Đề xuất lấy toàn bộ khu Mễ Trì và chục nghìn tỷ để xây trụ sở bộ ngành

BVD – Để di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi nội thành, 3 phương án được Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đưa ra, trong đó phương án thấp nhất tốn gần 12.000 tỷ đồng, cao nhất tốn khoảng 17.000 tỷ đồng.

3 phương án di dời trụ sở các bộ ngành khỏi nội thành được Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đưa ra, trong đó phương án thấp nhất tốn gần 12.000 tỷ đồng, cao nhất tốn khoảng 17.000 tỷ đồng.

Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) vừa gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo bổ sung phương án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương các đoàn thể tại thủ đô Hà Nội đến năm 2030.

Theo đó, VIUP xây dựng 3 phương án khác nhau cho việc di dời trụ sở các Bộ, ngành khỏi nội thành Hà Nội.

Phương án thứ nhất, sẽ chuyển 12 bộ ngành gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tư pháp, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Lao động – Thương binh và Xã hội, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam về Tây Hồ Tây.

Riêng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang xây dựng tại Mễ Trì.

Với phương án này, phạm vi quy hoạch rộng 35 ha (bao gồm khu đất dự kiến bố trí dự án Tháp truyền hình Việt Nam được thu hồi chuyển đổi để quy hoạch trụ sở bộ ngành), bình quân mỗi cơ quan từ 1,5-2 ha, tổng số người làm việc dự kiến khoảng 14.000 người (bình quân 1.000 – 1.500 người/cơ quan), tầng cao bình quân dự kiến khoảng 15-20 tầng (chưa kể 3-4 tầng ngầm).

Nhu cầu tài chính cho phương án tại khu vực Mễ Trì Hạ khoảng 11.897 tỷ đồng, nguồn vốn được huy động từ chuyển đổi 50 ha tại Mễ Trì Hạ thu về 10.000 tỉ đồng, vốn chuyển đổi đất trụ sở cũ trong nội thành khoảng 1.897 tỷ đồng.

Phương án 2 là chuyển 12 trụ sở bộ, ngành và Bảo hiểm Việt Nam về khu vực Mễ Trì, phạm vi quy hoạch 55 ha, bao gồm toàn bộ khu đất Mễ Trì, bình quân 1 cơ quan 1,8-3ha, diện tích còn lại bố trí hồ điều hòa, nhà khách, nhà công vụ, công viên cảnh quan.

Tổng số người làm việc của 13 cơ quan trên dự kiến khoảng 15.000 người, số người làm việc bình quân 1.000 – 1.500 người/cơ quan. Số tầng cao dự kiến cũng là 15-20 tầng.

Với phương án này, nhu cầu tài chính khoảng 14.326 tỷ đồng, gồm nguồn vốn chuyển đổi 20 ha đất khu vực Tây Hồ Tây (không bao gồm diện tích Tháp truyền hình Việt Nam) khoảng 8.000 tỷ đồng, vốn chuyển đổi cơ sở cũ 6.326 tỷ đồng.

Phương án thứ 3 sẽ bố trí 13 cơ quan nói trên tại hai khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì. Trong đó, 20 ha tại Tây Hồ Tây bố trí cho 6 cơ quan (bình quân 2-3 ha/cơ quan, tầng cao 9-12 tầng), tổng số người làm việc là 7.000 người; khu vực Mễ Trì diện tích 55 ha sẽ bố trí 7 cơ quan (diện tích 3-4 ha /cơ quan, tầng cao trung bình 12-15 tầng), tổng số người làm việc là 8.000.

Phương án kết hợp này cần nhu cầu tài chính lên tới 17.000 tỷ đồng, trong đó gồm vốn chuyển đổi cơ sở cũ 12.000 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước 5.000 tỷ đồng.

Với phương án 3 này, theo VIUP, mặc dù có ưu điểm là có diện tích đất lớn cho các bộ ngành, không gây áp lực tới hạ tầng khu vực bố trí trụ sở làm việc của các cơ quan nhưng nhược điểm là khó khăn về bố trí nguồn lực nhà nước.

 

(infonet)

Related Posts