Chính phủ Mỹ đóng cửa: Hệ lụy của ‘cuộc chiến’ chính trị

BVD – Khép lại một năm đầu cầm quyền với nhiều thành tích kinh tế ấn tượng nhưng cũng đầy tranh cãi trong các chính sách ngoại giao, việc Chính phủ Mỹ phải tạm thời đóng cửa ngay trong tháng đầu năm 2018 do hết ngân sách hoạt động có thể coi là một “nốt trầm” đối với Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Mỹ tiếp tục muốn sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran

Chính phủ Mỹ chính thức đóng cửa từ ngày 20/1 khi các nhà lập pháp của đảng Dân chủ và Cộng hòa đều không chịu thỏa hiệp trong cuộc đối đầu chính trị. Mặc dù được Hạ viện thông qua, nhưng dự luật chi tiêu tạm thời không vượt qua được “ải” tại Thượng viện với tỷ lệ phiếu sít sao, 50 phiếu ủng hộ và 48 phiếu phản đối trong khi cần tối thiểu 60 phiếu ủng hộ. Các nghị sĩ đã làm ngơ trước những nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm cứu vãn dự luật này.

Không cần bàn cãi về những hệ lụy của việc Chính phủ liên bang bị đóng cửa đối với nền kinh tế số 1 thế giới. Hàng trăm nghìn nhân viên liên bang sẽ phải nghỉ việc tạm thời và hơn 1,3 triệu quân nhân sẽ vẫn phải thực hiện nhiệm vụ nhưng không được trả lương. Các nhân viên thực thi các nhiệm vụ thiết yếu như đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh công cộng sẽ tiếp tục làm việc.

Theo ước tính, nền kinh tế Mỹ sẽ bị thiệt hại khoảng 6,5 tỷ USD nếu chính phủ bị đóng cửa chỉ trong một tuần. Goldman Sachs tính toán tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý I/2018 sẽ giảm 0,2%.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ Mỹ phải đóng cửa do “cuộc chiến” ngân sách tại Quốc hội Mỹ. Lịch sử nước này từng ghi nhận chính phủ đã phải ngừng hoạt động nhiều lần. Gần đây nhất, vào năm 2013, cơ quan hành pháp bị “tê liệt” trong 16 ngày do Nhà Trắng và Quốc hội không tìm được tiếng nói chung và không đạt được thỏa hiệp về ngân sách cho những cải cách chăm sóc y tế của Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barack Obama. Trước đó, trong hai năm 1995 – 1996, Chính phủ Mỹ cũng từng phải ngừng hoạt động 21 ngày.

Nguyên nhân khiến các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa không thể tìm được tiếng nói chung trong “cuộc chiến” ngân sách lần này là những bất đồng về chính sách nhập cư, cụ thể liên quan “Chương trình trì hoãn hành động đối với người nhập cư Mỹ khi còn nhỏ” (DACA) gắn với số phận của hàng triệu người nhập cư. Kể từ khi ra đời vào năm 2012, DACA đã bảo vệ quyền lợi cho hơn 800.000 người nhập cư trẻ tuổi được ở lại Mỹ làm việc một cách hợp pháp.

Tuy nhiên, chương trình này đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ sau khi Tổng thống Trump lên cầm quyền với chính sách mạnh tay với người nhập cư trái phép và tăng cường an ninh biên giới nhằm mang lại thêm việc làm cho người dân bản địa. Rất nhiều bang, tổ chức và cá nhân đã nộp đơn kiện nhằm bảo vệ những người thuộc diện bảo hộ của DACA sau quyết định của Tổng thống Trump. Tại Đồi Capitol, các nghị sĩ Dân chủ kiên quyết bảo vệ thế hệ “Dreamers” và gắn với thỏa thuận ngân sách, trong khi đó, đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai viện quốc hội muốn tách biệt hai vấn đề này.

Cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau về việc chính phủ phải ngừng hoạt động. Các nghị sĩ Cộng hòa cáo buộc đối thủ Dân chủ tìm kiếm một đòn bẩy cho vấn đề cải cách di cư, trong khi Dân chủ tuyên bố Cộng hòa phải chịu trách nhiệm khi đảng này được toàn quyền kiểm soát của cả chính quyền lẫn quốc hội. Một cuộc thăm dò mới của Washington Post/ABC cho thấy 48% người dân Mỹ tin rằng Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa của ông phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho tình huống “khóc dở mếu dở” này, trong khi số ý kiến chỉ trích nhằm vào những chính khách Dân chủ là 28%.

 Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Kết quả này không khiến thế giới ngạc nhiên vì chính trường Mỹ luôn là nơi phơi bày sự đối đầu giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa. Tuy nhiên, với cá nhân Tổng thống Trump, “cuộc chiến” ngân sách với chính phủ tạm đóng cửa trở thành “nối trầm” về đối nội trong năm đầu cầm quyền của ông, đặc biệt khi vai trò của ông được đề cao qua các kết quả tăng trưởng kinh tế ấn tượng của nền kinh tế số 1 thế giới. Gần 2,1 triệu việc làm mới đã được tạo ra trong giai đoạn này, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 4,1% – thấp nhất trong vòng 17 năm trở lại đây.
Tỷ lệ thất nghiệp trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi hiện là 6,8%, “mức đáy” trong suốt 45 năm qua. Điều đáng kinh ngạc hơn là thực tế trong suốt lịch sử Mỹ, chưa bao giờ tỷ lệ thất nghiệp của cộng đồng người da màu xuống dưới con số 7%. Bên cạnh đó, sức mua và lòng tin của doanh nghiệp cũng đã được cải thiện đáng kể, số người nhập cư trái phép giảm và triển vọng tăng trưởng GDP ở mức 3% cho thấy nền kinh tế Mỹ đang trên đà phát triển đáng khích lệ.Đây rõ ràng là hệ lụy của sự đối đầu mang tính truyền kiếp giữa hai lực lượng chính trị lớn nhất tại Mỹ. Cuộc chiến càng trở nên khốc liệt hơn, thế đối đầu thường xuyên trong tình trạng đỉnh điểm từ khi tỷ phú doanh nhân Trump bước chân vào Nhà Trắng sau cuộc đua gay cấn tới phút chót và hoàn toàn lật ngược thế cờ với đối thủ Dân chủ Hillary Clinton cách đây hơn 1 năm và các nghị sĩ Cộng hòa giành quyền kiểm soát Quốc hội. Từ đây mở ra câu chuyện về sự mâu thuẫn, những cuộc tranh luận nảy lửa tại nghị trường, xoay quanh các vấn đề liên quan đến chính sách, trong đó có “cuộc chiến” ngân sách.

Trên thực tế, cốt lõi của mọi vấn đề trên chính trường Mỹ hiện nay bắt nguồn từ cuộc đấu đá tranh giành quyền lực giữa hai chính đảng chi phối chính trường Mỹ, mà vấn đề cắt giảm chi tiêu, cải cách thuế hay dịch vụ y tế, chính sách di cư chỉ là những hậu quả trực tiếp trước mắt. Đảng Cộng hòa với Tổng thống Trump – lực lượng đại diện cho những người nhiều tiền trong xã hội – đang tìm mọi cách “tối đa hóa” lợi ích của giới trung lưu, dù dưới khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại” hay “Nước Mỹ trước tiên”.

Thực trạng chính trường Mỹ từ trước tới nay cho thấy khó dự luật hay giải pháp nào được thông qua suôn sẻ nếu không có sự thỏa hiệp giữa đôi bên. Tuy nhiên, bất luận vì lý do gì, cuộc đấu đá lợi ích phe phái đang diễn ra cũng đã “phủ bóng đen” lên ngày đánh dấu 1 năm cầm quyền của Tổng thống Trump, cũng như đang làm xói mòn hình ảnh nước Mỹ đối với thế giới bên ngoài.

(baotintuc)

Related Posts