Tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là không phù hợp

BVD – Tại phiên họp thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), UBTVQH đã cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT).

Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết Biểu thuế BVMT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo các nghiên cứu cho thấy, các hàng hóa thuộc diện chịu thuế BVMT (như xăng, dầu, mỡ nhờn, than đá, dung dịch HCFC, túi ni lông) trong quá trình sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.

Tuy nhiên, hiện mức thuế BVMT đối với mặt hàng này đang ở mức thấp so với mức độ tác động đến môi trường khi sử dụng. Do vậy, thuế bảo vệ môi trường với mỗi lít xăng sẽ tăng 1.000 đồng lên mức kịch trần là 4.000 đồng.

Các loại dầu cũng được đề xuất tăng khoảng 500 -1100 đồng/lít. Việc điều chỉnh mức thuế BVMT này sẽ góp phần tăng thu NSNN khoảng 15.189,2 tỷ đồng/năm, từ đó sẽ góp phần tạo thêm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội, trong đó có các nhiệm vụ chi cho BVMT.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng kiến nghị, UBTVQH xem xét, quyết định: Than cốc, dầu tái sinh không thuộc đối tượng chịu thuế BVMT theo Luật thuế BVMT; Số tiền thuế BVMT đã nộp đối với than cốc, dầu tái sinh (nếu có) kể từ thời điểm Luật thuế BVMT có hiệu lực thi hành được xác định là số tiền thuế nộp thừa và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Thẩm tra Dự án Nghị quyết về Biểu thuế BVMT, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Đối với mặt hàng xăng, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với Tờ trình của Chính phủ dự kiến điều chỉnh mức thuế BVMT từ mức 3000 đồng/lít lên mức 4000 đồng/lít nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc BVMT, khuyến khích sử dụng tiết kiệm và tiến tới sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường.

Báo cáo thẩm tra cũng đồng tình với Tờ trình của Chính phủ đối với mặt hàng dầu Mazut điều chỉnh tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 1.100 đồng/lít. Đối với mặt hàng dầu hỏa, điều chỉnh mức thuế BVMT từ mức 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít.

tin nhap 20180713090550
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình (ảnh: Quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đồng tình với mức tăng thuế BVMT đối với than antraxit từ mức 20.000 đồng/tấn lên mức 30.000 đồng/tấn; tăng mức thuế đối với than nâu, than mỡ và than đá khác từ mức 10.000 đồng/tấn lên mức 15.000 đồng/tấn.

Cho rằng, việc khai thác than còn thiếu hiệu quả, thất thoát lớn. Bên cạnh việc khai thác làm ô nhiễm nguồn nước, đất đai và hủy hoại môi trường rừng; trong quá trình sử dụng, than đá cũng là nguồn thải khói bụi độc hại và các chất thải rắn.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cho rằng, việc điều chỉnh mức thuế BVMT đối với các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế cần phải đảm bảo phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng thuế BVMT đối với các mặt hàng, nhất là xăng dầu vào thời gian này là không phù hợp. Bởi lẽ, trong bối cảnh hiện nay chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng đầu năm tăng cao nhất trong nhiều năm qua (bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% và dần tiệm cận mức Quốc hội giao 4%).

Đồng thời, chuẩn bị vào năm học mới nhiều địa phương sẽ thực hiện lộ trình tăng mức học phí các cấp. Bên cạnh đó, mùa mưa bão cũng đang diễn ra, lương cơ bản cũng vừa được tăng từ 1/7/2018. Do đó, việc điều chỉnh tăng thuế MVMT vào lúc này không đảm bảo khả năng điều tiết giá cả hàng hóa.

Về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng: Việc BVMT là đúng. Tuy nhiên, tăng thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu đồng nghĩa với việc giá xăng tăng.

Do đó nó sẽ tác động trực tiếp tới cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Giá xăng tăng sẽ khiến lạm phát tăng lên, điều này ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ đồng thời giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Do vậy, nên cân nhắc lại việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường theo thông lệ sau 45 ngày kể từ ngày ban hành Nghị quyết.

 

(laodongthudo)

Related Posts