Họp báo Bộ Ngoại giao 11/4/2019: Các nước cần tuân phủ Luật pháp quốc tế tại Vịnh Bắc Bộ

BVD – Chiều 11 tháng 4, tại cuộc họp báo thường kỳ của bộ Ngoại giao Việt Nam,  người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã trả lời các câu hỏi mà báo chí quan tâm về vụ việc  giàn khoan Dongfeng 13-2 CEPB của Trung Quốc tại Vịnh Bắc Bộ và bảo hộ công dân trong vụ cháy tại Thái Lan.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có 1 số thông tin cho rằng ngày 10/4 giàn khoan DongFeng 13-2 CEPB của Trung Quốc đang hiện diện tại Vịnh Bắc Bộ và sẽ kéo vào sâu bên trong thềm lục địa của Việt Nam, sát bờ biển của tỉnh Quảng Trị. Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh thông tin. Tuy nhiên Việt Nam nhấn mạnh rằng Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ  đã phân định rõ phạm vi và chế độ pháp lí lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mỗi nước trong Vịnh Bắc Bộ phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về luật biển của Liên hợp quốc – UNCLOS năm 1982. Theo đó, 2 nước có trách nhiệm tuân thủ nghiêm túc quy định của hiệp định trong việc khai thác và quản lí.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về một vụ cháy lớn xảy ra tại khu mua sắm CentralWorld (Thái Lan) khiến ít nhất 3 người chết và 7 người khác bị thương ngày 10.4. Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại và chưa có thông tin người Việt bị ảnh hưởng. Bộ Ngoại giao cũng giao cho Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan sẵn sàng công tác bảo hộ đối với công dân trong mọi trường hợp.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận về việc Tổ chức Ân xá quốc tế ngày 10/4/2019 công bố báo cáo trong đó đề cập về tình trạng xét xử tử hình ở Việt Nam, Người phát Ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

“Việc áp dụng án tử hình thuộc chủ quyền quốc gia về tư pháp hình sự và hiện vẫn là một thực tiễn trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới. Việc dừng hay bỏ án tử hình cũng không được quy định tại các điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.

Ở Việt Nam việc tuyên phạt và thi hành án tử hình chỉ áp dụng với một số tội danh đặc biệt nghiêm trọng, phù hợp với Công ước về các Quyền Dân sự, Chính trị. Việc xét xử những người vi phạm pháp luật theo các tội danh có khung hình phạt lên đến án tử hình được tiến hành theo trình tự thủ tục chặt chẽ mà pháp luật hình sự Việt Nam quy định; bảo đảm quyền của bị cáo, tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng.

Trong quá trình cải cách pháp luật, Việt Nam đã nhiều lần giảm số tội danh có khung hình phạt tử hình. Gần đây nhất, Bộ luật hình sự 2015 (có hiệu lực 2018) đã tiếp tục bỏ án tử hình ở 08 tội danh và quy định người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử không bị áp dụng hình phạt tử hình.”./.

 

(Thúy Ngân)

 

Related Posts