truyền về biến đổi khí hậu; có giải pháp công trình, phi công trình cấp quốc gia để bảo vệ đất, phù sa, ngăn chặn sạt lở hiệu quả

 

14h: Hội nghị tiếp tục phiên làm việc buổi chiều. Các đại biểu phát biểu tham luận, phản biện dưới sự điều hành của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

 

Tới 12h30, phiên làm việc buổi sáng của Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu kết thúc sau phần phát biểu của Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà và Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật.

Vào 14h hôm nay, Hội nghị sẽ tiếp tục với phần thảo luận và phát biểu của Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Cà Mau, Sóc Trăng cùng các chuyên gia trong nước, chuyên gia quốc tế và doanh nghiệp tư nhân.

Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu kết luận và chỉ đạo.

Chính phủ Đức sẽ hợp tác với Việt Nam giải quyết thách thức của biến đổi khí hậu

Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Christian Berger khẳng định Chính phủ Đức sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu với Đồng bằng sông Cửu Long.

Đại sứ Đức cũng bày tỏ đồng tình với việc cần thành lập Hội đồng phát triển vùng để điều phối chung; đẩy mạnh chuyển đổi, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tạo giá trị cao hơn; phối hợp thực hiện hiệu quả các dự án chống sạt lở, sụt lún; có giải pháp thu hút đầu tư, quản lý hiệu quả nguồn nước; huy động, sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả…

Tiếp đó, Đại sứ Australia, Giám đốc quốc gia ADB… phát biểu nhấn mạnh sự cần thiết phát triển hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL; thủy lợi; xây dựng mô hình quản lý hiệu quả, bền vững nguồn nước; nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu phục vụ cho việc lập quy hoạch; triển khai các dự án nước sạch và vệ sinh môi trường; xây dựng các chuỗi giá trị nông sản; ADB cam kết có gói hỗ trợ các dự án công trình, phi công trình cho ĐBSCL…

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết bộ đang cụ thể hóa các chiến lược, kế hoạch quốc gia về biến đởi khí hậu, trong đó có vùng ĐBSCL. Tất cả các hoạt động xây dựng phải phù hợp với sinh thái tự nhiên, đặc biệt là các phân vùng kinh tế nông nghiệp, hạn chế tối đa việc can thiệp không hợp lý của con người vào tự nhiên.

Theo Bộ trưởng, khô, ngập cũng là tài nguyên, vừa khô vừa ngập cũng là tài nguyên. Hiện nay ĐBSCL có 168 đô thị, với thực trạng này bộ cùng các địa phương xác định mọi hành động đều phải phù hợp với tự nhiên, phát triển hệ thống đô thị ĐBSCL phải phù hợp với điều kiện của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có sự liên kết với TPHCM; tạo vai trò động lực của các đô thị trong vùng; kết nối hệ thống giao thông, cấp nước sạch, phát triển nhà ở an toàn cho người dân để ĐBCL phát triển bền vững.

Đối với chương trình nhà ở an toàn cho dân cư, hiện nay đã giải quyết được 191 nghìn hộ với 1 triệu dân vùng ngập lụt, tiếp tục thực hiện chương trình này đến năm 2020. Đối với dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL, Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Thế giới. Đây là dự án lớn chưa có tiền lệ ở Việt Nam.

 

Sau giờ giải lao, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông trong giải quyết các thách thức, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Qua đó, Bộ Ngoại giao kiến nghị: Thực hiện tốt các cam kết quốc tế đã ký kết; phối hợp với các nước trong vùng thực hiện tốt Hiệp định sông Mê Kông; gắn hợp tác trong khu vực với hợp tác liên khu vực, toàn cầu; gắn kết các ưu tiên phát triển của vùng với khu vực; tăng cường quan tâm, cung cấp nguồn lực cho phát triển; có cơ chế huy động đầu tư, kinh doanh vào vùng…

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, Giám đốc Quốc gia UNDP Louis Chamberlain khuyến cáo một số nội dung để phát triển bền vững ĐBSCL: Đẩy mạnh hợp tác liên chính phủ; xây dựng cách tiếp cận tổng thể mang tính chiến lược, tránh trùng lặp chính sách; bảo đảm các nguồn lực phát triển hiệu quả; có cách tiếp cận về tài chính phù hợp (nhánh công, nhánh tư), huy động mạnh mẽ hơn các nguồn vốn nước ngoài, tư nhân; đẩy mạnh chia sẻ thông tin; xây dựng mô hình thích ứng rủi ro; sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm; ngăn chặn hạn hán, xâm nhập mặn; phát huy được các tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng; chú trọng tới nhóm người dễ bị tổn thương; không để ai bị bỏ lại phía sau…

Lấy tầm nhìn toàn khu vực cho các lựa chọn đầu tư

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione khẳng định tầm quan trọng của việc quản lý ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; đại diện WB nhấn mạnh tầm quan trọng trong phối hợp liên ngành, đa ngành; có sự thống nhất trong nhận thức, hành động, hợp tác chặt chẽ giữa Trung ương với địa phương, giữa chính quyền với khu vực tư nhân để phản ứng linh hoạt với những biến động, phát triển bền vững ĐBSCL.

WB kiến nghị các giải pháp quả cảm, mạnh mẽ thu hút, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, chuyển đổi mô hình sản xuất, lấy tầm nhìn toàn khu vực cho các lựa chọn đầu tư; vốn hóa các lợi ích cạnh tranh, lợi ích so sánh; xây dựng quỹ phát triển ĐBSCL…

Xây dựng bộ giống hiện đại phát triển ba ngành hàng chủ lực

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường báo cáo về phiên thảo luận chuyên đề về phát triển nông nghiệp bền vững, thủy lợi, phòng chống thiên tai sạt lở. Trước thực trạng biến đổi là không thể tránh khỏi, các ý kiến nhấn mạnh việc cần có sự thống nhất của cả hệ thống chính trị và hành động tổng lực với phương châm bao trùm là “chủ động, tích cực, linh hoạt thích ứng với các biến đổi”. Chủ động phát hiện, phát huy những lợi thế, kết hợp với cách mạng công nghiệp 4.0 để biến nguy cơ thành thời cơ, biến bất lợi thành lợi thế. Theo đó phải coi mặn, lợ, khô, ngập cũng là tài nguyên để phát triển…

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị tái cơ cấu nông nghiệp phải dựa vào tài nguyên đa dạng sinh học, cơ cấu lại phát huy tối đa lợi thế các sản phẩm chủ lực trong khu vực…

Về thủy sản, phải giảm thiếu tối đa việc khai thác nước ngầm để nuôi trồng thủy sản mặn, lợ; quản trị chặt chẽ quy mô nuôi trồng không để ô nhiễm môi trường và phơi nhiễm.

Đồng thời, phải có cơ chế để thúc đẩy các nguồn lực sản xuất, hình thành liên kết trong mọi ngành hàng, mọi quy mô; tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn liền với tái cơ cấu kinh tế và chuyển dịch lao động.

Các báo cáo kiến nghị đề nghị Thủ tướng giao Bộ NNPTNT, Bộ KHCN và các địa phương trong vùng, trong 5 năm tới phải giải quyết bộ giống của 3 nhóm sản phẩm: Thủy sản, trái cây, lúa gạo đưa ra được những giống đáp ứng được sản xuất, cạnh tranh; sửa nhanh Nghị định 210 tháo gỡ nút thắt về đất đai, cơ khí; có văn bản quy định để vùng này phải giữ nguyên được diện tích rừng còn lại; cho làm điểm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng mới, đất mới; tập trung xử lý 40 điểm sạt lở ở biển, sông (tổng số đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng).

Ít nhất có 1 tỷ USD hỗ trợ ĐBSCL chống biến đổi khí hậu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay hiện nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương cho ĐBSCL khoảng 20%. Chính phủ đang cố gắng tìm các nguồn đầu tư khác trong đó có ODA, WB để hỗ trợ việc Đồng bằng sông Cửu Long chống biến đổi khí hậu. “Ít nhất sẽ có 1 tỷ USD dành cho Đồng bằng sông Cửu Long để làm một số công trình điều tiết nước ngọt, điều tiết lũ và nước nhiễm mặn”, Thủ tướng thông tin.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: VGP.

Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long còn thiếu liên kết, xung đột

Bộ trưởng Kế hoạc & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo kết luận phiên thảo luận về Quy hoạch tích hợp, phát triển hạ tầng và nguồn lực.

Bộ trưởng Dũng cho hay vấn đề quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long có tính chất liên ngành và vượt qua phạm vi của một ngành, một địa phương. Tuy nhiên các chính sách được triển khai đang thiên về hướng ứng phó cục bộ, giải quyết cục bộ, chưa xem xét ở góc độ liên ngành liên vùng.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VPG.

Hiện ĐBSCL có trên 2.500 quy hoạch được lập, quy hoạch cấp vùng cũng đang ở những góc nhìn khác nhau. Việc lập riêng rẽ nhiều quy hoạch đang thiếu liên kết, thiếu tầm nhìn, chất lượng quy hoạch kém đang gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế xã hội, gây lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn lực của đất nước.

Về giải pháp, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho hay biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để tổ chức, sắp xếp lại vùng. Trong đó phải coi nước là nguồn tài nguyên quan trọng nhất. Kinh tế biển là động lực phát triển. Nông nghiệp là nền kinh tế chủ đạo nhưng phải thay đổi tư duy phát triển. Cần đảm bảo phát triển hài hòa giữa ba trụ cột kinh tế – xã hôi – môi trường.

Cần có quyết tâm chính trị và sự tham gia có trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trong vùng nhằm giải quyết toàn diện vấn đề của Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu các nguyên tắc như cần coi nước mặn, nước lợ là nguồn tài nguyên; Cân nhắc diện tích trồng lúa. Hạn chế khai thác nước ngầm một cách tùy tiện; Nâng cao nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; Sắp xếp lại các nhà máy nhiệt điện trong vùng; Đảm bảo sự tham gia rộng rãi của các đối tượng có liên quan bao gồm doanh nghiệp, người dân; Xây dựng các cơ chế quản lý và điều phối vùng hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho hay, các đại biểu đề nghị tăng ngân sách cho vùng lên 20% GDP để đảm bảo nguồn lực phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.

Cần thay đổi nhận thức về Đồng bằng sông Cửu Long

Sau khi Thủ tướng phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà trình bày báo cáo tổng thể hội nghị chuyên đề về Thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL.

Báo cáo nêu rõ tính độc đáo của ĐBSCL – vùng đất nhiều thuận lợi, lắm khó khăn với những cơ hội, thách thức, qua đó đề xuất những giải pháp căn cơ cho vùng đất này.

Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP.

Bộ trưởng Hà cho hay cần thay đổi nhận thức vùng Đồng bằng sông Cửu Long như một thể thống nhất; quá trình chuyển đổi mô hình phát triển phải được xem xét trong tổng thể chung của Đồng bằng, trong mối liên kết chặt chẽ với vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong Tiểu vùng sông Mê Công.

Hai là, phải lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, trung tâm, làm cơ sở xuyên suốt cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng. Tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực và theo lưu vực. Coi nước lợ và nước mặn là nguồn tài nguyên, bên cạnh nguồn tài nguyên nước ngọt.

Ba là, chuyển đổi mô hình phải dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên; phải kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, hiện đại với tri thức, kinh nghiệm truyền thống bản địa.

Bốn là, quá trình chuyển đổi cần có tầm nhìn dài hạn, ưu tiên cho thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng cũng phải tận dụng các cơ hội để phát triển kinh tế các-bon thấp, kinh tế xanh, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.
Năm là, chuyển đổi mô hình phải đảm bảo tính ổn định, sinh kế của người dân, người dân và doanh nghiệp đóng trung tâm, Nhà nước đóng vai trò định hướng, dẫn dắt.

Quyết tâm biến thách thức thành thời cơ

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chân thành cảm ơn và nhiệt liệt chào mừng các tổ chức, cá nhân và lãnh đạo các bộ ngành, đặc biệt là các chuyên gia nổi tiếng trong nước và nước ngoài, các diễn giả quốc tế về dự. Thủ tướng đánh giá cao các hội nghị chuyên đề đã diễn ra trong ngày 26/9, nơi các đại biểu đã thảo luận thẳng thắn, góp ý nhiều ý kiến rất cơ bản cho sự phát triển ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt.

Thủ tướng cho hay từ chuyến đi khảo sát ở Hà Lan vào tháng 7 vừa rồi và chuyến thị sát ngày hôm qua ở ĐBSCL, ông đã thấy được tầm quan trọng của các giải pháp công trình, phi công trình, cũng như vai trò quan trọng của người dân và chính quyền cơ sở trong ứng phó với biến đổi khí hậu…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: C.K.

Theo Thủ tướng, nếu không có giải pháp, chúng ta sẽ phải trả giá đắt với thiên nhiên đó là sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún, nước biển dâng… “Chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, phù hợp nhất trong đó có đổi mới tư duy của hệ thống chính trị và người dân nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn cho cuộc sống gần 20 triệu người dân cùng vượt qua thách thức để có một tương lai sáng lạn. ĐBSCL sẽ là khu vực giàu có của Tổ quốc VN gần 100 triệu dân. Tôi lạc quan về ĐBSCL của chúng ta”, Thủ tướng bày tỏ.

Tiếp theo sự quan tâm của Đảng, Nhà nước qua từng thời kỳ, hôm nay Chính phủ tiếp tục xác định tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng với vùng ĐBSCL là kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng trên cơ sở đất và nước điều hoà để nâng cao đời sống của nhân dân.

Chính phủ, Thủ tướng cam kết với quyết tâm chính trị cao, kiến tạo cơ chế thuận lợi, huy động sự tham gia của mọi người dân, của doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế, huy động nguồn lực cần thiết có thể được, cụ thể hoá các hành động thực hiện, các sáng kiến, các nhiệm vụ, các giải pháp từ hội nghị này cho quá trình phát triển bền vững cho ĐBSCL với tầm nhìn hết thế kỷ này, biến thách thức thành thời cơ, chủ động sống chung với lũ.

“Tôi không cho rằng đây là nguy cơ mà là thách thức”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ đặt ra yêu cầu với hội nghị là phải đưa được quyết sách mới cho hệ thống chiến lược, đột phá về quan điểm phát triển, quy luật cho vùng lãnh thổ, đề xuất các cơ chế chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các bên và toàn xã hội. Các phương án, giải pháp khả thi, dễ vận dụng, có tính kết nối toàn vùng và liên vùng, tránh chia rẽ, bị động có giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân ĐBSCL ổn định, phát triển.

“Chúng ta cần phát huy dân chủ, nói thẳng, nói thật để chúng ta cùng hợp tác, phát triển. Tôi đọc một loạt các báo cáo của chuyên gia nổi tiếng Việt Nam và thế giới, tôi cũng mong muốn các đại, chuyên gia phản biện những vấn đề đặt ra của Chính phủ, các Bộ trưởng để chúng ta thảo luận tìm ra những giải pháp tốt nhất”, Thủ tướng nói trước hàng trăm đại biểu dự hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự lạc quan vào tương lai của Đồng bằng sông Cửu Long dù nơi đây đối mặt không ít thách thức.

 

Sáng 26/9, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các địa phương chia sẻ xung quanh vấn đề phát triển bền vững với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng bằng sông Cửu Long có 550 điểm sạt lở

Vùng ĐBSCL bao gồm 13 tỉnh, thành phố; diện tích khoảng 3,9 triệu ha, chiếm khoảng 12,3% diện tích tự nhiên của cả nước, 19% dân số. Đây cũng là khu vực rộng và đông dân cư thứ 2 trong tất cả các vùng kinh tế của cả nước (chỉ sau Đồng bằng châu thổ sông Hồng).

Tuy nhiên, theo nhiều báo cáo ĐBSCL được đánh giá là một trong bốn đồng bằng bị tác động mạnh nhất do BĐKH, nước biển dâng.

Qua theo dõi của cơ quan chức năng, khu vực ĐBSCL hiện có 550 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 775 km. Thời gian qua, tốc độ xói lở bờ biển khu vực ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Từ năm 2005 đến nay, tốc độ xói đã vượt tốc độ bồi, làm diện tích khu vực đồng bằng giảm khoảng 300 ha/năm.

Nếu mực nước biển dâng 100 cm sẽ ảnh hưởng 38,9% diện tích đất của ĐBSCL, các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,9%).

Dự báo đến năm 2100, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam sẽ tăng lên 3 độ C và mực nước biển sẽ tăng lên khoảng 1 m. Khi đó gần 40% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập nước./.

 

(Zing)

Related Posts