Trung Quốc sẽ sớm tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông

BVD – Vừa qua Trung Quốc đã có một loạt hoạt động quân sự hóa, gia tăng căng thẳng ở Biển Đông như tập trận bắn đạn thật, triển khai tên lửa…

Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Vũ Thanh Ca, Đại học Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo Việt Nam để rõ thêm về quy mô và ý định của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông có thể đánh giá về tốc độ cũng như quy mô hoạt động trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua?

Hiện nay, Trung Quốc về cơ bản đã hoàn thành việc xây dựng các đảo nhân tạo và đang nâng cấp các cơ sở này chủ yếu phục vụ mục đích quốc phòng. Trung Quốc biết rõ rằng theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là phán quyết của Tòa Trọng tài, họ không thể hợp thức hóa được tuyên bố chủ quyền đối với khu vực biển nằm trong “Đường lưỡi bò” nên họ tiếp tục thực hiện chiến lược dùng sức mạnh để gặm nhấm Biển Đông. Việc nâng cấp các đảo nhân tạo cũng như các đảo đá mà họ chiếm đóng trái phép nằm trong một lộ trình đã dược dự báo của chiến lược trên. Các đảo nhân tạo đã được lựa chọn xây dựng và trang bị đầy đủ vũ khí để có khả năng kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Các học giả quốc tế lo ngại rằng sẽ tới lúc Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên toàn bộ vùng biển nằm trong “Đường lưỡi bò”.
Nếu như trong năm 2017, tình hình Biển Đông khá yên ắng, thậm chí Trung Quốc tỏ ra khá tích cực trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với các nước ASEAN thì trong năm 2018, ngay từ đầu năm Trung Quốc đã liên tục có các động thái làm Biển Đông “dậy sóng”. Ông có thể lý giải nguyên nhân của việc này?
Sau phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế năm 2016, Trung Quốc nhận thấy rằng họ đã nhận một thất bại rất nghiêm trọng, có khả năng xóa sổ những nỗ lực trong nhiều năm qua của họ. Mặc dù như đã nói ở trên, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông có vai trò rất lớn trong kiểm soát và khống chế Biển Đông, nhưng ý đồ thực sự của Trung Quốc là họ sẽ sử dụng các đảo này để tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế của “nhóm đảo” bằng cách sử dụng đường cơ sở thẳng. Nếu làm được điều này, họ tạo được cơ sở pháp lý để tuyên bố về chủ quyền đối với tài nguyên và quyền tài phán tại vùng nước bên trong đường lưỡi bò. Phán quyết của Tòa Trọng tài rất rõ ràng, phân tích đầy đủ các khía cạnh pháp lý và đã phủ nhận tất cả những ý định nêu trên của Trung Quốc. Với thất bại pháp lý lớn như vậy, năm 2017 là năm mà Trung Quốc tạm dừng lại để nghiên cứu, đánh giá, tìm hướng đi mới.

Đầu năm nay, họ đã xác định lại xong chiến lược, chiến thuật và sẵn sàng cho các bước tiến mới. Ngoài ra, đầu năm 2018 cũng là lúc Mỹ bận vào rất nhiều vấn đề quốc tế, đặc biệt là vấn đề Syria và Triều Tiên nên không tập trung được nguồn lực cho Biển Đông. Đó là các lý do chính mà Trung Quốc triển khai một loạt các hoạt động nguy hiểm vào đầu năm 2018.
Điều này đe dọa tiến trình đàm phán COC ra sao? Trong bối cảnh này, các nước ASEAN cần cư xử thế nào, thưa ông?
Thật ra đàm phán COC đã khó khăn ngay từ đầu khi Trung Quốc liên tục trì hoãn và tỏ ra thiếu thiện chí. Các sự kiện nêu trên sẽ làm quá trình đàm phán COC khó khăn hơn. Trong bối cảnh này, các nước ASEAN cần tự đàm phán, thỏa thuận để đảm bảo sự đoàn kết, đồng thuận trong ASEAN. Chỉ có như vậy mới có thể có được tiến bộ trong đàm phán COC, đảm bảo quyền lợi của tất cả các nước.
Vừa qua, tại Đối thoại an ninh Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nhấn mạnh cam kết của Mỹ với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở. Theo ông, việc chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ ngày càng định hình có ảnh hưởng gì đến việc can dự của nước này với vấn đề Biển Đông?
Cần phải nhấn mạnh rằng Mỹ có quyền lợi quốc gia trong duy trì luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, hàng không, hòa bình và ổn định trong Biển Đông. Biển Đông là con đường huyết mạch của những nền kinh tế lớn – đồng minh của Mỹ và của chính Mỹ. Đảm bảo duy trì luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, hàng không, hòa bình và ổn định trong Biển Đông không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, ngoại giao lớn đến nỗi Mỹ không thể bỏ qua hoặc đánh đổi Biển Đông để lấy quyền lợi khác. Cho nên, chiến lược xuyên suốt, không bao giờ thay đổi của Mỹ là duy trì can dự vào Biển Đông để bảo vệ quyền lợi của mình.
Phát biểu cứng rắn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vừa qua tại Hội nghị Shangri-La và một số quan chức quốc phòng, ngoại giao Mỹ trong thời gian gần đây khẳng định rằng Mỹ sẽ không lơ là Biển Đông, và bảo vệ những quyền lợi của Mỹ trong Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, đây là một phần của chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ.
Xin cảm ơn ông!
Trung Quốc luôn tìm mọi thủ đoạn để hợp thức hóa tuyên bố chủ quyền phi lý của họ đối với vùng biển trong phạm vi “Đường lưỡi bò”. Họ muốn chứng minh rằng họ đã xác lập chủ quyền với vùng biển bên trong đường lưỡi bò trước khi Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) ra đời.

Họ đã thể hiện rất rõ cái tính “nhớ nhớ quên quên”, hay chỉ nhớ những gì có lợi, mặc dù phi lý và quên hết những gì bất lợi. Họ “nhớ” rằng quy định của luật pháp quốc tế là đường phân định ranh giới trên biển phải là các đường liền nét, và “quên” chi tiết là “nối những điểm có tọa độ xác định”. Như ta biết, “Đường lưỡi bò” là một đường đứt nét, vẽ một cách vu vơ trên biển, không có tọa độ và không có chế độ pháp lý cho vùng biển bên trong. Bằng cách sử dụng bản đồ với đường liền nét, Trung Quốc muốn cải thiện cái nhìn về “Đường lưỡi bò”.

Tuy vậy, Trung Quốc “quên” mất rất nhiều điều, rằng luật pháp quốc tế về biển và chủ quyền lãnh thổ đã ra đời từ xa xưa, và UNLOS chỉ là tập hợp, hệ thống hóa và làm rõ các quy định đã có trước đó.

Theo quy định của luật pháp quốc tế, một vùng biển không phải là đối tượng để tuyên bố chủ quyền và chế độ pháp lý của một vùng biển được quyết định bởi chế độ pháp lý của vùng đất liền kề. Nếu vùng đất đó là đảo hoặc đất liền, nó sẽ có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và một vùng thềm lục địa có chiều rộng không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở. “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc hoàn toàn không thỏa mãn các quy định này. Tòa Trọng tài quốc tế cũng phán quyết rằng các “quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với tài nguyên trong vùng biển bên trong “đường lưỡi bò” ngoài giới hạn được quy định trong luật pháp quốc tế đã bị tự động mất sau khi có UNCLOS. Như vậy, dù nỗ lực đến đâu thì Trung Quốc cũng không thể hợp thức hóa các quyền của mình tại vùng biển bên trong “Đường lưỡi bò” trái với luật pháp quốc tế.

PGS. TS Vũ Thanh Ca

 

(kinhtedothi)

Related Posts