Sức mạnh Trung Quốc trong thế trận hạt nhân Triều Tiên

BVD – Chuyến thăm bất ngờ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un tới Bắc Kinh đã làm rõ những gì đã bị quên lãng ngay giữa cơn lốc ngoại giao những tháng qua.

Theo AP, chuyến thăm bất ngờ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un tới Bắc Kinh đã làm rõ những gì đã bị quên lãng ngay giữa cơn lốc ngoại giao những tháng qua: Trung Quốc vẫn giữ một vị trí chủ chốt trong nỗ lực dừng chương trình hạt nhân Triều Tiên.

Giá trị chuyến công du đầu tiên

Giá trị của chuyến thăm này vẫn còn cần phải thảo luận, tuy nhiên, động thái này đã cho thấy ông Kim Jong-un đã không quên đồng minh quan trọng duy nhất của mình, bất chấp những bất đồng gần đây giữa hai bên, cũng như các thông báo chấn động về các cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ.

Ông Kim Jong-un, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền năm 2011, đã xóa bỏ hoàn toàn những nghi ngại lâu nay từ Trung Quốc về việc họ bị đặt ra ngoài lề trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang làm rung chuyển nền chính trị khu vực bằng cách tiếp cận với Seoul và Washington.

Sức mạnh Trung Quốc trong thế trận hạt nhân Triều Tiên - ảnh 1

Cuộc hội đàm giữa ông Kim Jong-un và Chủ tịch Tập Cận Bình được dư luận quốc tế hết sức quan tâm.

Trong khi thể hiện được quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, Triều Tiên cũng có thể gửi một thông điệp đến Washington và Seoul, cho thấy họ có những lựa chọn khác nếu các hội nghị thượng đỉnh sắp tới sụp đổ.

Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA của Triều Tiên cho biết, hai nhà lãnh đạo trao đổi ý kiến sâu sắc về quan hệ song phương và môi trường an ninh trên Bán đảo Triều Tiên. KCNA nói rằng, ông Kim kêu gọi “liên kết chiến lược” và ” hợp tác chiến lược và chiến thuật” mạnh mẽ hơn  nhằm tăng cường sự đoàn kết và hợp tác giữa các đồng minh truyền thống và đưa mối quan hệ hai bên lên tầm cao mới.

Cũng có thể cuộc gặp của ông Kim và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được lên kế hoạch trước tiến trình xúc tiến quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington cùng Seoul. Kim Dong-yub, một nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Seoul cho biết, một hội nghị thượng đỉnh là kết quả có thể đoán trước giữa hai nhà lãnh đạo này khi cả hai bên tin rằng họ đã hoàn thành việc củng cố quyền lực trong nước và chuyển sự tập trung sang ổn định quan hệ đối ngoại.

Vị thế Trung Quốc trong thế trận ngoại giao Triều Tiên

Sau tất cả,  Trung Quốc vẫn là đồng minh lớn cung cấp viện trợ, hỗ trợ về thương mại và ngoại giao quan trọng giúp Bình Nhưỡng và nền kinh tế khó khăn của họ vẫn duy trì được cho tới thời điểm hiện tại. Do mối quan hệ chặt chẽ này, Bình Nhưỡng sẽ tham vấn với Bắc Kinh trước bất kỳ phương pháp tiếp cận nào của phương Tây.

Ông Koh Yu-hwan, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Dongguk, Hàn Quốc nói: “Triều Tiên hoàn toàn tin tưởng rằng việc duy trì mối quan hệ truyền thống với Trung Quốc sẽ tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đối với Hoa Kỳ. Ngay cả khi tình hình xung quanh các cuộc đàm phán với Seoul và Washington đang diễn ra tốt đẹp cho Triều Tiên, họ vẫn vẫn cần sự giúp đỡ của Trung Quốc và nếu tình hình không thành công, Triều Tiên chắc chắn lại càng cần sự hỗ trợ của Bắc Kinh”.

Cũng có thể là Triều Tiên đang nhận ra một số thực tế khó khăn.

Sự tiếp xúc ngoại giao của Triều Tiên với Hàn Quốc và Hoa Kỳ diễn ra sau một năm nước này leo thang bất thường các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Chiến lược hiện nay của Bình Nhưỡng được xem như là một nỗ lực để cải thiện nền kinh tế đang gặp khó khăn – trước đó đã bị ảnh hưởng nặng  nề từ các biện pháp trừng phạt. Những động thái từ Triều Tiên cũng đã phần nào khiến mối quan hệ đồng minh với Bắc Kinh bị ảnh hưởng.

Mặc dù quan hệ liên minh đã kéo dài hàng thập kỷ, được thử thách quan cuộc Chiến tranh liên Triều 1950-53, Trung Quốc vẫn có một vai trò rất quan trọng trong việc gây áp lực quốc tế chống lại Triều Tiên về chương trình hạt nhân. Bắc Kinh cũng đã ký thông qua các biện pháp trừng phạt ngày càng nghiêm ngặt của Liên hợp quốc nhằm vào Bình Nhưỡng. Những động thái trừng phạt mạnh mẽ hơn của Trung Quốc trong những tháng gần đây – bao gồm các hạn chế về cung cấp dầu – có thể gia tăng đáng kể nhu cầu của Triều Tiên nhằm tìm kiếm một bước đột phá ngoại giao.

“Vậy chuyện tiếp theo có thể sẽ là những diễn biến giữa ông Kim Jong-un và Nga?” nhà phân tích Kim Dong-yub đưa ra câu hỏi.

Lợi ích của Trung Quốc?

Còn đối với Bắc Kinh, họ muốn được nhìn nhận như là người bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực và là một đối thủ lớn trong ngoại giao thế giới – khi tính tới cuộc cạnh tranh với Hoa Kỳ về ảnh hưởng ở châu Á.

Tuy nhiên, họ cũng có những lợi ích riêng của mình. Trung Quốc không vui về việc có một mối đe dọa hạt nhân đang nổi lên ngay trước ngưỡng cửa của mình, nhưng cũng không muốn nhìn thấy một sự sụp đổ của chính phủ láng giềng – lâu nay được Bắc Kinh coi là một vùng đệm chống lại ảnh hưởng của Mỹ và Hàn Quốc.

Trung Quốc lâu nay luôn ủng hộ khôi phục đối thoại –song hành với tiến trình đàm phán 6 bên liên quan, gồm nước này, Triều Tiên, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga; cùng với việc tạm dừng các cuộc tập trận Mỹ-Hàn cũng như các chương trình thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Nếu các cuộc đàm phán của Triều Tiên với Triều Tiên và Hoa Kỳ tan rã, Bình Nhưỡng có thể sẽ lại phô diễn khả năng vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình.

Du Hyeogn Cha, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, cho biết trong trường hợp đó, Bình Nhưỡng sẽ tìm kiếm sự cam kết của Trung Quốc để hỗ trợ họ trong tương lai, hoặc ít nhất là một lời hứa sẽ không có động thái quá cứng rắn với nước này khi họ tiếp tục thử vũ khí.

Related Posts