NSND Anh Tú, sớm tắt một tài năng sân khấu

BVD – Tin NSND Anh Tú trút hơi thở cuối cùng vào 12h35 trưa 20/12 khiến hết thảy người thân, bạn bè, đồng nghiệp và những người biết anh đều xót xa. Dẫu biết sự chia ly này hẹn trước, nhưng tiếc thương càng lớn hơn khi anh mới 56 tuổi lại đang ở giai đoạn làm nghề sung mãn.

NSND Anh Tú trong vai Macbeth-một trong những vai xuất sắc trong sự nghiệp diễn xuất của anh
NSND Anh Tú trong vai Macbeth-một trong những vai xuất sắc trong sự nghiệp diễn xuất của anh
Buồn và tiếc
Gọi điện hỏi chuyện NSND Phạm Thị Thành, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ về Anh Tú, bà định chối vì “thôi, Tú đang ốm”. Bà đâu biết Anh Tú qua đời trưa 20/12. “Trời! Tiếc quá, tội quá vì cậu ấy còn trẻ”, NSND Phạm Thị Thành rưng rưng. Vừa rồi nghe tin Anh Tú ốm, bà cũng chỉ hỏi thăm, tuổi bát tuần cũng khó đi lại thăm nom được.
Anh Tú là học trò của NSND Phạm Thị Thành ở Nhà hát Tuổi trẻ khi mới đôi mươi, cùng thời với NSND Lan Hương, Lê Khanh, NSƯT Minh Hằng, Chí Trung. “Tú thông minh và chịu khó, lúc đi học thì học giỏi sau này khi làm nghề rất say mê, làm tới quên bản thân”, bà nói. NSND Phạm Thị Thành chứng kiến Anh Tú trưởng thành qua những vai diễn trong Rừng trúc, Vũ Như Tô, Macbeth, cho đến những vở diễn với vai trò đạo diễn sau này ở Nhà hát Tuổi trẻ lẫn Nhà hát Kịch Việt Nam.
NSND Anh Tú, sớm tắt một tài năng sân khấu  - ảnh 1

“Thế sự”-vở diễn cuối cùng do NSND Anh Tú dàn dựng. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH

Anh Tú tên đầy đủ Phạm Anh Tú sinh năm 1962, nhưng tuổi âm lịch lại tuổi sửu 1961. Anh vẫn thường đùa tuổi sửu vất vả. Kết hôn muộn, lấy vợ kém 12 tuổi, hai vợ chồng anh có một cậu con trai đang học trung học. Hồi tháng 10 Anh Tú nhập viện trong thể trạng suy kiệt, suy thận cấp. Sức khỏe của anh đáng báo động từ lâu. Từ khi sang Nhà hát Kịch Việt Nam giữ chức Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật, rồi Quyền Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, Anh Tú ngày càng tiều tụy. Mỗi lần ra mắt vở mới hỏi về sức khoẻ anh đều cười “lục phủ ngũ tạng nhiều bệnh lắm”.
Anh Tú bị tiểu đường, dạ dày, viêm gan, mỡ máu… nhưng ít chịu thăm khám, thuốc thang, nên khi nhập viện hồi tháng 10 sức tàn lực kiệt. Thời gian của Anh Tú hầu hết gắn với nhà hát và sân khấu. NSƯT Trung Anh bảo kể cả trong thời gian nằm viện, Anh Tú vẫn không ngừng nhắc về kịch. “Tú vẫn máu nghề lắm. Khi chưa nhập viện nói với tôi rằng cuối năm ông cố gắng về dựng vở Công chúa Turandot với tôi. Thời gian đầu nằm viện vẫn nhắc về dự định ấy”, Trung Anh kể.
Những người thân cận với Anh Tú ở Nhà hát Kịch Việt Nam hiểu rõ bệnh tình của anh. Thời điểm Nhà hát Kịch Việt Nam diễn Bão tố Trường Sơn tối 4/12 để khích lệ tinh thần Anh Tú, nhiều người nói nhỏ “sợ anh ấy không qua được”. Những ngày tháng cuối nằm viện, bạn bè và đồng nghiệp luôn động viên anh mau khoẻ để về dựng vở mới. Anh Tú thường cười, nhưng cũng nhiều lúc yếu đuối. Nghệ sĩ Hồ Liên kể lần đầu tiên thấy Anh Tú khóc khi chia tay anh em nhà hát hồi đầu tháng 12.
Trước khi nhắm mắt xuôi tay, Anh Tú hôn mê và phải dùng máy hỗ trợ hô hấp từ 13/12. Vài ngày trở lại đây sức khoẻ lúc khả quan, lúc lại ở mức báo động đỏ. NSƯT Minh Hằng kể mới hôm 19/12 sang thăm Anh Tú còn hy vọng lắm, vậy mà trưa hôm sau lại đón tin buồn.
Tài năng
“Ở cả hai góc độ diễn viên, đạo diễn Anh Tú đều giỏi. Không chỉ trên sân khấu, khi đóng phim truyền hình Tú không tham gia nhiều nhưng đều là vai hay và tốt cả. Cách diễn của Tú rất dung dị, sâu sắc”, NSƯT Trung Anh nhận xét.
NSND Anh Tú tốt nghiệp lớp diễn viên năm 1981, có những vai diễn ấn tượng trong các vở Vũ Như Tô, Macbeth, Rừng trúc. Năm 2004 anh tốt nghiệp Khoa Đạo diễn, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội với vở kịch thơ Kiều Loan. Trước khi gắn bó với Nhà hát Kịch Việt Nam, Anh Tú từng giữ chức Trưởng đoàn Kịch I Nhà hát Tuổi trẻ từ 1997 tới 2013. Năm 2013, Anh Tú trở thành Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật của Nhà hát Kịch Việt Nam, dàn dựng một số vở diễn như Lâu đài cát, Tai biến, Biệt đội báo đen, Bão tố Trường Sơn, Hamlet, Kiều, Romeo và Juliet, Thế sự-vở kịch cuối cùng anh làm đạo diễn.
“Tú là nghệ sĩ được cả hai mặt. Có người chỉ làm đạo diễn dược mà diễn không được như Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng, Phạm Thị Thành. Lại cũng có những diễn viên rất tốt như Trọng Khôi nhưng không làm đạo diễn được”, NSND Doãn Châu nói. Khi Anh Tú còn ở Nhà hát Tuổi trẻ, Doãn Châu hợp tác thiết kế sân khấu nhiều vở có Anh Tú diễn xuất. “Những vai diễn trong Vũ Như Tô, Macbeth, Rừng trúc của cậu ấy ấn tượng lắm. Đài từ rất tốt, sức biểu hiện sân khấu rất tốt, mỗi vai đều tìm tòi sự khác biệt và biểu hiện chắc nịch”, NSND Doãn Châu đánh giá.
Nhiều người cảm phục và có lẽ cũng ghen tị với Anh Tú, bởi không những là diễn viên tốt, Anh Tú dấn thân vào con đường đạo diễn sân khấu đầy khắc nghiệt, ghi dấu ấn nhất định. Anh Tú từng dựng Cầu vồng lục sắc-vở kịch đồng tính đầu tiên ở sân khấu kịch miền Bắc cho Nhà hát Tuổi trẻ, sau đó trưởng thành hơn với một loạt vở diễn cho Nhà hát kịch Việt Nam. Càng về sau Anh Tú có xu hướng chọn những vở kinh điển, vở đề tài lịch sử như Hamlet, Romero và Juliet, Kiều, Thế sự. “Tôi hợp tác với Tú thiết kế sân khấu vở Hamlet. Có thể nói cậu ấy có khả năng, sắc sảo và đầy triển vọng ở cương vị đạo diễn sân khấu. Cho nên Tú ra đi là mất mát lớn cho nhà hát nói riêng, cho nghệ thuật sân khấu nói chung”, Doãn Châu bùi ngùi.
So với những đạo diễn tầm tuổi, Anh Tú rất sung sức đều đặn ra vở hàng năm, dù có những vở chưa thực sự thành công nhưng sức làm việc của anh rất đáng nể. Điều đáng quý ở Anh Tú là tư tưởng luôn “chăm chăm làm vở cho người Việt” khi giải mã lại Shakespeare với Hamlet. Anh chịu khó đưa những mảng miếng, trò dân gian như Xuân Phả vào vở kịch châu Âu, đưa song thất lục bát vào đoạn tỏ tình của Hamlet, trang phục không cố giả Tây cho vừa mắt khán giả.
Anh Tú kiệm lời nói về bản thân, chuyện riêng tư nhưng có thể trả lời hàng giờ về tâm huyết với sân khấu, vở diễn. Từ ngày  gắn bó với Nhà hát Kịch Việt Nam, Anh Tú mang nỗi trăn trở vực dậy nhà hát “anh cả đỏ”, để khán giả lại tin tưởng ở sân khấu như Tin ở hoa hồng-vở diễn ghi dấu ấn của anh và NSND Lan Hương.
Anh Tú đi trọn kiếp người, kiếp nghệ sĩ. Dù còn những dang dở về gia đình, nghiệp sân khấu phía trước, nhưng tin rằng anh sống và cháy hết mình cho thánh đường sân khấu như anh tự nhận.

Không chỉ là diễn viên sân khấu kịch tài năng, đạo diễn của hàng loạt vở diễn, khán giả truyền hình biết tới Anh Tú qua nhiều bộ phim như Dòng sông khát vọng, Giông tố, Của để dành, Đàn trời, Chiều ngang qua phố cũ. Ngoài vai trò ở nhà hát, Anh Tú tham gia giảng dạy tại Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và ĐH Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội.

 

(tienphong)

Related Posts