Không thực hiện đồng thời cải cách và phát triển, Việt Nam sẽ tụt hậu

BVD – “Khung chính sách kinh tế Việt Nam gửi đến cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các nhà quản lý và mọi người dân Việt Nam một thông điệp rõ ràng về quyết tâm xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, hành động và liêm chính để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, động viên các nguồn lực cho phát triển nhằm cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hài hòa và bền vững.” 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về thông điệp của Khung chính sách kinh tế Việt Nam được ra mắt chính thức tại Diễn đàn “Cải cách và Phát triển Việt Nam – VRDF” lần thứ nhất, ngày 5/12.

Việt Nam đang ở đâu và cần làm gì?

Diễn đàn VRDF thường niên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì trên cơ sở kế thừa Diễn đàn phát triển Việt Nam – VDF, Diễn đàn Đối tác phát triển – VDPF, Hội nghị Nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam – CG được tổ được tổ chức thường niên từ năm 1993, tại Paris.

Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam tổ chức các phiên thảo luận rộng rãi về những lĩnh vực liên quan đến cải cách và xây dựng thể chế mới thay vì chỉ hoạt động đối thoại giữa các đối tác phát triển với Chính phủ Việt Nam như trước đây. Tại VRDF, không chỉ có các đối tác phát triển mà còn có sự tham gia của các đại diện khu vực tư nhân, các nhà học giả, nghiên cứu, truyền thông… cùng học hỏi lẫn nhau và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển.

Diễn đàn năm nay có chủ đề “Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới.”  Tại phiên thảo luận đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng công bố Khung chính sách kinh tế Việt Nam. Đây là tài liệu tổng hợp các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, cập nhật các xu thế diễn biến mới của thế giới và tham khảo Báo cáo 2035 nhằm để giới thiệu chính sách phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn, đồng thời trả lời câu hỏi “Việt Nam đang ở đâu, cần làm gì và như thế nào?”

“Khát vọng của Việt Nam đến năm 2035 đó là thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ với mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, đạt 10.000 USD/người. Khát vọng được thực hiện thông qua chương trình cải cách thể chế và các chính sách hỗ trợ dựa trên ba trụ cột: Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; Công bằng và hòa nhập xã hội; Nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước,” Bộ trưởng phát biểu.


Thích ứng với biến động và rủi ro 

Phiên thứ hai của Diễn đàn, với chủ đề “Tầm nhìn Việt Nam trong thế giới thay đổi nhanh,” các diễn giả đã thảo luận những cơ hội và thách thức với Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi mạnh mẽ và khuyến nghị những hành động cần phải làm để vượt qua thách thức, vươn tới khát vọng bền vững và thịnh vượng.

Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, ông Sudhir Shetty dự báo tăng trưởng trong khu vực vẫn được kỳ vọng duy trì vững chắc trước bối cảnh kinh tế toàn cầu có khả năng giảm tốc. Song nhiều rủi ro đang rình rập và có chiều hướng gia tăng, như chủ nghĩa bảo hộ leo thang, biến động tại các thị trường tài chính sẽ khiến cho việc quản lý kinh tế vĩ mô của các nước trong khu vực trở nên phức tạp hơn.

Thêm vào đó, ông này nhấn mạnh, “sự tương tác lẫn nhau giữa các rủi ro  có thể khiến các nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương hơn trong ngắn hạn và tác động xấu tới tăng trưởng.”

Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018, Việt Nam xếp hạng 82/140 quốc gia về năng lực đổi mới, sáng tạo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhìn nhận thẳng thắn những thách thức của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu nói chung cũng như từ nội tại từ nền kinh tế, song Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cũng chỉ ra những động lực mới và đề xuất những hành động ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, cụ thể: Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng tưởng; Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; Cải cách doanh nghiệp Nhà nước; Phát triển khu vực tư nhân; Phát triển nguồn nhân lực; Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; Tiếp tục hoàn thiện nâng cao năng lực và hiểu quả Nhà nước.

Theo Thứ trưởng, “những hành động mang tính nhân quả” – Các mục tiêu nói trên cần phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả bởi chúng có những mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018, Việt Nam xếp hạng 82/140 quốc gia về năng lực đổi mới, sáng tạo với hệ số điểm là 33,4/100. Bên cạnh đó, Việt Nam đang thuộc nhóm chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (do Diễn đàn Kinh tế Thế giới -WEF đánh giá). Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang đứng thứ 90/100 sau Malaysia, Thái Lan, Philippines về công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Do đó tại phiên 3, nội dung trao đổi nhấn vào “Động lực tăng trưởng mới – Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghiệp 4.0,” các đại biểu đã chỉ ra những rào cản, khoảng cách về công nghệ của nền sản xuất Việt Nam so với trình độ công nghệ 4.0, từ đó nêu ra những chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ.

Trong phiên, các diễn giả đề cập trọng tâm phát triển kinh tế tư nhân, phân tích những tiềm năng, chỉ ra rào cản đồng thời khuyến nghị chính sách thúc đẩy khu vực kinh tế này phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ mới.

Tiến sỹ Huỳnh Thế Du, Trường Quản lý và Chính sách công Fullbright chỉ ra vấn đề then chốt, mặc dù Việt Nam có những cải thiện đáng kể về năng lực đổi mới sáng tạo nhưng khoảng cách với thế giới còn rất xa. Điều này đang cản trở Việt Nam bước lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Và, rào cản lớn nhất chủ yếu bắt nguồn từ yếu tố con người, đó là văn hóa, môi trường và thể chế.

“Vấn đề đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có thể cất cánh dựa trên nền tảng như trên?” – Hoài nghi để tạo ra động lực thay đổi, đó vẫn là cách các nhà khoa học như ông Huỳnh Thế Du đưa ra trong các cuộc trao đổi xây dựng chính sách.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ghi nhận các ý kiến tại đóng góp tại Diễn đàn và ông khẳng định: “Nếu không thực hiện đồng thời cải cách và phát triển, Việt Nam sẽ ngay lập tức bị tụt hậu so với thời đại. Đây là thời điểm ‘vàng’ khi quốc gia đang đứng trước các cơ hội quý”./.

Diễn đàn VRDF: Tầm nhìn Việt Nam trong thế giới thay đổi nhanh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
(Vietnam+)

Related Posts