Vụ Vinasun kiện GrabTaxi đòi bồi thường: “Thế trận” giằng co

BVD – Chiều 19/10, phiên tòa xử vụ kiện Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (công ty Ánh Dương – đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun) và bị đơn là công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (GrabTaxi) bước vào phần tranh luận.

Hồ sơ điều tra - Vụ Vinasun kiện GrabTaxi đòi bồi thường: 'Thế trận' giằng co

Phía Vinasun giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.

Theo người đại diện Vinasun, GrabTaxi khi thực hiện Đề án 24 của bộ GTVT đã cố tình đánh tráo khái niệm, ngụy biện mô hình kinh doanh. GrabTaxi chỉ có chức năng cung cấp phần mềm kết nối, nhưng trên thực tế là kinh doanh vận tải taxi.

GrabTaxi đã trực tiếp kinh doanh, trực tiếp điều hành xe, chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá bán, điều chỉnh tăng giảm giá bán, tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mãi cho khách hàng sử dụng các loại hình của GrabTaxi như: GrabCar, GrabTaxi, Grab Share; Thưởng điểm cho tài xế chạy nhiều chuyến nhằm chiêu mộ, thu hút lái xe; Xử phạt các tài xế có hành vi vi phạm quy chế do GrabTaxi đặt ra…

Việc công ty TNHH GrabTaxi, đơn vị không có chức năng kinh doanh dịch vụ vận tải, nhưng lại tự ý đưa ra và thực hiện các mức chiết khấu trên kết quả hoạt động của các lái xe, triển khai dịch vụ ngoài các địa phương cho phép thí điểm… là hành vi vi phạm đề án thí điểm tại Đề án 24.

Cũng theo đại diện Vinasun, GrabTaxi đã cố tình đánh tráo khái niệm, đưa hình thức hợp tác xã làm bình phong, còn Grab quyết định giá cước vận chuyển, thay đổi giá cước nhiều lần trong ngày,…

Ngoài ra, Grab còn vi phạm về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng khi không đáp ứng được nhiều yêu cầu như: Không có bản chính, bản sao hợp đồng vận chuyển hành khách, loại hình Grabshare vi phạm khi có đến 2 hợp đồng điện tử trên một cuốc xe….

Từ những nhận định trên, đại diện Vinasun lập luận rằng, GrabTaxi đã đánh tráo khái niệm để né tránh các điều kiện kinh doanh taxi theo luật định, lách luật, trốn thuế và là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của Vinasun sụt giảm trong 2 năm 2016 và 2017. Do đó, Grab phải có trách nhiệm bồi thường.

Grab phản pháo

Trong khi đó, đại diện GrabTaxi lại cho rằng, cáo buộc của phía Vinasun là không có căn cứ. Việc kinh doanhcủa GrabTaxi không phải là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Vinasun sụt giảm.

Người đại diện của GrabTaxi cũng khẳng định, họ kinh doanh đúng pháp luật Việt Nam, đúng các quy định về kinh doanh vận tải và nộp thuế đầy đủ chứ không hề trốn thuế như Vinasun trình bày.

Hồ sơ điều tra - Vụ Vinasun kiện GrabTaxi đòi bồi thường: 'Thế trận' giằng co (Hình 2).

GrabTaxi khẳng định mình không sai.

Trên thực tế, hoạt động kinh doanh của GrabTaxi là hoạt động cung ứng ứng dụng khoa học công nghệ quản lý kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng, được bộ GTVT cấp phép theo chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

GrabTaxi thực hiện theo đúng đề án thí điểm, việc xem xét liệu hoạt động của GrabTaxi có tuân thủ đúng đề án thí điểm hay không là thuộc thẩm quyền của bộ GTVT.

Không có bằng chứng nào chứng minh việc GrabTaxi vi phạm các điều kiện về kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi (nếu có) là nguyên nhân dẫn đến việc Vinasun bị giảm thiểu khách hàng.

Trình bày về việc xác định thiệt hại thực tế, luật sư phía Grab cho biết, thiệt hại về lợi nhuận mà Vinasun đưa ra không thuộc các trường hợp thiệt hại thuộc đối tượng có thể yêu cầu bồi thường trong vụ án về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được nêu tại Điều 608 Bộ luật dân sự 2005 và Điều 589 Bộ luật dân sự 2015.

Chứng cứ về thiệt hại mà Vinasun đưa ra là dựa trên báo cáo nghiên cứu thị trường chưa được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận nên không thể được coi là căn cứ để xác định thiệt hại.

Việc tính toán thiệt hại của Vinasun là không có cơ sở. Lợi nhuận của Vinasun không chỉ bao gồm lợi nhuận mang lại từ hoạt động kinh doanh taxi mà còn từ các hoạt động kinh doanh khác nên thiệt hại mà Vinasun đưa ra dựa trên “sụt giảm lợi nhuận trong năm 2016 và hai quý đầu năm 2017” là không đúng. Điều này cũng chứng minh trong báo cáo tài chính của Vinasun năm 2016.

Cũng theo đại diện Grab, tòa án không có thẩm quyền giải quyết vụ kiện này và đề nghị HĐXX dừng phiên xử để triệu tập công ty Cửu Long nhằm làm rõ các vấn đề liên quan đến kết quả giám định thiệt hại của Vinasun.

Căn cứ theo đơn khởi kiện của nguyên đơn, phần xác định và tính toán thiệt hại (nếu có) của Vinasun là yếu tố mấu chốt, quan trọng nhất nhưng đơn vị thực hiện việc giám định lại không có mặt để đối chất sẽ không làm rõ được nhiều nghi vấn. Do đó, cần dừng phiên xử cho đến khi có mặt đơn vị giám định tại tòa.

Chủ tọa phiên tòa đánh giá đây là vụ án phức tạp, có nhiều tình tiết cần phải xem xét và đề nghị các bên chuẩn bị các tài liệu chứng cứ cần bổ sung trong các phiên xử tiếp theo.

Hết giờ làm việc, HĐXX tuyên bố tạm nghỉ và sẽ trở lại xét xử vào sáng thứ Hai (22/10).

 

(NDT)

Related Posts