Cô gái Việt chạy khắp thế giới

BVD – 27 tuổi. Nước da bánh mật. Thời trang. Quyến rũ. Nụ cười rạng rỡ. Đó là ấn tượng về Vũ Phương Thanh, cô gái châu Á đầu tiên chạy vượt 1.000 km qua 4 sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới: Sahara, Gobi, Atacama và Nam cực.

Những lần chinh phục sa mạc giúp Vũ Phương Thanh luyện cách đối mặt thử thách

Muốn phá vỡ vòng an toàn để thử thách bản thân

Chào Vũ Phương Thanh, cô gái Hà Nội đang sinh sống tại TP.HCM và gây bất ngờ về hành trình chinh phục những cung đường khắc nghiệt nhất thế giới. Bạn có thể giới thiệu về mình?

Thanh sinh ra, lớn lên tại Hà Nội. Sau đó ở Singapore một năm rồi học trung học và đại học tại Canada. Năm cuối đại học thì học tại Anh. Thanh luôn khát khao thay đổi môi trường thường xuyên để phát triển bản thân. Chính vì vậy, khi tốt nghiệp đại học, mình tìm việc khắp nơi và cuối cùng làm việc tại Singapore.

Sau khi làm việc tại Singapore khoảng 2 năm rưỡi, Thanh nhận thấy cần một bước tiến nữa để phá vỡ vòng an toàn của mình. Đó là khi Thanh có ý định tham gia giải chạy chinh phục nơi hoang dã, chạy qua sa mạc.

Sau khi chinh phục giải 4 Deserts Grand Slam chạy qua 4 sa mạc, Thanh trở về sinh sống tại TP.HCM. Đây cũng là một thành phố mới đối với Thanh nên cảm thấy có rất nhiều cơ hội để phát triển bản thân.

Sở thích nào hình thành nên tính cách của bạn – một cô gái vừa lãng mạn dịu dàng nhưng cũng ẩn giấu sự mạnh mẽ và tràn đầy năng lượng?

Thanh có sở thích chạy cự ly siêu bền và nhảy dù. Thích cảm giác bay qua những đám mây hay nhìn khung cảnh từ trên cao trong không gian yên tĩnh. Nhưng đó là những sở thích hơi kỳ lạ.

Thanh cũng có nhiều sở thích bình thường khác như đọc sách, nấu ăn, hay xem phim với bạn bè…

Trước khi nghỉ việc vào năm 2015, Thanh là chuyên viên phân tích tài chính của Hãng tin Bloomberg tại Singapore. Điều gì đã thôi thúc bạn từ bỏ một công việc nhiều người mơ ước và bắt đầu rèn luyện để chạy qua sa mạc?

Năm 24 tuổi, Thanh từ bỏ công việc ổn định ở Singapore, phá vỡ vòng an toàn của mình để thử thách bản thân trong giải chạy qua sa mạc đầu tiên. Lúc ấy, mong muốn duy nhất là khi bước vào tuổi 25, mình sẽ trở thành con người mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn bằng những thử thách trong cuộc sống.

Sau hành trình chạy đầu tiên, Thanh thực sự yêu thích và đam mê các giải chạy.

Cô gái rất “bánh bèo” ngày nào đã đặt chân đến nhiều vùng đất trên thế giới

 

Chạy huấn luyện cho mình cách nghĩ, cách đối mặt thử thách

Tháng 10.2015, hoàn thành giải sa mạc đầu tiên của mình tại Atacama Crossing (Chile).

Năm 2016, hoàn thành giải 4 Deserts Grand Slam chạy qua 4 sa mạc khắc nghiệt nhất trên thế giới ở châu Phi, châu Mỹ, Nam cực.

Tháng 5.2017, vượt qua giải chạy siêu bền, đa chặng, tự hỗ trợ dài nhất thế giới với cự ly 522 km ở sa mạc Úc kéo dài 9 chặng, 10 ngày.

Tháng 9.2017, tham gia giải Ultra Trail du Mont-Blanc 167 km. Không may Thanh gặp sự cố về sức khỏe khi đích đến chỉ còn cách 24 km.
Dự kiến năm 2018 sẽ tham gia giải chạy tại Bắc Mỹ và vòng Bắc cực.

Từ một cô gái rất “bánh bèo”, từ một chuyên viên văn phòng chưa quen nắng gió, để có thể trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên chinh phục hành trình 1.000 km chạy qua 4 sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới, bạn đã trải qua thử thách như thế nào?

Trong 6 tháng đầu tiên luyện tập, buổi sáng thức dậy lúc nào Thanh cũng ê ẩm hết cả người. Khó khăn nữa là lịch hoạt động của mình rất khác người. Ở cái tuổi hai mấy thì bình thường bạn bè 9 giờ tối mới bắt đầu đi chơi thì mình đã đi ngủ. Thức dậy từ 4 giờ rưỡi hay 5 giờ sáng để luyện tập đến 6 giờ.

Lịch sinh hoạt này cũng tạo cho mình một chút cô độc. Mình phải học cách để đối mặt với điều đó.

Khi bắt đầu chạy, cái khó không nằm ở chỗ vác nặng, đói khát hay sự mệt mỏi, mà là làm thế nào thúc đẩy bản thân đi tiếp, làm thế nào có thể chạy tốt hơn. Trong hành trình năm 2016, khi qua 2 sa mạc, còn 2 sa mạc nữa, mình cũng có suy nghĩ hay là nên dừng lại.

Trải nghiệm khắc nghiệt tại sa mạc Gobi làm Thanh bị rối loạn tâm lý và cũng sợ hãi khi tới gần giới hạn cuối cùng của mình. Khi ấy, Thanh nghĩ nếu như mình có gặp sự cố gì, gia đình mình sẽ đau lòng lắm. Điều đó có đáng không? Câu hỏi đó gây cho mình nhiều áp lực và phải chắc chắn rằng dù trong trường hợp xấu nhất, mình vẫn có thể đối mặt được với nó. Khi vượt qua trở ngại của chính bản thân thì Thanh mới có thể bứt phá tiếp được.

Trên đường chạy, bạn thường nghĩ gì?

Chạy huấn luyện cho mình cách nghĩ, cách đối mặt thử thách, khó khăn trong cuộc sống. Khi chạy, Thanh không cho phép mình dừng lại. Không cho phép mình bỏ cuộc.

Khi quay lại với cuộc sống cũng vậy, mình có một công việc hay có dự án gì đấy mà ai cũng nghĩ khó mà làm được. Bằng mọi cách, mình không chỉ vượt qua bản thân mà còn thuyết phục nhiều người khác cùng tiến với mình. Mình học cách đặt bước đầu tiên khi mọi người còn e dè…

Vũ Phương Thanh thử sức với môn nhảy dù

Thanh tự lựa chọn cho mình những trải nghiệm được trả giá bằng sự rủi ro. Bạn đã đối mặt với nó như thế nào?

Khi bản thân tuyệt vọng lắm rồi, khi cảm thấy cạn kiệt sức lực, mình sẽ cố một bước nữa, một bước nữa thôi. Và nếu tập trung hết sức, từng bước từng bước đó sẽ đưa mình đi xa hơn rất nhiều

Khi bước vào giải chạy qua 4 sa mạc, Thanh đặt ra giới hạn: nếu như gặp rủi ro quá lớn, có khả năng gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho bản thân, gia đình thì mình sẽ dừng lại.

Nhưng trong thực tế thì khác. Khi chạy qua sa mạc Gobi (năm 2016), Thanh nghĩ là mình sắp gục rồi, kiệt quệ rồi. Lúc đấy Thanh có cảm giác như bị nung nóng trong cái lò. Những lần gió thổi như ai đó cầm chiếc máy sấy tóc khổng lồ thổi vào người mình vậy. Lúc đó, mình không ăn nổi nữa. Ăn vào phải nhổ ra. Lúc đó, Thanh nghĩ đến bố mẹ. Bởi vì nếu không may có chuyện gì xảy ra thì người đau lòng không phải là Thanh mà là bố mẹ mình. Khi suy nghĩ đó đến thì mình gạt bỏ nó ngay để hoàn thành mục tiêu của giải.

Một sự cố nữa là tháng 9 vừa qua, khi Thanh tham gia giải Ultra Trail du Mont-Blanc ở dãy núi Alps, một trong những giải siêu marathon khó nhất trên thế giới. Người tham gia phải chạy 167 km liên tục trên dãy Alps qua ba nước Pháp, Thụy Sĩ, Ý và quay lại Pháp. Mặc dù đã trải qua nhiều giải chạy, nhưng việc chạy liên tục trong bốn mươi mấy giờ không ngủ, rất lạnh khi lên những đỉnh cao trên 2.500 m so với mặt nước biển với nhiệt độ dưới -19 độ C và gió rất mạnh. Những yếu tố đấy cũng làm cho cơ thể mình kiệt quệ. Lúc đó Thanh cũng không ngờ là có sự cố xảy ra. Khi Thanh được các bác sĩ điều trị thì may mắn là kịp ổn định.

Thật ra cuộc sống có rất nhiều thử thách khác nhau. Không phải lúc nào mình cũng phải chạy những con đường với những cự ly thật dài. Bây giờ Thanh cũng đang thử thách bản thân với những mục tiêu và dự án mới.

Trong hành trình chạy qua 167 km liên tục trên dãy Alps, bạn đã phải dừng lại do sự cố về sức khỏe khi đích đến chỉ còn cách 24 km. Bạn có cho đó là thất bại? Và đối với bạn, thất bại có ý nghĩa như thế nào?

Thanh không hối hận khi không thể đi đến đích vì bản thân đã cố gắng hết mình. Chặng đường gian khó nhất với nhiệt độ xuống tới -19 độ C; gió, tuyết mù mịt và 2 đêm chiến đấu với bản thân, với thời tiết, địa hình không ngừng nghỉ, đã vượt qua được rồi. 24 km còn lại là 24 km dễ nhất trong giải nên Thanh không cảm thấy quá tiếc nuối.

Thanh rất trân trọng sự cố xảy ra, nó sẽ là một bài học về việc không bao giờ được chủ quan cho những việc tưởng chừng như đơn giản nhất là tiếp nước, tiếp điện giải và muối. Nó cũng dạy Thanh cần nhìn nhận lại bản thân và không phải lúc nào cũng tham chiến thắng. Và mình biết cái gì quan trọng nhất với mình.

Phụ nữ chúng ta có thể làm được nhiều điều hơn mình nghĩ

Nhiều người hay có suy nghĩ phụ nữ chân yếu tay mềm. Con gái lớn lên lấy chồng, sinh con đẻ cái và làm việc nhà. Và nhiều phụ nữ cũng an phận như thế. Bạn nghĩ sao về quan niệm này?

Đó là lý do Thanh muốn chia sẻ đến các bạn trẻ, đặc biệt là bạn gái rằng chúng ta có thể làm được nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ. Khi lên vùng cao, Thanh thấy có nhiều gia đình suy nghĩ cuộc sống tốt nhất cho con gái mình chỉ có thể đi lấy chồng. Các em gái học đến lớp 9, lớp 10 thì cha mẹ thúc giục bỏ học đi lấy chồng. Thậm chí có nhiều em muốn học phải bỏ nhà đi trốn. Thanh muốn quan niệm đó dần dần thay đổi đi một chút. Các em là những phụ nữ có tiềm năng. Đặc biệt là phụ nữ VN rất bền bỉ, thông minh thì ai cũng đều xứng đáng có cơ hội để có những lựa chọn tốt hơn cho cuộc đời mình.

Thanh mong qua câu chuyện của mình – một cô gái rất “bánh bèo”, yếu đuối từ nhỏ – mà có thể chinh phục được những chặng đường khắc nghiệt như thế thì các em cũng có thể vượt qua được nhiều thử thách khác trong cuộc sống.

Những chuyến trải nghiệm nơi hoang dã đã dạy cho bạn điều gì?

Đầu tiên, Thanh tham dự giải chạy qua sa mạc Atacama (Chile). Lần đó mình ấn tượng với hình ảnh một người đàn ông Hồng Kông hơn 60 tuổi, bị khuyết tật vẫn mang chân giả để chạy.

Hay như khi băng qua sa mạc Sahara có một đội gồm 14 người đến từ 3 quốc gia cùng 3 người khiếm thị. Những người khiếm thị được các thành viên khác dẫn đường để băng qua những con đường nghiệt ngã.

Những hình ảnh đó, những con người đó dạy Thanh về ý chí, sự bao dung. Giữa thiên nhiên hoang vu, không có chỗ cho sự kỳ thị sắc tộc, văn hóa hay ngôn ngữ. Ở đó chỉ có sự đoàn kết và tinh thần đồng đội.

Điều quan trọng là khi bản thân tuyệt vọng lắm rồi, khi cảm thấy cạn kiệt sức lực, mình sẽ cố một bước nữa, một bước nữa thôi. Và nếu tập trung hết sức, từng bước từng bước đó sẽ đưa mình đi xa hơn rất nhiều.

Tiểu sử

Sinh năm 1990 tại Hà Nội.

2003: Du học tại Singapore 1 năm, rồi sang Canada học trung học, vào Đại học Schulich School of Business tại Canada ngành quản trị kinh doanh quốc tế, chuyên môn ngành tài chính.

2011 – 2012: Giao lưu học sinh tại Trường Warwick, Anh quốc.

2014: Bắt đầu chạy những ki lô mét đầu tiên.

Từng làm việc tại Bloomberg LP Singapore (đến năm 2015).

Hiện là Đại sứ thương hiệu Number One, đảm nhiệm chức vụ Community Manager tại Tân Hiệp Phát và cộng sự của một dự án giải trí sắp được đưa về VN.

Dám mơ và theo đuổi điều không tưởng

Tôi quen chị Thanh qua một người bạn chung. Khoảng thời gian ấy, cả tôi và chị Thanh đều đang chuẩn bị cho giấc mơ của mỗi người, hai chị em giống như hai con người lạc giữa cuộc đời đã được lập trình sẵn.

Chị Thanh nói chuyện thành thật lắm, giản đơn lắm, khiến mọi người khi biết chị đều vừa yêu quý lại thán phục khi nghe chị tâm sự về con đường muốn đi.

Tôi hâm mộ chị vì chị thật sự là một vận động viên, không chỉ ở các hoạt động, mà còn về tâm hồn nữa, một ý chí luôn nhìn tới phía trước, luôn lạc quan, vui vẻ, không hề quản ngại khó khăn.

Nhìn vào những nỗ lực tập luyện của chị, những lần ngủ gục trên ghế hay những chấn thương phải băng bó, tôi hiểu rằng sự thành công không thể đạt được dễ dàng và lại càng cảm thấy cần nỗ lực hơn.

Chị Thanh đang truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ về thái độ dám mơ và theo đuổi điều không tưởng!

Nguyễn Mai Ngọc
(25 tuổi, làm việc trong ngành tài chính)

Tinh thần sắt đá trong hình ảnh nhỏ nhắn

Ấn tượng về Thanh là một cô gái luôn nở một nụ cười rất tươi và thân thiện. Ít ai biết ẩn giấu sau một hình ảnh nhỏ nhắn nữ tính là tinh thần sắt đá cùng với tính kiên trì vì Thanh khá khiêm tốn.

Chẳng những thường xuyên tham gia các cuộc thi, Thanh còn luôn cố gắng động viên những người xung quanh mình tham gia hoạt động thể thao và chia sẻ các kiến thức mà Thanh có.

Hoàng Lê Giang
(29 tuổi, phượt thủ)

 

(Thanhnien)

Related Posts