Từ nỗi đau xả súng New Zealand đến mối lo mạng xã hội thành công cụ khủng bố

BVD – Thế giới một lần nữa chấn động vì vụ xả súng hôm 15/3 nhằm vào hai thánh đường Hồi giáo tại thành phố Christchurch, New Zealand. Lần này, 50 người vô tội, trong đó có cả trẻ em, thiệt mạng.

Chú thích ảnh
Đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng ở Christchurch, New Zealand. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Hung thủ được xác định là Brenton Tarrant người Australia 28 tuổi với động cơ gây án xuất phát từ hận thù tín ngưỡng và tư tưởng bài xích người Hồi giáo. Theo trang tin CGTN, giống với kẻ xả súng trong vụ tấn công một hội đường Do Thái giáo ở Pittsburgh năm ngoái, tên Tarrant được cho là đã bị nhiễm tư tưởng cực hữu từ một hệ thống tư tưởng cực đoan trên mạng xã hội.

Ngày thực hiện vụ thảm sát, kẻ thủ ác Brenton Tarrant đã phát trực tiếp cảnh hắn xả súng vào người vô tội kéo dài 17 phút trên trang mạng xã hội Facebook. Những bức hình về súng đạn cùng thông điệp được đăng tải lên Twitter trước khi chúng trở thành công cụ khiến gần 100 người thương vong. Kẻ xả súng còn kêu gọi những người xem trực tuyến đăng ký theo dõi một tài khoản Youtube gây tranh cãi.

Facebook, Twitter và Google đều nhanh chóng gỡ bỏ đoạn video giết người và phong tỏa tài khoản của kẻ xả súng. “Trái tim chúng tôi vỡ vụn trước thảm kịch tồi tệ ngày hôm nay tại New Zealand. Xin hãy biết rằng chúng tôi đang dốc hết sức để xóa bỏ bất kỳ hình ảnh bạo lực nào”, tài khoản của mạng xã hội Youtube tuyên bố hôm 15/3. Facebook trong hai ngày qua đã xóa hơn 1,2 triệu hình ảnh bạo lực liên quan tới vụ xả súng này.

Tuy nhiên, mọi thứ đã quá muộn. Các cảnh quay và hình ảnh giết người ghê tởm, cùng với “bản tuyên ngôn” dài 74 trang mô tả hệ tư tưởng của tên Tarrant, len lỏi đến các góc tối trên mạng Internet khi những cư dân mạng khác cùng “chí hướng” cổ súy cho hắn ta.

Đây không phải là lần đầu tiên mạng xã hội trở thành phương tiện phổ biến các vụ giết người. Năm 2015, một tay súng đã đăng tải đoạn video anh ta bắn chết hai nhà báo truyền hình ở bang Virginia, Mỹ. Năm 2018, vụ giết hại dã man hai du khách châu Âu đã được những tên thủ ác cuồng tín Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Ma rốc quay lại và tải lên mạng.

Những “gã khổng lồ” mạng xã hội đang phải đối mặt với một vòng kiểm tra an ninh mới về việc xử lý nội dung bạo lực và chính trị cực đoan trên nền tảng của mình. Cả ba công ty công nghệ trên đều gặp khó để đạt được sự cân bằng giữa kiểm duyệt ngôn từ kích động thù địch và cái gọi là ủng hộ tự do ngôn luận. Giám đốc phụ trách sản phẩm của Facebook Chris Cox được cho là đã xin từ chức trong bối cảnh mạng xã hội nhận chỉ trích gay gắt từ dư luận.

Phát sóng trực tiếp đã là một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng chính cho ngành công nghệ. Năm 2016, người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg cho biết tính năng phát sóng video trực tiếp được tạo ra để “hỗ trợ phương thức truyền tải cảm xúc chân thật nhất của bất kỳ người nào muốn giao tiếp trên mạng xã hội”.

“Tuy nhiên, mạng xã hội đã cung cấp một nền tảng để chia sẻ các quan điểm cực đoan”, Anwita Basu, một nhà phân tích tại Đơn vị Tình báo Kinh tế đánh giá về mặt trái của tính năng phát trực tiếp nói riêng và mạng xã hội nói chung.

Trong một nghiên cứu khoa học năm 2018, Giáo sư Jessie Daniels thuộc Đại học Thành phố New York đã quy kết sự gia tăng của phong trào chủ nghĩa dân tộc da trắng ở Mỹ xuất phát từ lịch sử chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và “một hệ sinh thái truyền thông mới nổi do thuật toán điều khiển”.

Những người mang tư tưởng chính trị cực đoan hiện có thể kết nối với những người khác theo một cách mà họ “bình thường hóa” thế giới quan của mình. Có rất nhiều chỗ trên Internet chứa chấp những kẻ mang theo tư tưởng cực đoan như kẻ xả súng nhà thờ Christchurch, Nolwenn Bervas – một nhà phân tích chủ nghĩa khủng bố tại Risk Advisory Group – cho hay.

“Một trong những thủ phạm âm mưu xả súng tại Christchurch đã đăng bản tuyên ngôn lên mạng trước khi thực hiện tấn công. Hắn ta viết hắn ta đã đón nhận, nghiên cứu và phát triển niềm tin qua Internet. Hắn lấy mẫu hình tượng những kẻ như Dylan Roof (kẻ đã giết 9 người Mỹ gốc Phi tại một nhà thờ Charleston ở bang Nam Carolina của Mỹ vào ngày 17/6/2015) hay Anders Breivik (kẻ sát hại 8 nạn nhân bằng một quả bom ở Regjeringskvartalet tại Na Uy và sau đó bắn chết 69 người tham gia trại hè Thanh niên Công nhân trên đảo Utøya vào ngày 22/7/2011) làm nguồn cảm hứng. Lượng thông tin và tuyên truyền liên quan đến chủ nghĩa cực hữu trên mạng là cực lớn và dễ dàng tiếp cận”, chuyên gia Bervas lý giải.

 

(baotintuc)

Related Posts