Không phải Pakistan, Trung Quốc mới là nước Ấn Độ muốn “dằn mặt”

BVD – Trung Quốc đang lợi dụng Pakistan như là một công cụ để kiềm chế Ấn Độ, do đó, việc triển khai hàng chục tàu chiến và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tới phía bắc Biển Ả Rập của Delhi là nhằm gửi thông điệp tới Bắc Kinh, chứ không phải Islamabad, RT dẫn lời các nhà phân tích bình luận.

khong phai pakistan, trung quoc moi la nuoc an do muon "dan mat" hinh anh 1

Cụ thể, RT dẫn lời ông Gopalaswami Parthasarathy, cựu đại sứ Ấn Độ ở Pakistan cho biết, bất chấp căng thẳng ở vùng tranh chấp ngày càng nóng song “Ấn Độ không đặt lực lượng quân đội nước này vào tình trạng sẵn sàng đối phó với  Pakistan”.

“Bản thân Pakistan không thể làm Ấn Độ lo lắng. Chúng tôi hoàn toàn có thể đối phó với Pakistan”, ông Parthasarathy cho biết.

Thay vào đó, Ấn Độ lại lo ngại nhiều hơn về “những gì Trung Quốc làm nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương, ông Parthasarathy nói thêm.

Theo cựu đại sứ Ấn Độ, Pakistan là một công cụ được Trung Quốc sử dụng để kiềm chế Ấn Độ và để làm điều này Bắc Kinh đã cung cấp cho Pakistan các nguồn lực vũ khí, tên lửa và thậm chí là cả các thiết kế vũ khí hạt nhân.

Nhà báo quân sự Ấn Độ Shiv Aroor đồng quan điểm khi nhận định lực lượng hải quân 2 nước “không hề tương xứng về số lượng, sức mạnh và năng lực bởi Pakistan còn không thể vận hành các tàu ngầm hạt nhân hoặc tàu sân bay”.

“Tuy nhiên một khi căng thẳng trên biển giữa Ấn Độ – Pakistan bùng nổ, Trung Quốc chắc chắn sẽ tham gia”, ông Aroor thừa nhận đây sẽ là vấn đề lớn đối với New Delhi.

Những nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh hôm qua (18.3), Ấn Độ đã điều hàng chục tàu chiến, trong đó có tàu sân bay INS ‘Vikramaditya’ và nhiều tàu ngầm, đến triển khai ở sát các vùng lãnh hải của Pakistan.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ giải thích rằng, động thái mới nhất của New Delhi là nhằm “ngăn chặn, cản trở bất kỳ chuyến phiêu lưu sai lầm nào của Pakistan trên biển” trong bối cảnh 2 nước đang đối đầu căng thẳng với nhau dẫn đến quan ngại về nguy cơ bùng nổ chiến tranh giữa 2 cường quốc châu Á.

Việc Ấn Độ điều động dàn chiến hạm tới sát vùng lãnh hải của Pakistan cũng cho thấy, căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á chưa thể kết thúc sớm sau vụ không chiến hôm 27.2 khiến 1 tiêm kích và 1 chiến đấu cơ F-16 của Pakistan bị bắn rơi ở vùng tranh chấp Kashmir. Ấn Độ và Pakistan hồi cuối tháng trước đã bắn máy bay của nhau. Vào thời điểm đó, Paksitan đã đóng cửa không phận. Ít nhất 6 sân bay đã bị đóng cửa ở Ấn Độ và một khu vực không phận rộng lớn ở phía bắc thủ đô New Delhi cũng bị đóng, không cho phép các chuyến bay dân sự.

Ấn Độ còn cho biết, họ đã xây 14.000 boongker dọc biên giới với Pakistan để chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh. Trung Quốc chắc chắn là nước quan ngại hàng đầu nếu Ấn Độ và Pakistan nổ ra chiến tranh bởi hai nước này nằm áp sát ngay cửa ngõ của Trung Quốc. Một cuộc chiến tranh nổ ra đương nhiên sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến Trung Quốc – vốn là đồng minh thân thiết của Pakistan.

Trong khi đó, quan hệ Trung – Ấn cũng không mấy êm thấm. Giữa hai nước có cuộc tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng ở khu vực biên giới.

Hồi năm 2017, quân đội Trung – Ấn đã có 73 ngày đối mặt căng thẳng trên cao nguyên Doklam thuộc dãy Himalayas. Ngoài ra, còn tồn tại một cuộc đua ngầm rất mạnh giữa hai nước lớn của Châu Á nhằm tranh giành ảnh hưởng về vị thế trong khu vực cũng như quốc tế. Trong những năm qua, New Delhi nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự của họ là nhằm để đối phó với hai nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan. Đụng độ xảy ra khi binh sĩ Trung Quốc xây một con đường ở khu vực tranh chấp. Cả Trung Quốc và Ấn Độ sau đó đã rút lực lượng khỏi khu vực này.

 

(Danviet)

Related Posts