Ukraine kích hoạt ngòi nổ người Tatar sau vụ cầu Crimea

BVD -Kiev tổ chức sự kiện cho người Tatar – Crimea, gieo hy vọng  về khả năng khôi phục chủ quyền của Ukraine với Crimea sẽ tạo ra hiệu ứng kép…

Tổng thống Poroshenko cho rằng cầu Kerch chỉ là đường để Nga rút lui

Sputnik đưa tin, phát biểu tại sự kiện dành cho tộc người Tatar-Crimea, Tổng thống Poroshenko cho biết Ukraina dự định sử dụng cầu Kerch để kết nối với khu vực Kuban. Điều này sẽ xảy ra sau khi Kiev giành lại quyền kiểm soát Crimea.

Ông Poroshenko tin tưởng: “Kẻ xâm lược sẽ chịu trách nhiệm cho việc xây dựng bất hợp pháp cầu Kerch và những vi phạm khác. Đối với người Nga, cây cầu này chỉ hữu ích như một con đường để rút lui“.

Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh: “Còn với Ukraina, sau khi khôi phục chủ quyền với Crimea, sẽ sử dụng nó để kết nối với Kuban, nơi có nhiều người Ukraine sinh sống. Và với một nước Nga khác – không phải là kẻ xâm lược“.

Ukraine kich hoat ngoi no nguoi Tatar sau vu cau Crimea
Tổng thống Poroshenko khẳng định cầu Kerch chỉ là đường rút lui của Nga

Như vậy là sau khi cùng với “những người anh em xa” là Mỹ, EU và NATO lên án Moscow khánh thành cầu Kerch và doạ kiện Nga ra toà án quốc tế về vấn đề này, dường như chính quyền Kiev đã tự tin hơn về khả năng lật ngược thế cờ của Putin.

Việc hoàn tất xây dựng cầu Kerch đã làm thay đổi giá trị và ý nghĩa địa chính trị, địa chiến lược của Crimea với nước Nga và chính quyền Kiev cho thấy cũng sẽ khai thác hiệu ứng đó nhằm phục vụ cho lợi ích của mình.

Chỉ có điều với Nga thì nó đã diễn ra và cũng là dấu chấm hết cho vấn đề Crimea, còn với Ukraine thì điều đó sẽ diễn ra trong tương lai nhưng lại chưa biết khi nào mới có thể bắt đầu vì nó gắn liền với việc Ukraine khôi phục chủ quyền với Crimea.

Có thể thấy rằng, lúc này Kiev nói về việc khôi phục chủ quyền với Crimea chẳng khác nào là câu chuyện không tưởng, không chỉ với người Ukraine mà cả với “những người anh em xa” của Kiev.

Điều đó vì các nước đi của Tổng thống Putin trong việc tái sát nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước Nga rất kín kẽ với nền tảng chính trị quan trọng nhất là ý nguyện của đa số người dân Crimea muốn bán đảo này trở về với nước Nga.

Trong khi với những sự kiện tương tự, phương Tây lại không thực hiện như vậy – mà đây là cốt lõi của nguyên tắc dân chủ – nên “những người anh em xa” rất muốn lãng quên vấn đề, khi xem điều kiện xóa cấm vận Nga gắn với thực thì Thoả thuận Minsk.

Còn với Ukraine, tất cả những hành xử của chính quyền Kiev thời hậu Yanukovych luôn tạo hiệu ứng “đẩy” Crimea về phía Nga, trong đó có chính sách bài Nga và phong toả bán đảo chiến lược này. Vậy thì làm sao khôi phục chủ quyền với Crimea?

Phải chăng Kiev tin rằng chính quyền Nga hậu thời đại Putin sẽ trao Crimea cho Ukraine một lần nữa để khôi phục tình hữu nghị giữa hai dân tộc, như mong muốn của nhà lãnh đạo Liên Xô Khrusev khi cắt chuyển Crimea từ Nga sang Ukraine?

Ukraine kich hoat ngoi no nguoi Tatar sau vu cau Crimea
Việc Nga khánh thành cầu Kerch đã chấm dứt vấn đề Crimea

Phải khẳng định rằng, việc tách bán đảo Crimea khỏi Nga sẽ không bao giờ lặp lại dưới bất kỳ chế độ nào, bởi việc tái sát nhập Crimea vào Nga là sự tái hợp giữa hai thực thể bị “lạc trôi” hơn 60 năm, nên để mất Crimea sẽ là hành động “bán nước”.

Rõ ràng, không một chính quyền Nga nào muốn là “kẻ bán nước”, vì vậy Tổng thống Poroshenko nêu kế hoạch khai thác lợi ích từ cầu Kerch chẳng khác gì chuyện phiếm.

Ông Poroshenko hoàn toàn hiểu điều đó nhưng tại sao ông vẫn nêu vấn đề?

Kiev quyết không để Moscow yên ổn và phải trả giá vì tái sát nhập Crimea

Vì những sai lầm tạo điều kiện cho Tổng thống Putin thực hiện tái sát nhập Crimea, chính quyền Kiev không còn cơ hội khôi phục chủ quyền với Crimea, song Kiev vẫn hoàn toàn có thể khiến Moscow phải trả giá đắt cho việc tái sát nhập Crimea.

Theo giới phân tích, ngoài việc luôn khẳng định chủ quyền với bán đảo chiến lược, thì Kiev sẽ tìm cách gây bất ổn trong cả đời sống chính trị lẫn đời sống xã hội Crimea, mà quan trọng nhất là tác động vào cộng đồng người Tatar sinh sống tại Crimea.

Bởi, dù có tới 95% người dân Crimea tham gia trưng cầu ủng hộ việc bán đảo trở về với nước Nga, nhưng vẫn có số ít người dân sinh sống trên bán đảo này phản đối việc tái sát nhập Crimea vào nước Nga, trong đó có cộng đồng người Tatar.

Cộng đồng người Tatar nói tiếng Thổ chiếm 12% dân số Crimea và Nghị viện của họ có 33 thành viên đã được Ukraine công nhận hợp pháp vào năm 1999. Nhưng Nga cho rằng đó là tổ chức cực đoan và cấm hoạt động vào năm 2016.

Tình hình hiện vẫn còn đang rất phức tạp. Thậm chí ngày 27/9/2017, Toà án Crimea đã phải kết án 2 năm tù với lãnh đạo người Tatar tại Crimea, ông Ilmi Umerov. Moscow đã bị chỉ trích là vi phạm nhân quyền trong sự kiện này.

Trong khi trước đó, ngày 11/9/2017, Phó Chủ tịch Nghị viện Tatar Crimea (Mejlis), ông Akhtem Chiygoz, cũng bị kết án 8 năm tù với cáo buộc kích động biểu tình chống chính quyền Crimea, khiến 2 người bị thiệt mạng.

Ukraine kich hoat ngoi no nguoi Tatar sau vu cau Crimea
Cộng đồng người Tatar nói tiếng Thổ tại Crimea vẫn chống lại việc tái sát nhập Crimea vào lãnh thổ nước Nga

Với thực tế như vậy, Kiev tổ chức sự kiện cho người Tatar-Crimea, gieo hy vọng cho tộc người này về khả năng khôi phục chủ quyền của Ukraine với Crimea sẽ tạo ra hiệu ứng kép trong việc gây bất lợi cho Nga.

Thứ nhất, nó như một sự tiếp sức cho những thành phần chống lại việc Nga tại sát nhập Crimea, trong đó có cộng đồng người Tatar tại Crimea, từ đó gây bất ổn cho bán đảo chiến lược này.

Tình hình phức tạp tại Crimea sẽ khó có thể được giải quyết theo mong muốn của Moscow khi Kiev thổi sự kích động vào cộng đồng người Tatar và những thành phần chống Nga trong cộng đồng dân cư Crimea.

Vì vậy, ngay sau khi Nga khánh thành cầu Kerch thì chính quyền Ukraine lập tức tổ chức sự kiện dành cho người Tatar-Crimea như một lời kêu gọi đấu tranh và sự uý lạo tinh thần từ cố quốc.

Điều đó buộc Nga sẽ phải tiếp tục có hành động cứng rắn để đảm bảo ổn định cho Crimea và khi đó thì “những người anh em xa” của Kiev có muốn lãng quên vấn đề Crimea cũng không được.

Thứ hai, nó tác động xấu đến quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang được xem là đột phá khẩu của Moscow trong việc phá vòng vây cấm vận của phương Tây bao quanh nước Nga và kiến tạo hoà bình cho Syria – ván cờ mà Nga đang là đạo diễn.

Trong vấn đề Crimea, giữa Moscow và Ankara còn nhiều bất đồng liên quan tới địa vị chính trị của cộng đồng người Tatar nói tiếng Thổ, sau khi Moscow tái sát nhập bán đảo chiến lược này vào lãnh thổ nước Nga.

Xem cau Crimea chi la duong Nga rut lui, Kiev muon gi?
Tổng thồng Erdogan ủng hộ Kiev trong vấn đề Crimea là một bất lợi với Nga

Điều đó thể hiện rõ khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan chính thức tuyên bố không công nhận việc Nga tái sát nhập bán đảo Crimea, tiếp tục ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, khi có chuyến thăm nước này vào tháng 10/2017.

Hiện nay quan hệ Nga – Thổ đang rất phát triển, không gian hoà nhập giữa hai nước được mổ rộng, song điều đó có thể bị ảnh hưởng, nếu Moscow làm Ankara phật lòng trong xử lý vấn đề cộng đồng người Tatar nói tiếng Thổ ở Crimea.

Mà điều đó khó có thể tránh khỏi khi Kiev kích động cộng đồng người Tatar ở Crimea chống Nga. Rõ ràng, Kiev đã tính toán kỹ khi nêu vấn đề lợi ích của cầu Kerch với Nga và với cả Ukraine ngay tại sự kiện dành cho người Tatar ở Crimea.

Tổng thống Putin – vốn nổi tiếng về việc vô hiệu hoá những nước cờ của đối phương – sẽ có hành động gì để hoá giải vấn đề mà Tổng thống Poroshenko đã nêu về lợi ích của cây cầu nối Crimea với Bắc Caucasus, chúng ta cùng chờ xem.

(baodatviet)

Related Posts