Người Đức kể : Bác Hồ thăm trường học sinh Việt Nam ở Moritzburg (Dresden, Đức)

BVD- Trước thềm Đại sứ quán Việt Nam và BCH Hội Đồng hương Nghệ An tại CHLB Đức đếm thăm và đặt vòng hoa tại khu vườn tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đến  thăm trường học sinh Việt Nam ở Moritzburg (Dresden, Đức), chúng tôi đăng lại bài viết của ông Trần Đương ghi lại lời kể của ngài Konrad Buettner- một chiến sĩ công an Đức bảo vệ Bác Hồkhi Người thăm chính thức CHDC Đức 1957 . 

Một chi tiết rất cảm động mà cả cụ Buettner và tôi đều được chứng kiến, khi Bác Hồ về thăm trường học sinh Việt Nam ở Moritzburg, T.P Dresden. Đó là ngày 29-9, một ngày hết sức rộn rịp, đến bầu trời và mặt hồ bên lâu đài cổ kính cũng dường như xanh hơn, mát hơn. Để đón Bác, từ nhiều hôm trước thầy trò chúng tôi đã phân công dọn dẹp trường sở, các ngả đường, sân bãi, chuẩn bị văn nghệ và cùng nhau làm biểu ngữ với đủ màu sắc. Nhà trường cho xây dựng một lễ đài trên sân, treo bức vẽ chân dung rất lớn của Bác, ở giữa Quốc kỳ và Quốc huy hai nước Việt Nam – Cộng hòa Dân chủ Đức. Trên lễ đài có một chiếc ghế danh dự dành cho Bác, nhưng Người đã trân trọng mời cụ Buchwitz ngồi vào đó. Lúc bấy giời, cụ Otto Buchwitz là Thủ tướng bang Sachsen và là đại biểu Quốc hội cao tuổi nhất của Cộng hòa Dân chủ Đức. Cụ Buchwitz từ chối, cụ ngồi vào chiếc ghế bên cạnh, nhưng Bác Hồ đã mời bằng được.

 

Bác Hồ với hải quân Đông Đức chụp tại vịnh Stralsund, 1957Bác Hồ với hải quân Đông Đức chụp tại vịnh Stralsund, 1957

 

Sự quan tâm của Bác Hồ với cụ Buchwitz được thể hiện ngay từ lúc xuống xe để bước vào trường. Giữa không khí náo nhiệt của mấy trăm con người đang sung sướng reo lên, tay tung cờ, hoa và bóng bay đủ màu, Bác vẫn không quên hỏi ngay bằng tiếng Đức: “Wo ist mein Freund Otto Buch witz?” (có nghĩa là: Ông bạn Otto Buchwitz của tôi đâu?).

 

Người khoác tay cụ Buchwitz, hai nhà cách mạng lão thành sống bước bên nhau. Sau giây phút mời được cụ Buchwitz vào chiếc ghế danh dự, và cũng sau tiếng reo hò có phần nào lắng xuống, Bác Hồ bước đến trước ống micrô và tươi cười nói với các cháu của mình:

 

“Các cháu có biết bác Otto Buchwitz  là ai không? Suốt cả đời mình, bác đã tận tuỵ cống hiến cho nhân dân lao động Đức và nay 78 tuổi rồi, bác vẫn hoạt động, đặc biệt là vẫn chăm sóc cho các cháu đấy…”.

 

Nghe thấy vậy, mọi người vỗ tay nhiệt liệt. Bác lại tiếp tục giới thiệu các vị cùng đi với mình. Vui nhất là khi chỉ tay về một thiếu tướng và một đại tá, Bác tươi cười nói:

 

“Hai chú mặc quân phục đẹp nhất kia là sỹ quan cao cấp của quân đội nhân dân Đức đấy. Các chú ấy có nhiệm vụ bảo vệ Bác và bảo vệ cả các cháu nữa đấy!”.

 

Trong khi trò chuyện với cụ Buettner, tôi để ý nhiều lần cụ nói:

 

– Tôi cảm nhận rằng Bác Hồ là người rất tình nghĩa. Dường như Người không quên một ai, dù người đó gặp Bác đã lâu, rất lâu. Chẳng hạn, về đến Dresden, biết là nơi hoạ sỹ Erich Johansen đang sinh sống, Người hỏi thăm và tỏ ý muốn gặp lại sau 33 năm xa cách, nhưng dịp ấy họa sỹ có việc phải đi nước ngoài. Việc Người gợi ý thăm hỏi và gặp gia đình người con nuôi cũng là một cử chỉ làm xúc động hàng triệu trái tim, bởi ai cũng biết Người rất bận.

 

Nghe cụ Buettner nói, tôi lại nhớ đến các cuộc gặp riêng giữa Bác Hồ và các vị là bạn chiến đấu cũ như Willhelm Pieck mà chúng ta đã biết, như Max Reimann, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đức, ông bà Thủ tuớng Otto Grotewohl hay Friedrich Ebert, Thị trưởng thành phố Berlin.

 

Với tiến sỹ Johann Dieckmann, Chủ tịch Quốc hội, một nhà trí thức đầy nhiệt tình yêu nước và được biết như một lãnh tụ ưu tú của Đảng Dân chủ Tự do Đức (LDPD), Bác Hồ cũng có những giờ phút tiếp xúc riêng hết sức cởi mở, chân tình. Tiến sỹ đã tự tay rót nước cam mời Bác, châm lửa cho Bác hút thuốc. Ông đã trân trọng trao tặng Người một chiếc hộp mạ vàng, chạm trổ câu chuyện cổ tích của nước Nga: “Anh chàng Ivan và nhà vua”. Sau cuộc gặp tại nhà Quốc hội, hai vị ôm hôn nhau thắm thiết, Chủ tịch Dieckmann tiễn Người ra đến tận nơi ô tô đỗ, đích thân chuyển bó hoa đẹp vào ô tô và đứng vẫy vị Chủ tịch của nước Việt Nam anh hùng cho đến lúc đoàn xe đi khỏi.

 

Thị trưởng Friedrich Ebert, sau này là Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương đảng, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức, trong một lần tiếp tôi tại Văn phòng Trung ương Đảng tại Berlin, nhiều lần gọi Bác Hồ là “Cha Hồ” và nói rằng ông “còn ghi sâu trong trí nhớ của mình cái dáng đi nhanh nhẹn, hoạt bát và nụ cười trìu mến của Người”. Ông nói:

 

– Tôi rất sung sướng ôm hôn Người, nắm chặt bàn tay của Người – mà tôi có cảm tưởng như Người đã bước ra từ câu chuyện truyền thuyết về đây bằng da bằng thịt.

 

Ông coi việc Bác Hồ đến thăm tòa thị chính không phải là cuộc thăm hỏi theo nghi lễ mà là một cuộc gặp thân mật giữa những người anh em, những người đồng chí thân thiết nhất, “làm cho hai thủ đô, hai đất nước dù xa nhau hàng nghìn dặm, giờ đây trở nên gần gũi như trong tấc gang”. Trong không khí thân tình như trong gia đình, Thị trưởng không ngần ngại kể với Bác Hồ rằng, khi mới về thành phố Berlin sau giải phóng, ông “không có gì hết, ngoài một bộ quần áo mặc trên người”. Cũng vì thân tình như thế, Bác Hồ nhắc lại những lần sang Berlin, sang Đức trong thời kỳ hoạt động bí mật, với tư cách đại diện của Quốc tế Cộng sản. Các vị lãnh đạo thành phố Berlin tỏ ý mong muốn tìm lại những nơi ngày xưa Bác ở, những nơi Người qua lại và những người đã từng hoạt động với Bác để gộp thêm tư liệu, di tích về cuộc đời cách mạng của Người. Bác Hồ chăm chú xem một số hình ảnh về cảnh hoang tàn, đổ nát của thành phố trong chiến tranh thế giới thứ II. Người có nói với các vị lãnh đạo Berlin rằng, ngày bí mật sang Đức đã bị mật thám Đức theo dõi rất sít sao, nếu còn hồ sơ thì sẽ có nhiều chi tiết về Người, chỉ có điều thời ấy Bác mang tên khác.

 

Với Franz Dahlem, một người bạn cũ của Bác Hồ từ thời kỳ hoạt động chung trong Quốc tế cộng sản, Bác Hồ cũng có cuộc tiếp xúc thân tình. Cụ Dahlem vẫn là Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Đức, Uỷ viên dự khuyết Ban Thường vụ Quốc tế Cộng sản, lúc này là Uỷ viên Trung ương đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức, đảm nhận chức vụ Quốc vụ khanh Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Đây không phải là cuộc gặp riêng mà nằm trong buổi tiếp chung Đoàn đại biểu Chủ tịch Đoàn Uỷ ban Mặt trận toàn nước Đức dân chủ mà Franz Dahlem là một thành viên. Hôm đó, Quốc vụ khanh Dahlem đã trân trọng kính nhờ Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đến nhân dân Việt Nam một thư viện, trong đó có những sách cổ điển và cận đại, những sách về sử học và về ngôn ngữ Đức. Chào Chủ tịch ra về, các thành viên trong đoàn đại biểu mặt trận gọi Bác là “một công dân cũ vĩ đại của thành phố Berlin”. Bác Hồ vui cười:

 

“Các đồng chí nhớ lâu thật đấy! Ngày ấy, khi sang đây, tôi đã đóng vai một nhà triệu phú…”.

 

Tôi không thể nào quên câu chuyện cảm động mà Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đức Max Reimann đã kể cho tôi nghe về những lần gặp Bác Hồ trong thời kỳ bí mật, cũng như tại Quốc tế Cộng sản và trong thời gian thăm Cộng hòa Dân chủ Đức (thời gian này cụ Reimann đang chữa bệnh). Cụ Reimann cho biết: những người cộng sản Đức trong những năm thập kỷ 20 đã trìu mến gọi Bác Hồ (lúc đó là Nguyễn Ái Quốc) bằng danh hiệu “người đồng chí từ Phương Đông”. Điều mà Max Reimann đặc biệt ấn tượng là Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến tình hình xã hội ở Cộng hòa liên bang Đức (mà lúc đó thường gọi là Tây Đức), hỏi chuyển rất cặn kẽ về cuộc đời và quá trình hoạt động của cách mạng của Max Reimann. Cụ cũng rất xúc động về một câu hỏi mà Bác Hồ nêu lên trong khi hai vị khoác tay nhau đi trong vườn:

 

– “Bệnh dạ dày của đồng chí đã đỡ chưa?. Xúc động và lấy làm lạ là đã lâu rồi mà Người còn nhớ đến chuyện nhỏ ấy. – cụ Reimann nói như vậy – Người cũng tỏ ra rất yêu mến hai cậu con trai của tôi là Hans và Michael. Người âu yếm xoa đầu và hỏi chuyện học hành của chúng.

 

Tôi có nói với cụ Buettner rằng, tôi từng có dịp đến thăm bà Johanna, phu nhân của Thủ tướng Otto Grotewohl tại nhà riêng, nơi mà Bác đã có những cuộc thăm riêng hai ông bà. Về cuộc gặp ấy, tôi đã kể lại tỉ mỉ trong cuốn “Bảy ngày Bác Hồ thăm Cộng hòa Dân chủ Đức”. Đương nhiên là cụ Konrad Buettner – ngày ấy ở cương vị giới hạn của mình – không thể nắm được nội dung câu chuyện riêng của hai nhà lãnh đạo với sự có mặt của bà Johanna. Do đó, lúc này, chính cụ Buettner lấy làm thích thú khi nghe tôi kể lại đôi điều mà tôi biết được. Tuy nhiên cũng phải nói cho công bằng, cũng có lần cụ Buettner được có mặt một cách bất ngờ trong cuộc dạo chơi của Bác Hồ với ông bà Grotewohl. Đó là đêm 31-7, đêm hôm trước của ngày Bác rời Berlin đi Hungari. Sáng hôm ấy, Bác và hai ông bà Thủ tướng đi chơi trong vườn thú Berlin. Buổi tối là cuộc chiêu đãi trọng thể để tiễn Người. Tuy đã muộn, ông bà Thủ tướng vào nhà khách thăm Bác. Bác Hồ nói:

 

“Đồng chí Otto ơi, chúng ta đã từng thưởng thức nghệ thuật. Hôm nay, chúng ta cùng đi vào cuộc sống, tôi muốn được nhìn Berlin vào ban đêm”.

 

Thủ tướng Grotewohl có phần lo lắng; một là, lo cho sức khỏe của Bác Hồ, vì ngày mai Bác lại tiếp tục chuyến hành trình hữu nghị, hai là, hồi bấy giờ, giữa hai phần Berlin chưa có đường biên giới, còn đi lại tự do, sợ không được an toàn. Thủ tướng nói với Bác Hồ:

 

“Vào giờ này, đồng chí Hồ ạ, Berlin không có người đi đường đâu!”

 

Bác đáp:

 

“Nhưng có nhiều ánh sáng!”

 

Biết không thể từ chối được, Thủ tướng gọi xe và mời Bác đi thăm Đại lộ Xtalin, nay là đại lộ Karl Marx. Và Konral Buettner cũng đã được giao nhiệm vụ bất ngờ là bảo vệ Bác. Tới đại lộ, Bác Hồ cùng mọi người đi bộ, như những người dân thường. Người quay một vòng và nói rất vui:

 

“Chủ tịch Hồ Chí Minh đang có mặt tại Đại lộ Xtalin!”

 

Mọi người tháp tùng Bác cùng cười. Người nói tiếp:

 

“Các đồng chí biết không, sang đến đây tôi càng biết mình rất giàu. Đấy… chỗ nào cũng có tên tôi, “HO…”.

 

Thủ tướng Grotewohl đã giới thiệu với Bác Hồ về quá trình xây dựng đại lộ dài ba kilômét và rộng hơn sáu mươi mét này. Đã có những bước tiến quan trọng: đây đó là những khối nhà lớn cao mười tàng, những cửa hàng thanh lịch, nhưng hãy còn ngổn ngang những đống gạch đá, còn chồng chất những bãi tro tàn.

 

Cụ Buettner còn nhớ: khoảng 10 giờ đêm, nhiều người dân Berlin biết tin Bác đến, đưa cả gia đình ra quây quần lấy Bác. Bác nói với Thủ tướng:

 

“Đồng chí Otto! Berlin vẫn có người đấy chứ”.

 

Thủ tướng đáp lại:

 

“Vì có đồng chí ở đây…”

 

Sự việc diễn ra đã lâu; nhớ lại, người chiến sỹ bảo vệ Bác lúc này ở tuổi gần 80 vẫn chưa hết theo đuổi ý nghĩ: rất may là mọi việc diễn ra suôn sẻ.

 

(Konrad Buettner- một chiến sĩ công an Đức bảo vệ Bác Hồ kể 

Trần Đương ghi)

Related Posts