Khai mạc Phiên họp mở rộng Hội đồng Kinh doanh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng

BVD – Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10) được tổ chức từ ngày 29 – 31/3/2018 tại Hà Nội, sáng 30/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao, Hội đồng Kinh doanh GMS tổ chức Phiên họp mở rộng Hội đồng Kinh doanh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng với chủ đề “Triển vọng kinh tế GMS và các động lực kinh tế mới”.

Quang cảnh phiên họp mở rộng Hội đồng Kinh doanh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng. Ảnh: TTXVN

Tham dự phiên họp có: Đại diện các nước GMS (Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam); lãnh đạo các tổ chức quốc tế, định chế tài chính như: Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, ASEAN; đại diện các đối tác phát triển; đại diện địa phương các nước GMS; đại biểu doanh nghiệp các nước GMS và ngoài khu vực.

Phát biểu khai mạc tại Phiên họp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết, với nỗ lực của các quốc gia thành viên và sự hợp tác của các tổ chức quốc tế, nhiều chương trình hợp tác GMS đã được hình thành. Chuỗi giá trị GMS đang rộng mở. Một phần tư thế kỷ qua đi kể từ khi chương trình hợp tác kinh tế GMS được khởi động, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á, có những nỗ lực cải cách và kỳ tích phát triển ở khu vực này. Quan trọng nhất là quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ, gắn liền với những thành công trong xóa đói giảm nghèo và sự phát triển bùng nổ của khu vực kinh tế tư nhân GMS 2018.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng GMS vẫn đang là vùng trũng của sự phát triển trong tương quan so sánh với ASEAN, châu Á và thế giới, xét cả trên bình diện GDP trên đầu người, kết cấu hạ tầng, khả năng công nghệ, tài chính và chất lượng nguồn nhân lực… Với vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng, với nguồn tài nguyên và nhân lực dồi dào, công cuộc cải cách và hội nhập đang diễn ra sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đang tràn tới, GMS có lợi thế phát triển trong các lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, có thể trở thành bếp ăn của thế giới, trở thành công xưởng mới của nền kinh tế thế giới, với lợi thế lao động còn rẻ và cơ cấu dân số trẻ…

Trước yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, cả cơ hội và thách thức đổi mới GMS đều vô cùng lớn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, thách thức lớn nhất của các nền kinh tế GMS về chất lượng thể chế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là phải vươn tới chuẩn mực quốc tế để có thể kết nối vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Động lực của sự phát triển trong khu vực GMS trong thời gian tới sẽ phải là tinh thần khởi nghiệp, là sự phát triển của khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khu vực doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn, các doanh nghiệp trong khu vực GMS sẽ cùng nhau chia sẻ về tầm nhìn phát triển và trao đổi về cơ hội kết nối trong tương lai. Các quốc gia trong khu vực cần đẩy mạnh hợp tác, hướng đến mục tiêu phát triển chung cho toàn khu vực, thực hiện hiệu quả các chương trình hành động, hiệp định đã ký kết.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định cộng đồng các quốc gia tiểu vùng sông Mekong đang đứng trước những cơ hội phát triển hết sức khả quan. Đây là thị trường của hơn 340 triệu dân, có nhiều sự tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ, tập quán, hết sức tiềm năng với nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, nguồn tài nguyên thiên nhiên nhiệt đới phong phú, nhiều thế mạnh về phát triển mặt hàng nông sản, có vị trí chiến lược kết nối với các khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nam Á. Khu vực đang triển khai rất tích cực các dự án phát triển hạ tầng giao thông, liên kết khai thác bền vững nguồn năng lượng điện, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy thương mại.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong cộng đồng GMS chính là tạo ra những giá trị mới để đóng góp cho tăng trưởng và thúc đẩy không chỉ cho một quốc gia mà cho các quốc gia trong khu vực. Doanh nghiệp GMS cũng cần tiếp tục hợp tác, gắn kết với nhau, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để tận dụng các cơ hội, đồng thời bổ sung, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển tạo ra nhóm các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh, từng bước tham gia vào thị trường và các quy định khác trên toàn cầu.

Với vai trò là đại diện của cơ quan Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam nói riêng và Chính phủ các quốc gia GMS nói chung đối với cộng đồng doanh nghiệp GMS và đối với các chương trình, hoạt động sắp triển khai của Hội đồng kinh doanh GMS giai đoạn tới.

Ông Oudet Souvannavong, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh GMS cho biết, Hội đồng kinh doanh GMS góp phần hỗ trợ sự hợp tác, đẩy mạnh sự phát triển của GMS trong hành lanh kinh tế, sự đối thoại cũng như hợp tác về kinh tế của các quốc gia trong khu vực đảm bảo sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp. Hợp tác GMS đẩy mạnh kết nối, thông qua các kế hoạch kêu gọi đẩy mạnh hơn nữa hành lang kinh tế kinh doanh đẩy mạnh sự tham gia của các quốc gia. Thành viên GMS coi trọng việc thúc đẩy hơn các dự án viện trợ kỹ thuật, tạo ra sự tham gia mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp trong khu vực.

Ông Oudet Souvannavong cho rằng, Hội đồng Kinh doanh GMS đang đối mặt với những thách thức và cơ hội, vì thế cần đẩy mạnh mô hình kinh doanh mới công nghệ mới, chuẩn bị những kế hoạch hợp tác kinh tế mới, giảm hàng rào thương mại, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế cũng như thương mại.

Ngay sau khai mạc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: các mô hình kinh doanh mới, quan điểm của phụ nữ khởi nghiệp và những nhà khởi nghiệp trẻ đến từ các quốc gia GMS; Kế hoạch chiến lược phát triển khu vực kinh tế tư nhân…

Theo TTXVN

Related Posts