Bốn chiếc bẫy chờ Trung Quốc

BVD – Thường người ta chỉ nhắc đến một, hai cái bẫy mà một nước có thể rơi vào trên đường phát triển. Đằng này bài viết trên Project Syndicate nói Trung Quốc đang phải đương đầu đến bốn cái bẫy, cái nào nghe cũng đáng ngại. Chúng là các bẫy gì?

Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc hiện nay đã đạt mức 9.000 đô la Mỹ.

Đầu tiên là “bẫy thu nhập trung bình”. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đã đạt mức 9.000 đô la Mỹ nhưng vẫn còn khá xa mức khởi đầu của nhóm có thu nhập cao, theo định nghĩa của World Bank là ở mức 12.000-13.000 đô la Mỹ. Trong thực tế nửa thế kỷ qua, có rất ít nước nhảy thành công qua ngưỡng này.

Theo các tác giả của bài viết trên Project Syndicate, lý do chủ yếu là để đạt được ngưỡng thu nhập cao đòi hỏi một mạng lưới vững chắc các thể chế hiện đại đan xen vào nhau để minh định quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tạo điều kiện cho thị trường vận hành cũng như sự tương tác của các yếu tố phi thị trường, thực thi pháp quyền bằng con đường giải quyết các tranh chấp một cách công bằng. Mặc dù Trung Quốc đã bỏ ra hơn bốn thập kỷ để xây dựng thể chế, con đường hoàn chỉnh chúng vẫn còn ở phía trước.

Chiếc bẫy thứ nhì được mệnh danh là bẫy Thucydides. Thucydides là một sử gia Hy Lạp với tác phẩm nổi tiếng “Lịch sử chiến tranh Peloponnesus” kể lại cuộc chiến ở thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên giữa Sparta và Athens. Một khi một cường quốc đang yên vị (Sparta thời Thucydides và Mỹ thời nay) lo ngại sự trỗi dậy của một cường quốc mới (Athens thời xưa và nay là Trung Quốc) ắt hẳn chiến tranh sẽ nổ ra. Diễn biến thời sự năm 2018 cho thấy nhận định này rất có lý: Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang chỉa mũi dùi chiến tranh thương mại vào Trung Quốc với mục đích tối hậu là giảm sự bành trướng của Trung Quốc về thị trường cũng như công nghệ.

Bẫy thứ ba được nhà nghiên cứu Joseph Nye đặt tên là bẫy Kindleberger. Charles Kindleberger là kiến trúc sư Kế hoạch Marshall nhằm tái thiết châu Âu sau Chiến tranh thế giới lần thứ II. Ông cho rằng sau Chiến tranh thế giới lần I trật tự thế giới sụp đổ vào thập niên 1930, khơi mào cho cuộc thế chiến mới là bởi Mỹ lúc đó đã có một vị thế địa chính trị như một siêu cường mới nhưng không chịu đóng đúng vai trò. Nay nếu Trung Quốc cũng rơi vào một tình huống tương tự, theo Joseph Nye, hỗn loạn có thể lại bùng phát, nhất là khi Mỹ tỏ ý muốn rút lui khỏi vị trí dẫn đầu như ông Trump nhiều lần tuyên bố.

Cuối cùng là bẫy biến đổi khí hậu. Những nước có thu nhập cao thường phải tiêu thụ một nguồn năng lượng lớn, sử dụng nhiều nguồn lực của thiên nhiên. Thế nhưng kinh tế và ảnh hưởng của Trung Quốc đang lớn mạnh trong bối cảnh toàn cầu đang lo ngại về biến đổi khí hậu, áp lực của công luận không cho phép tiêu thụ rồi phát thải thoải mái như trước nữa. Lãnh đạo Trung Quốc phải ủng hộ các sáng kiến quốc tế chống lại biến đổi khí hậu, tức kiềm chế mức tiêu thụ năng lượng và phải có chính sách lường hết mọi sự phức tạp của những tác động lên môi trường.

Các tác giả cho rằng tránh được bốn chiếc bẫy này là vô cùng khó khăn. Trung Quốc phải ứng xử khéo léo với những áp lực phức tạp, trái ngược nhau rồi còn phải giải quyết bất bình đẳng trong nước, phải duy trì mối quan hệ với một nước Mỹ muốn sống cô lập, phải hợp tác với thế giới và có những hành động hiệu quả để bảo vệ môi trường ở chính nước họ. Đã gọi là bẫy thì không mắc kẹt trong bẫy mới là chuyện lạ.

 

(thesaigontimes)

Related Posts