Trump – Putin: Ai phải xuống thang?

BVD – Ngày 16/7, Hội nghị thượng đỉnh Nga – Mỹ dự kiến sẽ diễn ra tại Helsinki, Phần Lan. “Tan băng, cải thiện quan hệ, tìm hướng đi chung”… là những điều người ta đang nói về cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thế nhưng, trước sức ép từ nhiều phía cộng thêm hàng loạt căng thẳng vẫn tồn tại, liệu cuộc gặp này có khiến quan hệ hai bên hạ nhiệt và hai nhà lãnh đạo hàng đầu đạt được những kỳ vọng và tính toán của mình?

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/7 mới đây tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức. Ảnh: Reuters
Nóng khi chưa bắt đầu

Ngay từ khi mới được công bố thông tin từ cuối tháng 6 vừa qua, dư luận đã đặt ra vô số câu hỏi: Liệu rằng đây có phải là một cuộc gặp mang tính hình thức vốn chỉ để ông Donald Trump gây ấn tượng loạt dấu ấn ngoại giao, sau các cuộc gặp lịch sử Mỹ – Triều hay Mỹ – Trung mới đây?

Hay hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới vốn đang có xu hướng xích lại gần nhau, có đang tính toán một vài thỏa thuận mà người ta không ngờ tới?

Không những thế, bối cảnh phức tạp khi Tổng thống Mỹ gần như đang “gây hấn” với phần lớn các đồng minh, từ châu Âu đến các nước láng giềng châu Mỹ, dư luận càng đặt ra nhiều giả thuyết về một cái bắt tay mới giữa Nga và Mỹ.

Cũng bởi, sự thất thường khó đoán của Tổng thống Mỹ đang khiến mọi dự đoán đều không có nhiều căn cứ. Dù vậy, cũng đã có một số vấn đề nóng được dự đoán sẽ được đặt lên bàn nghị sự giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ lần này. Đó là vấn về Ukraine, cuộc khủng hoảng Syria, vấn đề hạt nhân Triều Tiên, quan hệ Nga – NATO hay việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga.

Với vấn đề Ukraine, xung đột ở miền Đông vẫn là nút thắt trong mối quan hệ Nga – Mỹ, là nguồn cơn của những lệnh trừng phạt mà Mỹ và Phương Tây áp đặt vào Nga suốt thời gian qua.

Hẳn nhiên, một trong những kỳ vọng của Nga là giảm bớt các lệnh trừng phạt vẫn còn “quấn chân” làm ảnh hưởng mục tiêu phát triển của nước này. Thế nhưng, ở phía Mỹ dù không còn quá “hằn học” với Nga để tăng cường các biện pháp trừng phạt nhưng cũng không thể dễ dàng dỡ bỏ, bởi nó sẽ khiến các đồng minh NATO bực bội.

Thủ đô Helsinki, Phần Lan là địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga – Mỹ. Ảnh: CCO
Trong khi đó với cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ 8 ở Syria, liệu hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ sẽ thỏa thuận gì với nhau để sớm đưa cuộc chiến này đến hồi kết. Thời gian gần đây, người ta đang chứng kiến những bước đi mới trên chiến trường Syria, dự báo những bước ngoặt báo hiệu điểm kết.

Đó là việc Tổng thống Trump liên tục đề cập khả năng Mỹ rút quân khỏi Syria, cùng lúc giảm dần các hỗ trợ đối với lực lượng nổi dậy Quân đội Syria tự do, trong khi tỏ thái độ “yên lặng” trước loạt chiến thắng như chẻ tre của quân chính phủ do lực lượng Nga hỗ trợ ở khu vực Tây Nam.

Ngoài ra, giới quan sát còn nhắc đến sự góp mặt của vấn đề giải giáp vũ khí hạt nhân Triều Tiên. Mỹ dù đang đà thuận lợi trong giải quyết quan hệ với Triều Tiên nhưng không đồng nghĩa có thể xử lý triệt để hồ sơ nóng bỏng này nếu thiếu đi sự can dự và tác động của Nga.

Không chỉ có từng đó, cho đến gần đến ngày diễn ra cuộc gặp, một số vấn đề tiếp tục được bổ sung. Mới tuần trước, Bộ Tư pháp Mỹ đã vừa công bố quyết định truy tố 12 nhân viên tình báo quân sự Nga với cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ.

Dư luận dự đoán rằng, nội dung này không ít thì nhiều cũng sẽ phủ bóng lên cuộc gặp thượng đỉnh tại Helsinki cũng như gây áp lực với Tổng thống Donald Trump.

Vượt qua con dốc căng thẳng

Với bản thân Tổng thống Trump, một cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc hay Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã trở thành hiện thực thì không có lý do gì không thể có một cuộc gặp tương tự với người đồng cấp Nga.

Thế nhưng, bất cứ vấn đề nào được đưa ra bàn thảo cũng đang là những thách thức không nhỏ. Một mặt, những tuyên bố và bước đi của ông Trump làm sao không làm mếch lòng các đồng minh châu Âu vốn đã đang mâu thuẫn trong nhiều vấn đề, mặt khác lại không được ảnh hưởng mục tiêu hạ nhiệt quan hệ với Nga.

Châu Âu lo lắng ông Trump sẽ có những nhượng bộ với Putin. Ảnh: AFP/Getty Images

Tất nhiên, ông Trump thời gian qua vẫn đang vấp phải những ý kiến phản đối trong chính nội bộ nước Mỹ vốn luôn cứng rắn với Nga cũng như một số đồng minh châu Âu. Nhưng những nhượng bộ quá mức của ông Trump đối với Nga không thể không lường tới.

Ví dụ gần nhất là kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều hôm 12/6 vừa qua tại Singapore vừa qua, một mặt được đánh giá là thành công nhưng mặt khác lại bị chỉ trích là sự nhượng bộ “quá đà” của ông Trump với Bình Nhưỡng.

Lo lắng này cũng đã bao trùm cuộc gặp thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra trong các ngày 11-12/7 tại Brussel, Bỉ. Dường như để trấn an các đồng minh, kết thúc hội nghị, ông Trump đã tuyên bố vẫn duy trì cam kết mạnh mẽ với NATO.

Thế nhưng, tuyên bố là một chuyện, vì Tổng thống Trump thậm chí còn đòi các nước thành viên NATO tăng đóng góp từ 2% lên 4% GDP để tài trợ quốc phòng vẫn là một thực tế không thể phủ nhận.

Trước tình cảnh như vậy, trong khi các nước châu Âu đang “đứng ngồi không yên” thì Tổng thống Nga Putin có lẽ lại đang mừng thầm. Dù có thể sẽ phải đưa ra một vài nhượng bộ với phía Mỹ nhưng những điều mà ông Putin đạt được lần này là rất đáng giá.

Cuộc chiến Syria – một trong những hồ sơ nóng chi phối cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Mỹ tại Helsinki, Phần Lan. Nguồn: Youtube
Ngoài việc khẳng định vị thế đàm phán ngang hàng với Mỹ, Nga còn hiểu rõ hơn về các ý định và suy nghĩ, tính toán của nhà lãnh đạo phi truyền thống là ông Donald Trump. Từ đó có thể nắm bắt các cơ hội để khai thác sự thiện chí mà người đứng đầu nước Mỹ vốn dành cho Nga.Như thế, mặc dù được dự đoán sẽ chưa thể có nhiều thỏa thuận giá trị đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Mỹ lần này, nhưng ngay việc nó thật sự diễn ra đã là thành công của cả hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ.

Một tuyên bố chung dù có thể mang tính hình thức nhưng sẽ mở ra các cuộc gặp gỡ, đàm phán ở các cấp giữa hai bên, gỡ dần các khúc mắc còn tồn tại. Vì thế, dù có thể bị đánh giá là “trò chơi may rủi”, nhưng việc hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ cùng đối diện lần này đã giúp hai bên “vượt qua con dốc căng thẳng – đối đầu”, đồng thời khẳng định xu thế hòa bình và đối thoại đang ngày càng hiện hữu trên toàn cầu.

 

(Baonghean)

Related Posts