Nước Đức trước khủng hoảng chính trị chưa từng có

BVD – Việc không thể lập liên minh ba đảng cầm quyền mới của Thủ tướng Angela Merkel không chỉ khiến “người đàn bà thép” đối mặt với tương lai chính trị ảm đạm mà còn đẩy nước Đức trước những kịch bản đầy bất ổn.

Bất đồng không thể dung hoà

Nỗ lực thành lập liên minh cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel đã thất bại sau khi đối tác tiềm năng là đảng Dân chủ Tự do (FDP) rút khỏi bàn đàm phán với đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Merkel và đảng Xanh.

Chủ tịch FDP Christian Lindner tuyên bố không tiếp tục tham gia cuộc đàm phán với lý do không tồn tại “cơ sở về niềm tin” để thành lập liên minh với CDU/CSU và đảng Xanh.

“Chẳng thà không lãnh đạo chứ không lãnh đạo tồi”, ông Lindner tuyên bố. Bên cạnh đó, ông này cũng nói thêm các đảng tham gia đàm phán không chia sẻ “một viễn cảnh chung về công cuộc hiện đại hóa” nước Đức.

Thủ tướng Angela Merkel đối mặt với tương lai chính trị ảm đạm.

Ba đảng đã không thể dung hòa quan điểm trong nhiều lĩnh vực. Về môi trường, đảng Xanh muốn nước Đức từ bỏ dùng than đá càng sớm càng tốt nhưng hai đảng kia không đồng ý, vì họ e ngại nếu bỏ than đá ngay, sản xuất công nghiệp sẽ giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng.

Về nhập cư, ba đảng đã không thể nhất trí về chuyện mỗi năm nước Đức sẽ tiếp nhận bao nhiêu người tị nạn và những người nhập cư nào có quyền đưa gia đình sang Đức đoàn tụ.

Việc các chính đảng tại Đức không đạt được thỏa thuận hình thành một liên minh là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chính trị ở nước này.

Trước tình hình căng thẳng, ngày 20/11, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã lên tiếng hối thúc các đảng chính trị xem xét lại lập trường của mình và tìm ra sự thỏa hiệp nhằm thành lập một Chính phủ.

Trước đó, Thủ tướng Angela Merkel buộc phải tìm cách xây dựng liên minh cầm quyền sau kết quả bầu cử hồi tháng Chín. Đảng CDU/CSU của nữ Thủ tướng buộc phải liên minh với 2 đảng khác mới đủ đa số trong Quốc hội để thành lập Chính phủ.

Tương lai đầy bất ổn

Diễn biến trên đã đẩy nước Đức vào tình trạng phải đối mặt với những kịch bản đầy bất ổn trong tương lai. Trước hết, đó là khả năng tổ chức vòng đàm phán mới. Nữ Thủ tướng có thể đề xuất giai đoạn tạm nghỉ cho các đảng trước khi khởi động một vòng đàm phán mới.

Tuy nhiên, việc đàm phán được đánh giá khó mang lại kết quả khi mà các đảng này có quan điểm khác biệt căn bản trong vấn đề di cư, bảo vệ môi trường và quan điểm về châu Âu. Hơn nữa, việc kéo dài quá trình đàm phán cũng kéo theo rủi ro mới, đó là khiến các đảng thậm chí có thể thể hiện lập trường cứng rắn hơn.


Thủ tướng Angela Merkel cam kết sẽ đưa nước Đức vượt qua khủng hoảng
sau khi các cuộc đàm phán lập Chính phủ mới bị sụp đổ.

Một giải pháp khác mà bà Merkel có thể sử dụng là tìm kiếm đối tác liên minh mới. Về mặt lý thuyết, nữ Thủ tướng có thể liên minh với đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đối tác liên minh của bà trong 4 năm qua. Đây được xem là lựa chọn tốt nhất, bởi liên minh của bà Merkel và đảng SPD sẽ giúp giành đa số ghế tại Quốc hội Đức khi bắt tay nhau.

Có điều, sau thất bại trong các cuộc bầu cử hồi tháng Chín, ban lãnh đạo SPD đã nhiều lần nhấn mạnh họ sẽ trở thành đảng đối lập và việc liên minh với CDU dường như không thể xảy ra.

Thủ tướng Merkel cũng có thể lập Chính phủ thiểu số. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này tỏ ra không mặn mà với một lựa chọn đầy rủi ro như vậy, khi tuyên bố muốn có một Chính phủ ổn định. Lựa chọn Chính phủ thiểu số này cũng chưa bao giờ xuất hiện ở nước Đức thời hậu chiến.

Giới phân tích cho rằng, việc tổ chức các cuộc bầu cử mới vào đầu năm 2018 rồi dựa trên kết quả bầu cử mới để thành lập Chính phủ sẽ là kịch bản khả thi nhất hiện nay.

Tuy nhiên, việc tổ chức cuộc bầu cử mới hầu như không nhận được sự quan tâm của các chính đảng vì lo ngại sẽ có thêm lợi thế cho đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối cực hữu. Các khảo sát hiện cũng cho thấy, nếu tổ chức một cuộc bầu cử mới sẽ cho một kết quả tương tự, khiến những nỗ lực để thành lập một Chính phủ mới tiếp tục khó khăn.

Sự thất bại trong việc thành lập một Chính phủ của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể sẽ tác động lớn đến các cải cách của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu.

Diễn biến này không chỉ được đánh giá là một bước lùi trong nỗ lực của Thủ tướng Angela Merkel nhằm thành lập một Chính phủ liên minh do bà đứng đầu, mà còn làm dấy lên những hoài nghi về tương lai của một nền kinh tế đầu tàu châu Âu.

 

(Nguoiduatin)

Related Posts