Hội nghị Ngoại giao 30: Cơ hội nâng tầm ngoại giao đa phương Việt Nam

BVD – Bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneve cho biết ông rất tâm đắc với chủ đề của Hội nghị, đồng thời nhấn mạnh đây là cơ hội tốt để thảo luận thực chất các biện pháp, chính sách nhằm nâng tầm ngoại giao đa phương Việt Nam trong thời gian tới.

hoi nghi ngoai giao 30 co hoi nang tam ngoai giao da phuong viet nam
Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneve. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chủ động và sáng tạo là điều kiện tiên quyết

Xin Đại sứ cho biết cảm nhận về chủ đề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 năm nay?

Tôi thấy rất tâm đắc với chủ đề của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30: vừa mang tính nguyên tắc, là kim chỉ nam cho mọi mặt công tác của toàn ngành Ngoại giao, vừa mang tính hành động cụ thể để đạt được những mục tiêu quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, khi Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển năng động trong bối cảnh tình hình quốc tế có những thuận lợi và thách thức đan xen.

Nếu như Hội nghị Ngoại giao 29 cách đây hai năm đề ra chương trình hành động với quyết tâm cao nhằm “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế – Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII”, khi chúng ta bước vào giai đoạn đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, thì nay, Hội nghị Ngoại giao 30 diễn ra khi Việt Nam đang ở giai đoạn then chốt trong triển khai chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020, và hội nhập quốc tế sâu rộng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của đất nước.

Hội nghị Ngoại giao 30 cũng là thời điểm thích hợp để chúng ta kiểm điểm giữa kỳ tình hình thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XII và tích cực đóng góp vào việc chuẩn bị xây dựng đường lối đối ngoại cho Đại hội Đảng XIII. Yêu cầu cơ bản đặt ra là phải tích cực và chủ động trong mọi mặt công tác trên mặt trận đối ngoại. Cụ thể là chủ động nắm bắt, đánh giá sát tình hình, đề xuất các biện pháp hữu hiệu để đưa đất nước ta hội nhập thực sự sâu rộng, phát triển một cách bền vững và toàn diện trong môi trường quốc tế thuận lợi. Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục nâng tầm tư duy sáng tạo trong đề xuất các ý tưởng, chủ trương và giải pháp để vượt qua những khó khăn và thách thức trong quá trình triển khai các chính sách, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra. Tôi cho rằng, chủ động và sáng tạo trong hoạch định và thực hiện chính sách là điều kiện tiên quyết, song phải đặt yếu tố hiệu quả lên hàng đầu.

Theo tôi, nếu đạt được tính “chủ động, sáng tạo và hiệu quả” trong mọi mặt công tác của toàn Ngành cả về đối ngoại và công tác xây dựng Ngành, chúng ta sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó cho Bộ Ngoại giao, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XII.

Hai năm tới, đối ngoại đa phương Việt Nam đứng trước hai nhiệm vụ quan trọng, đó là chuẩn bị cho việc đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020 và ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021. Hội nghị Ngoại giao lần này là cơ hội tốt để chúng ta thảo luận thực chất về các biện pháp, chính sách để nâng tầm đối ngoại đa phương Việt Nam, cũng như các phương hướng cụ thể để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ trọng tâm nêu trên theo đúng tinh thần “chủ động, sáng tạo, hiệu quả”.

hoi nghi ngoai giao 30 co hoi nang tam ngoai giao da phuong viet nam
Toàn cảnh Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Dấu ấn ngoại giao đa phương Việt Nam

Xin Đại sứ cho biết những thành tựu nổi bật trong hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam kể từ Hội nghị Ngoại giao 29 đến nay?

Từ năm 2016 đến nay, điều dễ nhận thấy là chúng ta đã và đang dần chuyển từ việc chủ động tham gia các hoạt động đối ngoại đa phương trên thế giới, sang giai đoạn tham gia tích cực vào quá trình xây dựng, định hình, dẫn dắt các thể chế đa phương ở khu vực, liên khu vực và toàn cầu. Kết quả nổi bật nhất là tổ chức thành công Năm APEC 2017 với những đóng góp quan trọng mang dấu ấn Việt Nam, qua đó thúc đẩy lợi ích và nâng cao vai trò, vị thế của đất nước.

Đáng chú ý, những đóng góp tích cực và đề xuất của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam gần đây tại các diễn đàn đa phương đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu đề xuất về việc ngăn ngừa xả rác thải nhựa, hướng tới mục tiêu các đại dương xanh, sạch và không còn rác thải nhựa tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng diễn ra tháng 6 vừa qua ở Quebec (Canada); hay như đề xuất về giải pháp cho vấn đề di cư quốc tế của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 138 (IPU-138) ở Geneve, Thụy Sĩ…

Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực đóng góp và tạo dấu ấn trong các công việc chung khi là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ), Hội đồng Chấp hành Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hội đồng Chấp hành IPU, Hội đồng Kinh tế – Xã hội LHQ… Đáng chú ý, trong Khóa họp thường kỳ lần thứ 38 của HĐNQ LHQ (tháng 7/2018, tại Geneve), lần đầu tiên Việt Nam đã chủ trì soạn thảo Nghị quyết về Biến đổi khí hậu và quyền con người. Theo sáng kiến của Việt Nam, Nghị quyết này tập trung vào tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền của phụ nữ. Nghị quyết có khoảng 50 nước đồng bảo trợ và được thông qua bằng đồng thuận.

Trước đó, cuối năm 2016, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao là người Việt Nam đầu tiên trở thành thành viên của Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) – cơ quan tư vấn, chịu trách nhiệm xây dựng các văn bản luật pháp quốc tế của LHQ trên cơ sở những đóng góp từ các thành viên. Mới đây, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã được bầu làm Phó Chủ tịch thứ hai của Khóa họp lần thứ 70 của Ủy ban này.

Năm 2017, tôi vinh dự được bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) nhiệm kỳ 2018-2019, và được đóng góp vào việc hoạch định quyết sách của Tổ chức trong hai năm. Ngoài ra, còn phải kể đến những nỗ lực thường xuyên của chúng ta trong đàm phán, đóng góp ý kiến vào các văn kiện quốc tế quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày, hàng giờ của thế giới tại các diễn đàn và tổ chức đa phương khác.

Đánh giá của Đại sứ về quan hệ giữa Việt Nam với LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneve trong những năm gần đây?

Trong bối cảnh chính trị quốc tế diễn biến nhanh, xu hướng dân túy, cực đoan và giảm cam kết đa phương đi ngược lại với yêu cầu tăng cường các nỗ lực hợp tác để đối phó những vấn đề toàn cầu, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương đối thoại tích cực, xây dựng, không chính trị hóa; đóng góp vào việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; tôn trọng các thể chế đa phương và luật pháp quốc tế, đặc biệt là LHQ, WTO.

Là nước đang phát triển năng động, Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ (SDGs); thúc đẩy tự do hóa thương mại; mong muốn xây dựng một nền kinh tế tri thức, sẵn sàng học hỏi, đổi mới sáng tạo. Hiện nay, Việt Nam không còn là nước thuần túy nhận hỗ trợ kỹ thuật, mà đã bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp vào việc xây dựng khuyến nghị, chính sách, thậm chí đi tiên phong trong những mô hình hợp tác mới với các tổ chức quốc tế, từ đó mở rộng ra thế giới, như mô hình Một LHQ tại Việt Nam hay Thỏa thuận hợp tác Việt Nam – WEF…

hoi nghi ngoai giao 30 co hoi nang tam ngoai giao da phuong viet nam
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và các đại biểu bên lề Hội nghị Ngoại vụ 19. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneve đã có những đóng góp gì để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các tổ chức trên, thưa Đại sứ?

Hoạt động của Phái đoàn là một trong những minh chứng rõ nét cho việc tham gia của Việt Nam trong các diễn đàn của LHQ tại Geneve ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu. Đơn cử, tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, bên cạnh việc chủ trì soạn thảo và thương lượng Nghị quyết về Biến đổi khí hậu và quyền con người, Việt Nam còn đồng bảo trợ nhiều nghị quyết và có các bài phát biểu ở các đề mục quan tâm; tham gia thương lượng các nghị quyết, đặc biệt là các nghị quyết mới, nghị quyết về quyền của phụ nữ, quyền con người và ma túy, quyền con người và thực hiện SDGs; tổ chức các sự kiện bên lề các kỳ họp Hội đồng trong nhiều lĩnh vực chuyên môn, thu hút sự tham gia của nhiều nước và được đánh giá cao. Đặc biệt, thời gian gần đây, Phái đoàn đã tích cực phát biểu, gây dựng quan hệ với các Phái đoàn bạn để chuẩn bị kỳ bảo vệ báo cáo của Việt Nam vào năm 2019. Trung bình, đại diện Việt Nam phát biểu tại khoảng 70% Phiên rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của các nước.

Phái đoàn cũng đã tập trung phát triển mở rộng sự tham gia của Việt Nam trong các diễn đàn chuyên môn như: WIPO, WHO, IPU, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Cộng đồng Pháp ngữ, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM),… và WEF, thông qua đó tiếp tục nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức này phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Ngoài ra, Phái đoàn đã và đang hợp tác chặt chẽ với WEF, trực tiếp tham gia nhiều hội nghị bàn tròn do WEF chủ trì nhằm thảo luận về các vấn đề thương mại toàn cầu: đầu tư, thương mại điện tử và kinh tế số, những vấn đề liên quan đến các hiệp định thương mại tự do khu vực, trong đó có Hiệp định Thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA); chuẩn bị nội dung cho chuyến thăm và tham dự Diễn đàn Davos của Lãnh đạo cấp cao, đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh WEF ASEAN vào tháng 9/2018…

Bản thân tôi, với tư cách là Chủ tịch Đại hội đồng WIPO nhiệm kỳ 2018-2019 đã và đang tích cực triển khai một loạt các công việc quan trọng của Tổ chức để tiến tới chủ trì phiên họp Đại hội đồng WIPO thường niên từ ngày 24/9 tới.

Xin cảm ơn Đại sứ!

 

(Baoquocte)

Related Posts