Chủ tịch Quốc hội: Trạm BOT trở về tên cũ, không cần nghiên cứu

( N.A tổng hợp) Trong phiên chất vấn sáng 4/6, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam yêu cầu giữ tên cũ ‘Trạm thu phí BOT’ mà ‘không cần nghiên cứu’.

Trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Tiếp thu ý kiến của cử tri, dư luận xã hội và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ đang có phương án trình Chính phủ thay đổi tên gọi trạm thu phí BOT bằng một tên mới phù hợp với pháp luật và các yêu cầu”.

Nghe vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói luôn: “Việc đổi tên trạm thu giá thành trạm thu phí tôi thấy không cần phải nghiên cứu và trình. Tôi thấy trở về tên cũ là được, đợi trình Chính phủ lâu lắm!”

Bà Kim Ngân nói tên ‘trạm thu phí’ là cái tên rất đúng và quen gọi, không có lý do gì để đổi. Nếu Bộ GTVT cứ nghiên cứu rồi trình thì sẽ rất mất thời gian, không cần thiết.

Trước đó, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ hôm 2/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ sự không đồng tình với tên ‘trạm thu giá’ BOT. Theo ông Phúc, nếu Bộ GTVT nhất định không giữ lại tên ‘trạm thu phí’ thì sẽ phải có tên khác thay thế chứ không để tên ‘trạm thu giá’, theo truyền thông Việt Nam.

Ngay đầu giờ sáng đã có 36 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. Các vấn đề được đại biểu đề nghị bộ trưởng làm rõ gồm vị trí đặt trạm thu phí BOT; trách nhiệm, giải pháp xử lý vấn đề chênh lệch cốt đường với nền nhà dân sau cải tạo; tiến độ thực hiện thu phí không dừng tại các trạm BOT; giải pháp phát triển giao thông vùng Tây Bắc.

Theo giải trình của ông Thể, với 56 trạm BOT, Kiểm toán Nhà nước đã tham gia kiểm toán 50 dự án, còn 6 dự án đang triển khai.

Về thu phí BOT , Bộ trưởng GTVT khẳng định dựa trên quan điểm bảo vệ lợi ích của người dân. “Vừa qua khi mặt bằng giá tăng cao, chúng tôi rà soát và giảm toàn bộ 56 dự án BOT, có dự án giảm 2-3 lần, từ 35 nghìn/xe con xuống chỉ còn 15 nghìn, chúng tôi đứng trên quan điểm của Đảng, Nhà nước và nhân dân để điều chỉnh mức phí, căn cứ vào lưu lượng xe qua các trạm và khả năng hoàn vốn của dự án để điều chỉnh”, Bộ trưởng GTVT nói.

Về chi phí làm đường và hiệu quả sử dụng , đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) chất vấn: “Dư luận hiện nay có những chuyện cho rằng chi phí làm đường của VN lớn nhất thế giới mà thời gian sử dụng thì lại ngắn nhất, có những đường làm được vài năm đã hỏng?”

Bộ trưởng Thể cho rằng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành cung cấp các thông tin về suất đầu tư so với các nước trong khu vực.

“Chúng ta làm đường trên nền móng yếu và việc xử lý rất tốn kém, các khoản chi phí này rất khác nhau giữa từng địa phương. Hơn nữa chi phí mặt bằng rất lớn. Cho nên nói rằng suất đầu tư đường chúng ta 700-1.000 tỉ đồng/km thì cũng đúng nhưng không phải là tất cả. Tôi không bình luận về thông tin này”, ông Thể nói.

Về việc trạm BOT đặt sai, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đặt câu hỏi: “Bức xúc hiện nay là 17 dự án đặt thu phí sai, 3 dự án trong đó dân không đi vẫn phải trả tiền. Tôi thấy bộ trả lời theo kiểu dân chịu thì cứ thu?”

Bộ trưởng Thể cho rằng một số dự án do yếu tố lịch sử để lại, các dự án còn lại thì khi làm đã có sự tham gia của các bộ ngành, địa phương nên “bộ xem như việc đặt trạm là hợp lý”. Ông Thể cũng nói muốn di dời trạm BOT thì cần khoản vốn rất lớn và “mong đại biểu thông cảm cho bộ”.

Hiện nay để giải quyết các trạm BOT mà đại biểu nêu thì nguồn vốn rất khó khăn, rất khó để có tiền mua lại. Chúng tôi muốn đại biểu lấy biểu quyết, nếu Quốc hội cho thì chúng ta sẽ lấy tiền mua lại. Hiện giờ thì chúng tôi rất mong cử tri, đại biểu hết sức thông cảm cho bộ,” ông Thể nói.

 

Related Posts