Phải ‘thắt lưng buộc bụng’ để xây dựng sân bay Long Thành

BVD – Hiện nay, chi thường xuyên chiếm tới 65% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng 2,2 lần so với giai đoạn trước. Việc tăng chi chủ yếu vào chi lương và phụ cấp, chiếm tới hơn 58%… Phải thực hiện “thắt lưng buộc bụng”, tinh giản biên chế trong số 4 triệu người ăn lương để có nguồn xây dựng sân bay Long Thành.
Tinh giản biên chế, tiết kiệm chi tiêu lấy tiền thực hiện giải phóng mặt bằng

Sáng nay 27.10, tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành trước Quốc hội.

Sau khi các báo cáo được trình bày trước Quốc hội, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tổ về dự án này. Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh – đã nêu quan điểm cần tinh giản biên chế, tiết kiệm chi tiêu để lấy tiền thực hiện giải phóng mặt bằng.

Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành của Chính phủ thì phải cần tới 23 nghìn tỉ đồng.

Theo ông Phạm Minh Chính, vấn đề quan trọng nhất là vốn để giải phóng mặt bằng, “với mức 23 nghìn tỉ như báo cáo Chính phủ đã nói, nhưng hiện nay lại mới dành được 5.000 tỉ từ ngân sách, còn thiếu 15 -18 nghìn tỉ đồng”.

Bởi vậy, ông nêu ra quan điểm như đã đề xuất tại kỳ họp trước, là phải tiết kiệm, bởi có những lúc chúng ta cần phải tiết kiệm và đã làm được. “Tôi nhớ khủng hoảng năm 2011, chúng ta có nghị quyết giảm 10% chi tiêu”, ông dẫn chứng.


Ông Phạm Minh Chính – đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh – tham gia thảo luận tổ sáng nay

Theo ông Chính, hiện nay chúng ta chi thường xuyên tới 65% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng 2,2 lần so với giai đoạn trước. Việc tăng chi chủ yếu vào chi lương và phụ cấp (chiếm tới hơn 58%), còn lại là chi hành chính.

Ông dẫn chứng: “Dự kiến chi năm 2017 là gần 1 triệu nghìn tỉ. Nếu tiết kiệm được 1% thì chúng ta đã có 10 nghìn tỉ rồi. Vừa rồi một số tỉnh, thành phố tiết kiệm được, như Hà Nội 2 năm vừa rồi tiết kiệm được tới 4 – 5 nghìn tỉ đồng”.

Từ đó đưa ra đề nghị phải có chính sách tiết kiệm, phải “thắt lưng buộc bụng”, mà dư địa tiết kiệm trong chi thường xuyên là được.

Ngoài những giải pháp trên, ông Chính cho rằng, cùng với các nghị quyết của T.Ư về tinh giản biên chế, từ nay đến năm 2021 chúng ta giảm 10% biên chế trong số 4 triệu người ăn lương thì sẽ làm được. Vấn đề là phải quyết tâm tiết kiệm.

“Chúng ta tiết kiệm 1% là có 10.000 tỉ, tiết kiệm 2% là có 20.000 tỉ để giải phóng mặt bằng. Chúng ta tiết kiệm mỗi năm 1%”, ông Chính nhắc lại và nhấn mạnh hiện nay, chi tiêu vẫn còn rất lãng phí. Bởi vậy, nếu Bộ Tài chính đưa ra tiết kiệm chi là sẽ giải quyết được, và mỗi địa phương chịu một chút, góp gió thành bão là làm được. “Nếu không tiết kiệm thì sẽ không có nguồn để xây dựng sân bay Long Thành”, ông nói.

Giải phóng mặt bằng phải đảm bảo lợi ích tinh thần và lợi ích vật chất

Ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm dự án giải phóng mặt bằng để xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành liên quan đến người dân, mà đã liên quan đến dân thì có hai vấn đề chính: Phải đảm bảo lợi ích tinh thần và lợi ích vật chất.

Theo đại biểu Chính, việc tuyên truyền, vận động người dân hết sức quan trọng. “Bởi nếu dân không thông thì nhiều tiền chưa chắc đã làm được, nhưng một khi dân đã thông rồi, đã đặt lợi ích chung lên trên hết thì chỉ cần đảm bảo lợi ích hài hòa, đôi khi thiệt một chút dân cũng sẵn sàng”.

Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh nói: “Đây là vấn đề lợi ích quốc gia nên rất cần đảm bảo hài hòa lợi ích của dân, của Nhà nước và của doanh nghiệp. Tôi nghĩ cần có phương án, chủ động trao đổi, thuyết phục người dân làm sao đạt được nhận thức, đồng thuận về lợi ích chung”.

Điều quan trọng nhất trong thực hiện dự án này là phải tổ chức lại cuộc sống người dân ra sao. “Bài toán này cần có tính toán rất cụ thể, phân loại các hộ dân chịu tác động trực tiếp, gián tiếp để có phương án phù hợp. Cùng với đó, phải quan tâm tới số lao động cần đào tạo, bồi dưỡng để người ta chuyển đổi nghề nghiệp; rồi số không chuyển đổi nghề nghiệp thì giải quyết thế nào. Cần phân tích, phân loại rất cụ thể mới có phương án chu đáo được”.

Bên cạnh đó, cần chú ý đến việc khuyến khích, động viên người dân chủ động tìm nơi tái định cư, Nhà nước hỗ trợ vốn. “Kinh nghiệm cho thấy làm như vậy sẽ thuận lợi hơn nhà nước tự quy hoạch xong đưa dân vào. Tất nhiên, vẫn phải quy hoạch khu tập trung để đảm bảo nhu cầu của người dân”, ông Chính nói.

Theo ông phân tích, dự án này ảnh hưởng đến 5.000 hộ dân là rất lớn. Vì thế, đối với các khu tái định cư tập trung, cần hết sức chú ý xây dựng đủ trường học, cơ sở y tế, chợ… Cần một quy hoạch tổng thể, hiện đại, phù hợp với văn hóa, cuộc sống của nhân dân tại chỗ.

Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 40 km theo hướng Đông Bắc; cách thành phố Biên Hòa khoảng 30 km theo hướng Đông Nam; gần đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, gần thị trấn Long Thành; cách cửa ngõ vào huyện Nhơn Trạch (khu đô thị phụ cận thành phố Hồ Chí Minh) khoảng 5 km và cách Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 43 km.

Tổng số trường hợp bị thu hồi đất và bị ảnh hưởng, gồm 4.864 hộ gia đình với 15.557 nhân khẩu và 26 tổ chức sử dụng đất.

Tổng diện diện tích đất dự kiến thu hồi cho Dự án là 5.586,14 ha.

Tổng mức đầu tư khoảng 23.049 tỉ đồng.

Báo cáo nghiên cứu khả thi cho hay, 21.889 tỉ đồng (chiếm 95% tổng mức đầu tư) để thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… phục vụ trực tiếp Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phân bổ cho ngân sách trung ương.

1.160 tỉ đồng (chiếm 5% tổng mức đầu tư) để thực hiện đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng hai khu tái định cư, khu nghĩa trang… UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm hoàn trả ngân sách trung ương.

Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi thì tổng mức đầu tư cho Dự án thành phần này khoảng 23.049 tỉ đồng, nhưng hiện vốn ngân sách nhà nước mới bố trí được 5.000 tỉ đồng./.

 

(motthegioi)

Related Posts