Tuyển Việt Nam đến Asian Cup 2019 và chạm tới bức tường châu lục

BVD – 62 năm sau ngày đội tuyển miền Nam Việt Nam giành hạng tư Asian Cup 1956, bóng đá Việt Nam một lần nữa trở lại đấu trường châu lục với niềm hy vọng lớn lao.

Asian Cup 2019 vừa là đấu trường lớn nhất mà bóng đá Việt Nam từng được góp mặt, cũng là thử thách lớn nhất đối với thầy trò HLV Park Hang-seo sau những chiến công đã có ở các giải trẻ và Đông Nam Á.

Tuyen Viet Nam den Asian Cup 2019 va cham toi buc tuong chau luc hinh anh 3

Ra đời năm 1956, trải qua hơn 60 năm tồn tại, Giải vô địch bóng đá châu Á (Asian Cup) đã không ngừng mở rộng và phát triển. Từ chỗ chỉ có 19 đội tham dự hồi năm 1956, Asian Cup giờ là giải đấu lớn nhất toàn châu lục với hơn 40 đội tuyển góp mặt.

Giải đấu năm nay cũng là phiên bản mở rộng nhất trong lịch sử khi vòng chung kết Asian Cup lần đầu tiên quy tụ 24 đại diện. Sự mở rộng ấy cũng là một phần lý do giúp tuyển Việt Nam được góp mặt.

Xuyên suốt hơn 60 năm lịch sử, Asian Cup đã luôn là cuộc chiến Đông – Tây, là nơi so tài của những đại diện hùng mạnh tới từ Đông Á và Tây Á. Chiến thắng của đội tuyển Australia ở Asian Cup 2015 là lần đầu tiên sau 15 kỳ tổ chức, các đội bóng của hai khu vực trên không giành được ngôi vô địch.

Đứng giữa cuộc chiến Đông Tây, tuyển Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung chỉ là kẻ ngoài lề.

Lịch sử Đông Nam Á ở Asian Cup đã có những dấu ấn đầu tiên ngay từ thuở sơ khai. Ấy là hai lần giành hạng tư liên tiếp của tuyển miền Nam Việt Nam hồi năm 1956 và 1960, là ngôi á quân của Myanmar năm 1968 hay thành tích hạng ba của Thái Lan, hạng tư của Campuchia năm 1972. Nhưng ngày ấy, Asian Cup vẫn còn trong thời “mông muội”. Cho tới năm 1972, vòng chung kết ở Thái Lan vẫn chỉ có 6 đội tham dự.

Từ đó tới nay, dấu ấn của Đông Nam Á ở sân chơi châu lục là một khoảng trắng. 11 năm kể từ Asian Cup 2007 – giải đấu được đăng cai bởi 4 nước Đông Nam Á, các đội tuyển khu vực chưa một lần vượt qua vòng loại. Những thành công của Thái Lan ở ASIAD 17 hay Việt Nam tại ASIAD 18 không hề là sự đảm bảo cho Asian Cup.

Bởi giống như World Cup, Asian Cup chỉ trở lại mỗi 4 năm một lần. Giải đấu lớn nhất châu lục vì thế là thước đo cho cả một thời kỳ phát triển, đòi hỏi một trình độ bóng đá ổn định, xuyên suốt. Đó là câu chuyện của các chiến lược dài hơi, đòi hỏi những thành tựu dài hạn. Ở Asian Cup, vài chiến công lẻ tẻ tại các giải trẻ là chưa đủ.

Tuyen Viet Nam den Asian Cup 2019 va cham toi buc tuong chau luc hinh anh 4

Đấy là lý do Thái Lan vào bán kết ASIAD 18, xưng “Độc cô cầu bại” ở Đông Nam Á vẫn vắng mặt tại Asian Cup 2015, là lý do Việt Nam vào chung kết U23 châu Á nhưng chỉ mơ vượt qua vòng bảng.

Cũng phải thừa nhận thực tế là đội tuyển Việt Nam của HLV Alfred Riedl có mặt ở tứ kết Asian Cup 2007 nhờ lợi thế rất lớn tại sân nhà Mỹ Đình. Năm ấy, tuyển Việt Nam (cùng với Thái Lan, Indonesia, Malaysia) không phải đá vòng loại. Giải đấu ấy, đội đi tiếp nhưng chỉ có duy nhất một chiến thắng trước UAE.

Dài dòng thế để thấy Asian Cup 2019 vẫn là bức tường cao vời vợi với tuyển Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Bởi thế, đó cũng là mục tiêu hàng đầu, là đích ngắm mà tất cả cùng hướng tới.

Người Thái đã hy sinh 4 ngôi sao lớn nhất, chấp nhận hình ảnh bạc nhược ở AFF Cup để có lực lượng tốt nhất tại Asian Cup. Người Philippines chấp nhận thuê Sven Goran-Eriksson chỉ vài ngày trước giải, trả 80.000 USD/tháng để tiến ra châu lục.

Ngày thua Việt Nam ở Mỹ Đình, ông Eriksson cười tủm tỉm nói: “Chúc mừng đội tuyển Việt Nam đã giành quyền vào chung kết. Nhưng hãy chờ tới Asian Cup nhé, biết đâu Philippines sẽ là đội làm nên chuyện”.

Tuyen Viet Nam den Asian Cup 2019 va cham toi buc tuong chau luc hinh anh 5

Tuyen Viet Nam den Asian Cup 2019 va cham toi buc tuong chau luc hinh anh 6

Tính từ ngày 11/10 năm ngoái tới 8/1 năm nay, đội tuyển Việt Nam đã trải qua hơn 80 ngày tập trung, chơi tổng cộng 13 trận, di chuyển giữa 7 quốc gia khác nhau, bay hàng chục chuyến với quãng đường trên 10.000 km.

Hành trình phi thường ấy đã mang về vinh quang ở AFF Cup 2018. Đổi lại, thể lực và tinh thần của đội tuyển đã bị bào mòn rất nhiều. Cộng thêm ba giải đấu lớn trong năm vừa qua và các trận ở cấp CLB, phần lớn các cầu thủ trong đội hình chính tuyển Việt Nam đã chơi trên dưới 60 trận – cường độ ngang với các ngôi sao châu Âu. Mẹ Duy Mạnh từng kể cầu thủ này chỉ ngủ 2-3 đêm mỗi năm ở nhà còn Văn Lâm đang trải qua hơn 2 năm không về nước Nga.

Không một lợi thế tinh thần nào có thể bù đắp lại sự bào mòn thể chất ấy.

Thực tế ấy buộc HLV Park Hang-seo và đội tuyển phải dành nhiều thời gian hơn cho đợt tập trung trước thềm Asian Cup. Sau AFF Cup, đoàn quân của ông Park chỉ được nghỉ vẻn vẹn 4 ngày. Họ lên đường rời Hà Nội hôm 27/11 và đã có mặt tại UAE từ ngày 4/1. Trong các đội tuyển thi đấu cùng thời điểm, Việt Nam là đội bóng tới sớm nhất, chuẩn bị cẩn thận nhất.

Quá trình chuẩn bị ấy đã mang tới những tín hiệu tích cực. Đó là trận hòa sòng phẳng với Triều Tiên, là chiến thắng thuyết phục trước Philippines, là pha phối hợp 7 chạm kiểu Barcelona dẫn tới bàn thắng mới đây của Quang Hải.

Cộng thêm phong độ rất cao đã thể hiện trước các đại diện Tây Á từ đầu năm, Asian Cup không phải là thử thách bất khả thi với đội tuyển áo đỏ.

Xuyên suốt năm 2018, đội tuyển Việt Nam chưa từng thua các đại diện Tây Á trong thời gian thi đấu chính thức. Đoàn quân của HLV Park Hang-seo bất phân thắng bại với U23 Syria, vượt qua Iraq và Qatar ở U23 châu Á, quật ngã Olympic Palestine, Syria, Bahrain và chỉ thua UAE trên chấm luân lưu tại ASIAD.

Hai thất bại của tuyển Việt Nam trong thời gian bóng sống chỉ đến từ U23 Ubekistan và Olympic Hàn Quốc – những đội tuyển sau đấy đã lên ngôi vô địch. Trước đó, thầy trò HLV Park Hang-seo cũng quật ngã U23 Australia, đả bại Olympic Nhật Bản.

Phân tích thế để thấy Quang Hải và đồng đội đang có phong độ cực cao. Họ biết cách thắng trong những trận có thể thắng, biết không thua những trận đấu ngang cơ. Nếu đối thủ không mạnh hơn hẳn, thầy trò HLV Park Hang-seo không cần sợ hãi. Mục tiêu giành 4 điểm vì thế là toan tính hợp lý của thầy Park và ban huấn luyện tại Asian Cup 2019.

Chia sẻ với báo giới, ông Park khẳng định: “Quá khó để đánh bại Iran, nhưng chúng tôi sẽ tập trung vào hai trận đấu còn lại gặp các đối thủ Yemen và Iraq”.

Tuyen Viet Nam den Asian Cup 2019 va cham toi buc tuong chau luc hinh anh 7

Tuyen Viet Nam den Asian Cup 2019 va cham toi buc tuong chau luc hinh anh 8

Tương quan lực lượng tại bảng D cũng cho thấy tuyển Việt Nam hoàn toàn có cơ hội. Với Iraq, Iran và Yemen, bảng D khó nhưng không phải không thể chinh phục.

Trong 4 đội, Yemen được xem là cái tên yếu nhất và nhiều khả năng sẽ trở thành “túi đựng điểm” cho các đội cùng bảng. Hơn hai năm qua, đoàn quân của HLV Jan Kocian chỉ thắng 2 trận trước Tajikistan hồi tháng 3/2017 và trước Nepal tháng 3/2018. Còn lại, họ toàn hòa và thua.

Ba trận gần nhất, Yemen phơi áo trước UAE, Saudi Arabia và Syria. Hai trận giao hữu cuối cùng của họ với Tajikistan và Palestine bị hủy khiến giai đoạn chuẩn bị của đội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các cầu thủ Yemen không được tập trung trong nước mà phải đóng quân tại Saudi Arabia và Qatar.

Quá nhiều vấn đề khiến HLV Kocian buộc phải thừa nhận: “Chúng tôi muốn những gì tốt nhất, nhưng tình thế hiện nay không hề đơn giản khi các cầu thủ không được tập luyện và thi đấu ở giải vô địch quốc gia”.

Trong tình hình đó, trận ra quân với Iraq trở thành cuộc đấu quan trọng nhất của tuyển Việt Nam. Đội bóng Tây Á đã thắng 2 trận giao hữu gần nhất trong đó có kết quả 2-1 trước Trung Quốc của HLV Marcello Lippi. Họ cũng mới giành hạng tư Asian Cup 2015 và từng thắng tuyển Việt Nam của HLV Hữu Thắng 1-0 hồi 3/2016.

Nhưng ngay cả khi thua Iraq, tuyển Việt Nam vẫn có cửa đi tiếp khi AFC cho 4/6 đội hạng ba có thành tích tốt nhất vào vòng kế tiếp. Thắng Yemen, giành được điểm số trước Iraq hoặc Iran, từng ấy là quá đủ để Quang Hải và đồng đội vào vòng 16.

Tuyen Viet Nam den Asian Cup 2019 va cham toi buc tuong chau luc hinh anh 9

Tuyen Viet Nam den Asian Cup 2019 va cham toi buc tuong chau luc hinh anh 10

Nhưng Asian Cup 2019 có lẽ không phải là mục tiêu quan trọng nhất của HLV Park Hang-seo. Những tính toán nhân sự của thầy Park có lẽ còn hướng tới một cái đích xa hơn: Olympic 2020 tại Nhật Bản.

Trước đó, hôm 28/12, Hội nghị ban chấp hành VFF lần thứ II khóa VIII họp tại Hà Nội đã quyết định thành phần đội tuyển dự giải U22 Đông Nam Á 2019. Theo đó, những Quang Hải, Đức Chinh, Tiến Dũng sẽ không góp mặt. Đội tuyển sẽ là tập hợp của lứa U20 và U21, dẫn bắt bởi HLV Hoàng Anh Tuấn.

Trước đó nữa, hôm 21/12, HLV Park Hang-seo cũng chia tay Anh Đức, Văn Quyết, gọi 7 cầu thủ trẻ lên tuyển Việt Nam. Lựa chọn của ông Park khiến tuổi trung bình của tuyển Việt Nam tại Asian Cup tiếp tục giảm xuống 23,1 tuổi, trẻ thứ ba tại giải đấu.

Hai hành động ấy là dấu hiệu cho thấy ông Park và VFF đang nhắm tới một mục tiêu lớn hơn, phù hợp hơn.

Bởi những thành công vừa qua của bóng đá Việt Nam phần lớn đều tới từ bóng đá trẻ. Các giải trẻ như Olympic vì thế là môi trường phù hợp cho bóng đá Việt Nam thể hiện.

Nội dung bóng đá ở Thế vận hội là sân chơi danh giá nhất thế giới cho các cầu thủ trẻ. Bóng đá trẻ cũng là nơi chưa bị tác động mạnh bởi sự chênh lệch từ các giải vô địch quốc gia – vốn là điểm yếu của bóng đá Việt Nam.

Nếu Việt Nam tới được Olympic, lứa 1997 của Quang Hải sẽ là những người lĩnh xướng. Olympic 2020 sẽ là giải đấu lớn cuối cùng của họ với lứa U23. Đó cũng là thời điểm chín nhất, đạt phong độ tốt nhất trong độ tuổi U23.

Năm 2020 cũng gần với thời điểm kết thúc hợp đồng của HLV Park Hang-seo. Còn gì hoàn hảo hơn khi thầy Park kết thúc quãng thời gian ở Việt Nam bằng tấm vé dự Olympic? Đó sẽ là trang CV hoàn hảo để ông Park và bộ sậu nhắm tới những mục tiêu mới.

Để hướng tới Olympic, ông Park đã chấp nhận gọi hàng loạt cầu thủ trẻ. Ông cần họ được thử lửa, được trải nghiệm, được thi đấu ở sân chơi đỉnh cao của châu lục. Thành hay bại ở Asian Cup, kinh nghiệm có được cũng sẽ là hành trang lớn cho lứa Quang Hải nhắm tới Tokyo 2020.

Tuyen Viet Nam den Asian Cup 2019 va cham toi buc tuong chau luc hinh anh 11

 

(Zing)

 

Related Posts