256 giáo viên ở Sóc Sơn có nguy cơ mất việc tiếp tục kêu cứu

BVD – Sau nửa tháng ròng rã đi gõ cửa các cơ quan chức năng, 256 giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn vẫn như “ngồi trên lửa” vì đối mặt với nguy cơ bị đẩy ra đường. Họ cho rằng cách giải quyết của cơ quan chức năng không công bằng và có phần nhẫn tâm với các giáo viên, khi phủ nhận toàn bộ cống hiến, hy sinh của họ.

“Cuộc đấu” biết trước kết quả

Sau giờ lên lớp, các giáo viên hợp đồng của huyện Sóc Sơn (Hà Nội) tất tả đến điểm hẹn gặp phóng viên. Gương mặt họ hằn rõ những lo toan, sự mệt mỏi và cả thất vọng.

Tính đến nay đã gần 1 tháng, đơn kêu cứu cũng gửi đi, truyền thông cũng vào cuộc, nhưng câu trả lời mà giáo viên nhận được từ UBND huyện Sóc Sơn vẫn là “không có chuyện xét đặc cách, buộc phải thi, thi không đỗ thì chấm dứt hợp đồng”. Trường hợp còn thiếu giáo viên thì các trường mới xem xét ký lại, nhưng mức lương không được tiếp nối mà phải quay về mức khởi đầu.

Vì quá thất vọng với câu trả lời này, chỉ cần nhắc tới vụ việc, giáo viên lại trực trào nước mắt, phần vì tủi thân, phần vì lo cho tương lai. Tương lai ở đây không chỉ của 256 giáo viên hợp đồng mà của 256 gia đình và con cái của họ.

 
 Giáo viên ở Sóc Sơn rất thất vọng về cách giải quyết của cơ quan chức năng.

“22 năm trong nghề, 12 năm làm hợp đồng, mức lương mới vào nghề chỉ 200.000 đồng/tháng. Dù lương thấp, nhưng lúc đó còn trẻ, vào nghề vì đam mê. Đến năm 2010, tôi được ký hợp đồng với huyện, bắt đầu được đóng bảo hiểm và hưởng các chế độ như một viên chức bình thường khác.

Tưởng rằng có thể toàn tâm, toàn ý bám trụ với nghề, nhưng không ngờ ở tuổi 44 vẫn phải đi thi viên chức với học trò của mình.

Những ngày qua, rất nhiều học trò của tôi gọi điện động viên, không nghĩ các thầy cô giờ này vẫn phải đi thi để có một suất vào biên chế, để được đứng trên bục giảng”- cô Ngô Thị Thúy Hường (giáo viên tiểu học ở Sóc Sơn) chua xót.

Hiện một mình phải nuôi hai con nhỏ, trong khi nhà cửa dột nát, vừa phải vay ngân hàng để sửa chữa, nếu sắp tới bị mất việc, cô Hường chia sẻ mình không biết phải bấu víu vào đâu.

256 giáo viên hợp đồng của huyện Sóc Sơn cũng cho biết đang rất hoang mang khi nhận được công văn hỏa tốc của Sở Nội vụ Hà Nội. Nội dung công văn thông báo sẽ xem xét để giáo viên tham dự kỳ thi tuyển công chức, viên chức năm 2019 được chọn một trong 5 thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc, thay vì chỉ thi tiếng Anh như trước.

Cô Đào Thị Nga, giáo viên Trường THCS Trung Giã (Sóc Sơn) cho rằng đây là cách giải quyết nhằm xoa dịu bức xúc của giáo viên.

“Chúng tôi vừa nhận được thông báo là sẽ giải quyết tồn tại của lịch sử theo cách 30 năm trước cô học tiếng Pháp thì bây giờ cho cô thi tiếng Pháp, 20 năm trước học tiếng Nga thì giờ thi tiếng Nga… Biện pháp đó nghe qua thì hợp lý, nhưng thật ra vẫn là bất nhẫn với giáo viên.

Về bản chất, chúng tôi được học ngoại ngữ từ 20 năm trước, nhưng làm việc trong môi trường không sử dụng giao tiếp thường xuyên, đùng một cái yêu cầu thi, chúng tôi biết chắc mình trượt. Những ngày qua, chúng tôi đón nhận tin này với tâm trạng rất thất vọng”- cô Nga cho biết.

Tại sao giáo viên bị bỏ quên?

Đây là câu hỏi mà 256 giáo viên ở Sóc Sơn đặt ra và rất mong nhận được câu trả lời của các cơ quan chức năng.

“Chỉ đến khi kêu cứu vì có nguy cơ bị mất việc, chúng tôi mới biết đáng lẽ phải được xét đặc cách vào viên chức theo Nghị định 29 của Chính phủ từ năm 2012. Tại sao lại bỏ quên chúng tôi suốt 6 năm Nghị định 29 có hiệu lực? Nay Nghị định 161 vừa có hiệu lực, yêu cầu giáo viên phải qua thi tuyển viên chức, thì họ lại quyết liệt thực hiện?” – cô Đào Thị Nga đặt câu hỏi.

Cô cho rằng, mục đích của cuộc thi viên chức là chọn ra thầy cô đủ năng lực để đứng lớp. Chẳng lẽ việc được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thành phố, được tặng bằng khen các cấp… lại không có giá trị bằng một bài thi viên chức? Thước đo của thời gian, của học sinh, phụ huynh chẳng lẽ không chính xác bằng một bài thi 180 phút hay sao?

Giáo viên cho biết, họ sẽ tiếp tục kêu cứu đến các cơ quan chức năng, đề nghị có câu trả lời rõ ràng cho sự việc này.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Hữu Mạnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn – thừa nhận, năm 2015, trong thời gian Nghị định 29 của Chính phủ có hiệu lực, huyện đã 2 lần đề nghị UBND TP.Hà Nội xem xét thủ tục để xét đặc cách cho các giáo viên đủ điều kiện, tuy nhiên không nhận được câu trả lời chính thức bằng văn bản về sự việc này.

 

(saostar)

Related Posts