Khai mạc WEF ASEAN 2018: Để ASEAN chiến thắng trong cuộc đua làm chủ kỷ nguyên 4.0

BVD – Sáng 12.9, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) khai mạc tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Klaus Schwab – Chủ tịch WEF ASEAN cho biết, WEF ASEAN lần thứ 27 với chủ đề “ASEAN thời đại 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” thu hút hơn 1.000 đại biểu đại diện các chính phủ, doanh nghiệp đến thảo luận và định hình tương lai.

Ông Schwab nhấn mạnh, năm nay là hội nghị thượng đỉnh cao cấp nhất, cho thấy tiềm năng của khu vực 10 quốc gia ASEAN với một lực lượng kinh tế chính trị lớn trong thế giới phân mảnh hiện nay.

Hội nghị cũng diễn ra trong bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu chuyển từ hệ thống đơn cực sang đa cực, từ thế giới đơn phương sang đa phương, mở rộng tiềm năng giải quyết các cuộc xung đột.

Chủ tịch WEF ASEAN nhấn mạnh đến sự chuyển đổi nữa đang diễn ra là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những bước đột phá làm thay đổi xã hội, kinh tế. Các quốc gia đã thành công trong việc làm chủ cách mạng 4.0 được định nghĩa bởi hệ sinh thái sáng tạo và doanh nhân.

Ông Schwab cho rằng, để định hướng thành công cách mạng 4.0 đòi hỏi các chính phủ ASEAN tạo điều kiện phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cách mạng 4.0 sẽ xoá bỏ một số công việc, nhưng tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp và chính phủ làm việc với nhau. Sự cộng tác đó rất quan trọng để đạt được tiến bộ trong kỷ nguyên 4.0 này.

“Thế giới đang tham gia vào chạy đua để làm chủ cách mạng 4.0. Chúng ta muốn đảm bảo rằng các quốc gia ASEAN với tầm nhìn phù hợp, chính sách tối ưu, dân số trẻ, tinh thần kinh doanh cao phải là người đi đầu trong cuộc cách mạng này – ông Schwab nói.

“Để giúp ASEAN chiến thắng trong cuộc chạy đua này là mục đích của tôi” – Chủ tịch WEF ASEAN 2018 nhấn mạnh.

Khai mạc WEF ASEAN 2018 - Việt Nam đưa ra nhiều sáng kiến  ​ - ảnh 1

Nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và thế giới tham dự WEF ASEAN 2018. Ảnh: VGP

Khai mạc Hội nghị WEF ASEAN 2018 có sự tham dự của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Giáo sư Klaus Schwab, Người sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới; Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (Chủ tịch ASEAN năm 2018), Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa và Phó Thủ tướng Thái Lan Prajin Juntong.

Về phía Việt Nam, còn có lãnh đạo các ban Đảng, cơ quan Quốc hội, các bộ, ngành trung ương và địa phương. Hội nghị cũng thu hút sự tham dự của khoảng 50 bộ trưởng và cấp tương đương của các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và gần 1.000 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực, giới học giả và truyền thống quốc tế

Với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, tại Phiên Khai mạc, các nhà lãnh đạo đã có nhiều ý kiến đánh giá, nhận định về phát triển và hội nhập của các nước ASEAN trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), khẳng định nỗ lực chung của ASEAN tranh thủ cơ hội của cuộc Cách mạng này để hiện thực hóa Tầm nhìn 2025 về xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, đóng vai trò trung tâm trong các cơ chế khu vực; bày tỏ tin tưởng các nước ASEAN sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, tự cường và sáng tạo hơn.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc  Antonio Guterres đã cử Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc về điều phối chiến lược làm Đặc phái viên đọc thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc tế gửi đến Hội nghị . Đây là một cử chỉ rất đặc biệt, lần đầu tiên có tại Hội nghị WEF ASEAN năm nay; khẳng định sự ủng hộ và quan tâm của Liên hợp quốc nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung đối với vị thế, vai trò của ASEAN và Việt Nam.

Những sáng kiến hợp tác để thúc đẩy ASEAN
Khai mạc WEF ASEAN 2018 - Việt Nam đưa ra nhiều sáng kiến  ​ - ảnh 2
Các lãnh đạo Việt Nam và khu vực chụp ảnh chung trước phiên khai mạc. Ảnh: VGP

Đánh giá về cơ hội, thách thức của CMCN 4.0 đối với các nước ASEAN trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh bên cạnh thách thức về giải quyết việc làm, gia tăng bất bình đẳng thu nhập, các nước ASEAN có cơ hội rất lớn trong CMCN 4.0 như tạo đột phá về năng suất trong một số ngành công nghiệp quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm hơn hướng tới Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc trên cơ sở kết nối và chia sẻ các giá trị và sự sáng tạo mới, đi tắt trong chính sách công nghiệp hóa bằng cách mạnh dạn phát triển và ứng dụng công nghệ mới của CMCN 4.0.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác để thúc đẩy ASEAN tranh thủ tốt cơ hội của CMCN nhằm thực hiện thành công Tầm nhìn ASEAN 2025.

Về kết nối và chia sẻ dữ liệu, Thủ tướng đề nghị các nước ASEAN tăng cường “kết nối số” trong tổng thể kết nối ASEAN, trong đó chú trọng phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử, chính phủ điện tử… Thủ tướng đã đưa ra sáng kiến về xây dựng các Quy tắc của ASEAN về hợp tác chia sẻ dữ liệu nhằm tạo khuôn khổ cho chia sẻ và sử dụng hiệu quả dữ liệu.

Về môi trường kinh doanh, nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường kết nối ở phạm vi khu vực đối với các hạ tầng nền tảng về tài chính, ngân hàng, thị trường, truyền thông, logistics, Thủ tướng đề nghị cần xây dựng Cơ chế hài hòa môi trường kinh doanh nhằm hài hòa hóa pháp luật, quy định giữa các thành viên ASEAN để các doanh nghiệp ASEAN phát huy được lợi thế hiệu quả nhờ quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Thủ tướng cũng cho biết tại Hội nghị WEF ASEAN, ở cấp Bộ trưởng và doanh nghiệp, Việt Nam sẽ đưa ra các sáng kiến mới về Hòa mạng di động một giá cước toàn ASEAN, hợp tác an ninh mạng, hợp tác đào tạo nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao…

Về đổi mới sáng tạo, Thủ tướng đề nghị xây dựng Khuôn khổ kết nối các vườn ươm sáng tạo quốc gia vào mạng lưới vườn ươm rộng lớn hơn của cả khu vực; xây dựng Chiến lược ươm mầm các tài năng của các nước ASEAN; hình thành Kết nối mạng lưới giáo dục và xây dựng hệ thống học tập suốt đời ở các nước ASEAN nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0.

Trong bối cảnh lan tỏa của CMCN 4.0, môi trường khu vực và toàn cầu đang biến chuyển phức tạp, Thủ tướng đề nghị các nước ASEAN cùng các đối tác trong và ngoài khu vực xây dựng một ASEAN hòa bình, ổn định và tự cường, dựa trên luật lệ, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm; tiếp tục nỗ lực khẳng định vai trò trung tâm ở khu vực, cùng các đối tác duy trì hòa bình và ổn định và phát triển khu vực thịnh vượng.

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được lãnh đạo nhiều nước, nhiều doanh nghiệp ASEAN và toàn cầu đồng tình và đánh giá cao. Các đề xuất, sáng kiến Thủ tướng nêu tại khai mạc Hội nghị đã khẳng định tầm nhìn về một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường và sáng tạo, phát huy sức mạnh nội khối, tăng cường kết nối, chủ động và tích cực tranh thủ CMCN 4.0, cũng như khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào xây dựng Cộng đồng ASEAN trong bối cảnh CMCN 4.0.

Sau phiên Khai mạc, Hội nghị WEF ASEAN 2018 sẽ tiếp tục diễn ra trong hai ngày 12-13/9 với hơn 60 phiên họp, hoạt động thảo luận nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, công nghệ, môi trường, xã hội thiết thực với các nước ASEAN.

 

(Laodong)

Related Posts