Chìm tàu 4 người chết ở Bình Thuận: Công ty Hoàng Phúc sử dụng sai mục đích

BVD – Là tàu dịch vụ hậu cần nghề cá được đóng theo Nghị định 67, nhưng công ty Hoàng Phúc lại cho phép con tàu này chở hàng trăm tấn đất đá, hàng hóa.
Khi tàu Hoàng Phúc 18 chìm trên sông Soài Rạp vào ngày 30/10/2015, không có bất cứ thông tin nào cho thấy đây là con tàu dịch vụ hậu cần nghề cá được đóng theo Nghị định 67. Thời điểm này, công ty Hoàng Phúc cũng im lặng không lên tiếng về việc sở hữu con tàu.

Tuy nhiên, theo như ông Phan Minh Minh, cán bộ phụ trách thủy sản của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận khẳng định thì con tàu này được vay vốn đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Tàu Hoàng Phúc 18 lúc bị chìm trên sông Soài Rạp ngày 30/10/2015

Trong khi quy định của Nghị định 67 nêu rõ, chỉ áp dụng đối với 3 nhóm đối tượng gồm: Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động thủy sản; tổ chức, cá nhân đặt hàng đóng mới hoặc nâng cấp tàu phục vụ việc khai thác thủy sản; tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thủy sản.

Như vậy, việc con tàu này bị chìm trong khi đang chở hàng trăm tấn đất đá, vật liệu và máy móc phục vụ xây dựng là một điều rất vô lý.

Trước thắc mắc này, ông Minh thừa nhận: “Con tàu này hoạt động sai mục đích. Nhưng hợp đồng chở tàu là hợp đồng riêng của công ty Hoàng Phúc và ông Tấn”.

Từ lời thừa nhận của ông Minh, có thể khẳng định con tàu này đã hoạt động trái với quy định đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ ban hành.

Tàu Hoàng Phúc 18 hiện nằm trên cảng Sao Mai

Ngoài ra, còn một thực tế khác cho thấy, một con tàu được đóng để làm dịch vụ hậu cần nghề cá không thể chở đến 700 tấn vật liệu xây dựng và xe cơ giới trên boong.

Qua phân tích hình ảnh thực tế tại thời điểm tàu chìm năm 2015, bên mạn tàu Hoàng Phúc 18 có một cầu dẫn, dùng để vận chuyển xe cơ giới và thiết bị máy móc công trình lên tàu.

Trên mặt boong cũng có 2 nắp hầm với chiều dài khoảng 10 mét, bên dưới hầm là khoang rộng dùng để chứa vật liệu xây dựng. Ở những diện tích khác trên mặt tàu thì phẳng lỳ, không có nắp kho đông lạnh chứa cá hay dầu như một con tàu dịch vụ hậu cần phải có.

Từ đây, có thể cho thấy Hoàng Phúc 18 hoàn toàn không phù hợp để hoạt động như một con tàu thuộc lĩnh vực thủy sản. Vậy lý do gì, con tàu này lại được vay vốn theo Nghị định 67? Và tại sao, chủ tàu được hoán đổi từ công ty Hoàng Phúc sang ông Phan Anh Tấn?

Dù vì bất cứ lý do gì, chủ sở hữu là công ty Hoàng Phúc không thể “lặng lẽ” cho qua chuyện như lâu nay, khi mà con tàu của họ đã hoạt động sai mục đích khiến cho 4 ngư dân phải chết thương tâm./.

 

(Conglyxahoi)

Related Posts