Trung Quốc: Đua nhau học làm CEO từ thuở lên 3

BVD – Từ độ tuổi mới lên 3, trẻ con một số gia đình có điều kiện ở Trung Quốc đã được huấn luyện phát triển các kỹ năng sống như lớp học đánh golf, học làm Chủ tịch Hội đồng quản trị hay Tổng Giám đốc điều hành (CEO)… Hiện giờ nhiều bậc cha mẹ ở Trung Quốc tin rằng chỉ số cảm xúc (EQ) quan trọng hơn chỉ số thông minh (IQ) nếu muốn thành công trong cuộc sống.

Ngồi trong lớp học của Trung tâm LeederEDU, cô bé Lee Zixi 4 tuổi được học làm thế nào để không lúng túng khi bắt tay người lạ và tự tin giới thiệu bản thân. Trong khi đó, cô bé Guo Zi Ling, 3 tuổi đang làm quen với cây gậy đánh golf cao bằng đầu mình. Đây chỉ là một vài trong số rất nhiều trẻ tại Quảng Châu, một trong những thành phố giàu có nhất Trung Quốc đang được đào tạo để có được nền tảng xã hội tốt nhất sau này.

ảnh 1

Bố mẹ cho con tuổi mẫu giáo vào các lớp đào tạo sớm để mong thành công hơn trong tương lai

Tìm đến chuyên gia luyện trẻ mẫu giáo

Mỗi tuần, bé Zixi tham dự một buổi đào tạo tại LeederEDU để có thể định hình phẩm chất của một giám đốc điều hành duyên dáng trong tương lai. Cha cô bé, Lee Shao Hao đăng ký cho con mình vào lớp này để cải thiện sự nhút nhát của cô bé. “Tôi cảm thấy cần phải có những chuyên gia có hiểu biết khoa học truyền đạt những kỹ năng này cho con bé. Trước đây, nó không vui vẻ với người thân trong gia đình. Hiện giờ con bé bắt đầu tương tác với chúng tôi, thậm chí còn hỏi chúng tôi ăn chưa hay công việc thế nào”. Những bài học này có giá không hề rẻ, học phí khoảng 8.000 USD/năm.

Lớp học đánh golf cũng vậy, được xem như một phần chương trình đào tạo EQ. Tại câu lạc bộ golf Foison nơi Zi Ling đang học các môn thể thao, cũng là nơi mẹ cô, bà Li Wen Qing là Chủ tịch, mỗi gia đình phải chi 150 USD/tháng để gửi những đứa trẻ tuổi mới chập chững biết đi đến học. “Chỉ duy nhất golf là môn thể thao đòi hỏi cách cư xử hoàn hảo cũng như tư duy chiến lược đồng thời khuyến khích kỷ luật tự giác, thậm chí cả uy tín để tỏa sáng trong những tình huống giao tiếp xã hội”, bà Li Wen Qing nói.

Người chơi golf dưới 10 tuổi là một trong những nhóm phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc. Thậm chí, đây còn là môn học bắt buộc ở nhiều trường tiểu học. Cũng bởi vậy mà câu lạc bộ golf Foison có kế hoạch chào mời tất cả các trường mầm non tốt nhất trong quận tham gia hợp tác. “Chúng tôi sẽ hợp tác với các trường mẫu giáo quanh đây, vì thế có thể sẽ có cả những học viên chưa đầy 3 tuổi”, giáo viên Ding You Xiong năm nay đã ngừng các lớp dạy người lớn để chuyên huấn luyện cho trẻ nhỏ nói.

ảnh 2

Bé Hu Zhan Hua (3 tuổi) học làm quen với xe ô tô Audi

Kỹ năng sống – bí quyết thành công tương lai

Tại Thâm Quyến, trẻ em có một buổi thực nghiệm khám phá một showroom của hãng xe Audi. Chúng nhảy khắp trên bộ ghế da và bò vào ghế lái. Mục đích của hoạt động này là giúp các em trải nghiệm nghề nghiệp và nơi làm việc khác nhau. Lớp học được tổ chức bởi nhóm giáo dục sớm Gymboree, một trong số ít thương hiệu toàn cầu ở Trung Quốc với phương châm giáo dục kỹ năng sống thay vì kỹ năng học tập.

Bố mẹ của cậu bé Hu Zhan Hua, 3 tuổi đã chi trả 60 USD để con mình được tiếp cận với những chiếc xe sang trọng nhất. Đó là một cách thử xem con trai họ có hứng thú với chiếc xe trong tương lai hay không. Họ cũng đã thử cho con mình những trải nghiệm nghề nghiệp khác từ phòng cháy chữa cháy đến ngân hàng, bán hàng để xem cậu bé thích gì. “Chúng tôi để con mình trải nghiệm mọi thứ… Điều đó mở ra tầm nhìn thế giới cho bé”, chị Chen Yi Xi, mẹ của bé Hu Zhan Hua cho biết. Gia đình này chi hơn 11.000 USD, tương đương với 1/5 thu nhập hàng năm của họ cho các lớp ngoại khóa của Zhan Hua. “Nếu bỏ lỡ thời kỳ hoàng kim này, bạn có thể mất gấp 10 đến 20 lần số tiền đó trong tương lai mà vẫn không nhận được kết quả tương tự”, chị Chen nói.

Theo một báo cáo năm 2014, 78,2% các bậc cha mẹ Trung Quốc cho rằng EQ quan trọng hơn IQ cho sự nghiệp tương lai của con em mình và việc phát triển EQ cho trẻ càng sớm càng tốt. Do đó các bậc cha mẹ sẵn sàng chi trả cho một loạt khóa đào tạo EQ. Tại LeederEDU, trẻ được khuyến nghị học từ tuổi lên 3 nhưng một số trẻ 2 tuổi đã được cha mẹ cho học. Những “CEO tương lai” này sẽ tốt nghiệp khóa học vào 6 tuổi sau khi học được những điều căn bản về giao tiếp xã hội.

Giám đốc điều hành của LeederEDU, ông Wei Yong An cho biết, họ khai trương các lớp học này từ năm 1999, khi thấy nhu cầu giáo dục sớm nở rộ. “Trong quá khứ, chúng ta luôn tin tưởng rằng cứ học tốt sẽ thành công. Nhưng trên thực tế, ai cũng cần phải có nhiều kỹ năng mềm hơn để thành công. Đối với các giám đốc điều hành tương lai và thậm chí cả trẻ em, những kỹ năng tốt nhất là khả năng tự học, tự quản lý, hợp tác, cạnh tranh và gây ảnh hưởng đến người khác theo hướng của mình”, ông Wei Yong An nói.

Nhiều bậc cha mẹ ở Trung Quốc tin rằng chỉ số cảm xúc (EQ) quan trọng hơn chỉ số thông minh (IQ) nếu muốn thành công trong cuộc sống. Đó là lý do tại sao một số phụ huynh đã bỏ ra một khoản đáng kể mỗi tháng để con nhỏ mới chập chững biết đi đã được học kỹ năng sống.

Đâu là căn cứ khoa học?

Nhưng liệu các bậc cha mẹ có nên lo lắng về việc đứa con 3 tuổi của mình quản lý cảm xúc thế nào hay cứ để tự nó giải quyết vấn đề khi lớn lên? Tại Viện Khoa học lâm sàng Singapore, bà Stella Tsotsi đã nghiên cứu về mối liên quan giữa sự phát triển lúc nhỏ với những thành công sau này trong cuộc đời. Bà tin rằng, từ cách trẻ em đối mặt với sự thất vọng, những tình huống sợ hãi và thậm chí cả cách thể hiện niềm vui, có thể biết chúng sẽ học hành và giao tiếp xã hội như thế nào trong tương lai. “Có những điều chúng ta học được từ lúc rất nhỏ, đó hoàn toàn có thể là phong cách phản ứng theo bạn suốt tuổi trưởng thành”, nhà nghiên cứu Stella Tsotsi nói.

Chuyên gia mầm non Gao Shou Yan, thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cho biết, giai đoạn từ 3-6 tuổi là giai đoạn rất tốt trong cuộc sống để học về cảm xúc xã hội.

Bà tin rằng, những người chăm sóc trẻ như cha mẹ và ông bà là một phần nguyên nhân khiến cho đứa trẻ nghèo năng lực cảm xúc. Trẻ em góp nhặt hiểu biết xã hội từ những người xung quanh, nhưng nhiều phụ huynh thiếu kỹ năng xã hội, thậm chí còn không thể quản lý được cảm xúc của chính họ.

Hãng Karmagenes, Thụy Sỹ cho rằng năng khiếu hay tính cách của một đứa trẻ đều nằm trong ADN. Một trong những tài liệu quảng cáo của công ty này tuyên bố rằng, nhà đồng sáng lập Apple Steve Jobs đã biết tính cách con gái của ông sẽ như thế nào khi con mới 14 tháng tuổi. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, những gene nhất định có liên quan đến những phẩm chất nhất định, vì thế bằng cách đọc bản đồ gene, Karmagenes hứa hẹn rằng có thể nói cho khách hàng biết nhiều hơn về bản thân, bao gồm cả công việc, sự nghiệp mà họ sẽ làm tốt nhất, phù hợp với tính cách của họ.

Trong khi đó, Giáo sư tâm lý học Richard Ebstein thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cũng đồng tình rằng đặc tính của một con người, chẳng hạn như sự quyến rũ một phần là do gene quy định. “Cho dù bạn thích đi trên tàu lượn hay không, 50% là do gene của bạn. Có nghĩa là bạn có thể có một gene thích tìm kiếm sự mới lạ, mạo hiểm hay cảm giác gay cấn”. Tuy vậy, Giáo sư Ebstein cho rằng, thử nghiệm gene của một ai đó cũng không nói chắc được điều gì bởi gene chỉ quyết định 1% đặc tính cụ thể và các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới chưa xác định đủ gene để tạo ra một dự đoán chính xác về tính cách con người. “Đến 4-5 tuổi, những người gần gũi nhất với trẻ có thể phần nào dự đoán tính cách của trẻ mà không cần phải thử nghiệm gene”.

 

(ANTD)

Related Posts