Hội đàm liên Triều: Thông điệp từ cà vạt tới chiếc ghế ngồi

BVD – Cuộc hội đàm ngày 27/4 đầy ắp những thông điệp chính trị mà hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc – Triều Tiên gửi tới người đối diện cũng như người dân trong nước và cộng đồng quốc tế.

Những biểu tượng hòa bình của thượng đỉnh liên Triều Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh lịch sử giữa ông Kim Jong Un và ông Moon Jae In ngày 27/4 cho thấy nhiều biểu tượng hòa bình, thống nhất và hữu nghị.

Một cái bắt tay xuyên qua đường phân giới quân sự được vũ trang hùng hậu nhất thế giới. Một cuộc trò chuyện tay đôi riêng tư trên cây cầu sơn màu thống nhất mà nội dung không được tiết lộ. Qua một ngày đầy ắp sự kiện và không thiếu bất ngờ, hai “kẻ thù” lâu năm tuyên bố hướng tới hòa bình sau những năm tháng gầm ghè đe dọa lẫn nhau.

Cuộc hội đàm thượng đỉnh hôm 27/4 có thể được xem như một màn trình diễn thượng thặng về ngoại giao. Hầu như mọi bước đi, mọi cử chỉ của hai nhà lãnh đạo đều được chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm tối đa hóa sức ảnh hưởng về chính trị khi được truyền hình trực tiếp tới người dân toàn thế giới. Trong bối cảnh bế tắc nguy hiểm đã kéo dài nhiều năm, những hình ảnh nồng ấm giữa Tổng thống Moon Jae In và nhà lãnh đạo Kim Jong Un mang lại những hy vọng, dẫu kết quả thực tế thì ít ỏi và rất mơ hồ, về tương lai hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Cuộc gặp mặt khác thường

Ngày trọng đại của hai miền Triều Tiên khai mạc khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Moon Jae In lần lượt bước sang “lãnh địa” của đối phương. Sau chuyến “viếng thăm” Triều Tiên bất ngờ của ông Moon, hai nhà lãnh đạo tay trong tay tiến về Nhà Hòa bình, chuẩn bị cho cuộc họp kín.

Điểm nhấn cho ngày gặp mặt giữa ông Kim và ông Moon diễn ra vào buổi chiều khi hai nhà lãnh đạo ngồi trò chuyện trên cây cầu chỉ vừa được sơn màu thống nhất. Dưới sự quan sát chăm chú của phóng viên hàng chục hãng thông tấn, hai nhà lãnh đạo có 30 phút trò chuyện, không ghi âm, không trợ lý, và nội dung hoàn toàn bảo mật.

Hoi dam lien Trieu: Thong diep tu ca vat toi chiec ghe ngoi hinh anh 1
Tay trong tay, Tổng thống Moon Jae In và nhà lãnh đạo Kim Jong Un giống như những thành viên của một gia đình bị chia cắt nay đã được đoàn tụ. Ảnh: Reuters.

Hoàn toàn không mang dáng dấp của những kẻ thù truyền kiếp, hai người một già một trẻ hiện lên trước ống kính truyền thông như hai thành viên của một gia đình bị chia cắt với thời gian bằng một đời người. Họ trò chuyện riêng, mặt đối mặt, cuộc đối thoại mà nhiều tháng trước người ta cho rằng bất khả thi.

Là những bậc thầy về truyền tải thông điệp chính trị, hai nhà lãnh đạo đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình trên sàn diễn “hội đàm”. Có những lúc họ phô diễn quyền lực cá nhân, như cái cách ông Kim Jong Un trở về phía Bắc trong giờ nghỉ trưa với sự hộ tống của 12 cận vệ. Ở thời điểm khác, hai nhà lãnh đạo tán dương bức họa núi Kumgang, địa danh mang tính biểu tượng trong văn hóa hai miền, hay cùng chiêm ngưỡng bức thư pháp bảng chữ cái của dân tộc Triều Tiên.

Những hội nghị thượng đỉnh thường diễn ra thầm lặng và bàn thảo những vấn đề bí mật. Được tổ chức trong những căn phòng cửa đóng then cài, thông tin tiết lộ cho công chúng thường sáo rỗng và mơ hồ. Tuy nhiên, cuộc gặp hôm 27/4 của lãnh đạo Hàn – Triều hoàn toàn trái ngược, khi nhiều hoạt động diễn ra công khai trong ánh nắng mùa xuân mà Tổng thống Moon Jae In miêu tả đang “tràn ngập đất nước Hàn Quốc”.

Mọi chi tiết đều truyền tải thông điệp chính trị

Buổi sáng ngày hội đàm đầy ắp những cử chỉ ngoại giao được lên kế hoạch kỹ lưỡng, với những nụ cười niềm nở, những cái bắt tay nồng ấm, và thậm chí cả một lời nói đùa về những vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng làm tổng thống Hàn Quốc giật mình tỉnh giấc mỗi sáng. Xen giữa khung cảnh ngoại giao hiện đại là màn diễu hành truyền thống, với những vệ binh danh dự khoác lên mình trang phục của thế kỷ 19, gợi nhớ lại thời kỳ bán đảo Triều Tiên chưa bị chia cắt bởi chiến tranh và khác biệt ý thức hệ.

Cuộc gặp thượng đỉnh trở nên thân mật hơn khi lãnh đạo hai miền bước vào phòng họp kín. Phía sau cánh cửa đóng chỉ có Tổng thống Moon Jae In, nhà lãnh đạo Kim Jong Un và hai quan chức từ mỗi bên.

Một trong nhiều khoảnh khắc ấm áp giữa lãnh đạo hai miền là khi ông Moon tiết lộ em gái ông Kim, cô Kim Yo Jong, nay đã trở nên nổi tiếng tại Hàn Quốc sau chuyến ra mắt ấn tượng tại Olympics PyeongChang. Lời nhận xét của ông Moon khiến phái đoàn hai bên bật cười, còn tiểu thư nhà họ Kim thì đỏ mặt.

Hoi dam lien Trieu: Thong diep tu ca vat toi chiec ghe ngoi hinh anh 2
Tổng thống Moon Jae In và nhà lãnh đạo Kim Jong Un cùng trồng cây thông “Hòa bình và thịnh vượng”. Ảnh: AFP.

Trang phục lãnh đạo Hàn – Triều sử dụng tại cuộc hội đàm cũng gửi đi những thông điệp chính trị rất rõ ràng. Tổng thống Moon Jae In với bộ âu phục tối màu cùng cà vạt xanh nước biển, trùng với màu lá cờ thống nhất được hai miền sử dụng mỗi dịp vận động viên hai nước sát cánh tại những sự kiện thể thao quốc tế.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong Un trung thành với bộ quần áo theo phong cách Mao Trạch Đông, một thông điệp đối nội khẳng định sự gắn bó của ông với lý tưởng, cũng như trang phục, của ông nội Kim Nhật Thành, nhà lập quốc của Triều Tiên.

Bên trong Nhà Hòa bình, nơi cuộc hội đàm diễn ra, ngay cả trang trí nội thất cũng được phục vụ cho mục tiêu chính trị của cuộc gặp. Xung quanh chiếc bàn bầu dục với bề rộng chính xác là 2,018 m đánh dấu năm 2018, những chiếc ghế được bày biện như hình hai cây cầu kết nối với nhau từ hai phía.

Ghế ngồi cho hai nhà lãnh đạo mang thiết kế của bán đảo Triều Tiên, trong đó có chạm khắc đảo Jeju và Dokdo ở phía trên phần tựa. Bức tường phía sau bàn họp được treo tranh vẽ núi Kumgang, ngọn núi biểu tượng cho hòa giải và hợp tác liên Triều.

Một trong những hoạt động mang đậm tính biểu tượng của hòa hợp, hòa giải diễn ra khi hai nhà lãnh đạo cùng nhau trồng và tưới nước cho một cây thông.

Ông Moon dùng đất lấy từ núi Paektu và nước từ sông Daedonggang của Triều Tiên, trong khi ông Kim lấy cát từ đảo Jeju và nước từ sông Hangang của Hàn Quốc để vun vén cho cây thông có tuổi đời từ năm 1953, cũng là năm chiến tranh liên Triều tạm ngừng theo hiệp định đình chiến ký kết chính tại Bàn Môn Điếm.

Khi một rừng camera hướng về hai nhà lãnh đạo, tấm vải trắng được gỡ xuống, hòn đá kỷ niệm in tên cây thông liên Triều hiện lên với dòng chữ: “Hòa bình và thịnh vượng”. 7 thập kỷ trước, Bàn Môn Điếm là biểu tượng của chiến tranh và chia cắt. Nay, làng đình chiến trở thành biểu tượng của một thời kỳ mới mà Tổng thống Moon Jae In miêu tả là tràn ngập “hòa bình và hữu nghị”.

 

(Zing)

.

Related Posts