Chừng nào lương chưa đủ sống thì cán bộ còn tham nhũng ?

BVD- Cán bộ công chức Việt Nam lương thấp hơn thu nhập xe ôm đó là điều bất hợp lý. Nhưng không thấy quan chức nào ” rời ghế ” ra làm xe ôm mà ngược lại rất nhiều người phải bỏ ra hàng tỷ đồng để ” mua ” được vị trí ngồi chỗ đó. Bởi họ biết chắc chắn nơi ấy có điều kiện để nhận hối lộ, trục lợi cá nhân gấp nhiều lần nghề xe ôm .

Từ Hội nghị Trung ương 7, nhiều chuyên gia nhận định đã có bước đột phá, tuy nhiên:

Cải cách tiền lương, cần nhưng chưa đủ 

Đề án cải cách chính sách tiền lương cũng được giới chuyên gia đánh giá là một hướng đi đúng. Theo đó, các cơ quan, đơn vị công lập sẽ được khoán quỹ lương, những khoản thu nhập ngoài lương bị xoá bỏ. Trung ương nhấn mạnh, việc cải cách chính sách tiền lương nhằm sớm xây dựng hệ thống tiền lương khoa học, minh bạch, phù hợp với thực tiễn, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Ông Brown nhận định: “Chừng nào cán bộ nhà nước lương còn chưa đủ sống, chừng đó đừng nói tới chuyện chống tham nhũng. Tăng cường giám sát, cải thiện hệ thống lương cho khu vực công phải luôn đi đôi như chính sách cây gậy và củ cà rốt”.

Tuy nhiên, Giáo sư McCornac cũng cảnh báo: “Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy ở các nước phát triển, chỉ tăng lương cho các khu vực công thì sẽ chưa đủ để giảm tham nhũng. Nó còn đòi hỏi phải có những thay đổi về xã hội và văn hoá”.

Để giải quyết một nền văn hoá chung chi đã ăn sâu ở Việt Nam, ông McCornac cho rằng thái độ của người dân đối với tham nhũng cũng cần thay đổi. Khi còn sinh sống và làm việc tại Việt Nam vào thập niên 1990, ông McCornac thường xuyên phàn nàn về thái độ lái xe bất cẩn của các tài xế. Câu trả lời ông thường nhận được là: “Việt Nam mà” như thể đó là một phần tất yếu.

Ông kết luận: “Nhưng rõ ràng là mọi chuyện đã có chuyển biến khi luật pháp nghiêm minh hơn. Hiện nay, khi nói đến văn hóa chung chi, thái độ của mọi người vẫn còn là ‘Việt Nam mà’. Khi luật pháp, công cuộc chống tham nhũng đã được triển khai và vào guồng, thái độ này của người dân cũng cần thay đổi theo: Không chấp nhận việc chung chi là một phần tất yếu của cuộc sống nữa”.

Ngoài cải cách tiền lương ở khu vực công, Hội nghị Trung ương 7 cũng thông qua đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Tất cả cùng nhằm mục đích: Bảo vệ người yếu thế. Theo đó, tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người hưởng lương và gia đình họ; trả lương đúng chính là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động.

Trung ương cũng xác định, trong thời gian tới, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách để bảo hiểm xã hội thực sự trở thành một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.

Ông Murray Hiebert, chuyên gia Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định: “Cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội cùng lúc một mặt góp phần chống tham nhũng, nhưng cũng quan trọng không kém là hỗ trợ cho tầng lớp bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh bất bình đẳng xã hội ngày một tăng. Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nếu như kinh tế suy thoái và đói nghèo gia tăng”.

 

Huy Thắng, biên tập

Related Posts