Hồ Tây xả nước, 2 tháng nữa mới biết kết quả thí điểm làm sạch sông Tô Lịch?

BVD – Mặc dù việc xả nước là đúng quy định, quy trình trong thoát nước mùa mưa nhưng Tổ chức Xúc tiến thương mại và môi trường Nhật Bản phải lùi thời gian lấy mẫu đánh giá đoạn thí điểm xử lý ô nhiễm theo công nghệ Nhật Bản thêm 2 tháng nữa, do hoạt động xả nước đã ảnh hưởng đến kết quả trầm tích, đo độ dài bùn của khu vực sông Tô Lịch đã xử lý hồi tháng 5 vừa qua.

Hồ Tây xả nước, 2 tháng nữa mới biết kết quả thí điểm làm sạch sông Tô Lịch? - Ảnh 1.

Sông Tô Lịch trở lại hiện trạng ô nhiễm sau bổ cập nước. Ảnh: Bảo Loan

Thành quả 2 tháng của chuyên gia Nhật bị “cuốn trôi”?

Sau 2 ngày (9 – 10/7) xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch để đảm bảo chức năng điều hòa thoát nước và chống ngập của hồ Tây, theo quan sát của PV Báo Gia đình & Xã hội, dòng sông Tô Lịch lại trở lại với rác thải, xác sinh vật lềnh bềnh trên mặt sông. Mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Nguyên nhân được cho là do gần 300 cống thải sinh hoạt của các hộ dân không qua xử lý được xả thẳng ra môi trường.

Có thể khẳng định, sông Tô Lịch chỉ là một trong nhiều con sông của Hà Nội đang trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng nhiều năm nay. Bởi sự tiếp nhận 100% nước thải sinh hoạt, trong khi mùa khô không có nước mưa bổ cập. Như vậy, phương án bổ cập nước xem ra không lâu dài khi mà sông Tô Lịch nhanh chóng trở lại hiện trạng ô nhiễm sau sự kiện bổ cập nước từ hồ Tây.

Ngay sau đó, đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại và môi trường Nhật Bản đã có công văn gửi tới Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan về việc xin phép lùi thời gian lấy mẫu đánh giá và đánh giá kết quả đoạn thí điểm xử lý ô nhiễm theo công nghệ Nhật Bản thêm 2 tháng nữa, do hoạt động xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch đã ảnh hưởng ảnh đến kết quả trầm tích, đo độ dài bùn của khu vực đã xử lý hồi tháng 5 vừa qua.

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội khẳng định, việc xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch là việc làm đúng quy trình, quy định nhằm khống chế mực nước các sông, hồ điều hoà trên địa bàn thành phố (theo văn bản số 3193 ngày 17/4/2019 của Sở Xây dựng Hà Nội) và việc xả nước này, đơn vị Thoát nước đã thông báo cho JVE – đơn vị thử nghiệm công nghệ Nano- Bioreator.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT JVE lại cho rằng: “Bản thân tôi không nhận được bất cứ thông báo nào từ Công ty Thoát nước Hà Nội về việc tiến hành xả cửa hồ Tây để đưa nước vào sông Tô Lịch. Sau khi xác nhận lại với bộ phận kỹ thuật thì vào khoảng 9h30 ngày 9/7, bộ phận kỹ thuật có nhận được tin nhắn thông báo từ đơn vị Thoát nước Hà Nội về việc sẽ xả nước hồ Tây qua trục thí điểm và sau đó, khoảng 10 – 15 phút, nước hồ Tây bắt đầu được xả ra”.

Mặc dù về mặt chủ trương, đơn vị thử nghiệm công nghệ Nano Nhật Bản khẳng định, đơn vị hoàn toàn ủng hộ việc xả nước để điều tiết, khống chế mực nước ở các sông, hồ. Đây là sự việc bất khả kháng. “Tuy nhiên, với quan điểm khách quan, tôi có thấy một số người dân nói rằng, nếu nói là định kỳ xả nước thì năm nào cũng mưa cả, nhưng 10 năm nay, những người sống ở ven bờ sông Tô Lịch, họ đâu thấy có xả nước đâu”.

Nhà máy xử lý nước thải mới dừng lại ở giai đoạn khởi công

Hồ Tây xả nước, 2 tháng nữa mới biết kết quả thí điểm làm sạch sông Tô Lịch? - Ảnh 2.

Việc xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch được cho là đã ảnh hưởng ảnh đến kết quả đánh giá thí điểm sông Tô Lịch. Ảnh: Bảo Loan

Chính vì sông Tô Lịch là nơi thoát nước thải của thành phố nên sông bị ô nhiễm nặng và từ cuối những năm 1990, sông Tô Lịch bắt đầu được nạo vét, kè bờ để làm sạch và chống lấn chiếm. Với hiện trạng ô nhiễm hiện nay, để cải thiện được chất lượng sông Tô Lịch, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, cần có một giải pháp tổng thể hơn, trong đó bao gồm cả việc thu gom và xử lý nước thải.

Thời gian tới, Hà Nội có Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, công suất là 270.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi Dự án này hoàn thành, thành phố đang áp dụng nhiều công nghệ thí điểm khác nhau.

Trong phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội (ngày 9/7), ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: “Hiện các đơn vị liên quan đang thí điểm nhiều công nghệ mới để “hồi sinh” sông Tô Lịch và các ao hồ. Công nghệ mới đã xử lý rất hiệu quả tình trạng ô nhiễm ở các ao hồ. Nếu chất này (chế phẩm Redoxy3C) đưa xuống sông Tô Lịch mà nước “đứng” thì xử lý được như các hồ ngay”.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, vấn đề hiện nay là sông Tô Lịch vẫn là dòng chảy, nên Hà Nội đang áp dụng các công nghệ thí điểm làm sạch. Trước mắt, sẽ cố gắng làm cho con sông này hết mùi.

Hiện nay, để xử lý nước thải, Hà Nội cũng đã có các Dự án thu gom xử lý nước thải Yên Xá, Phú Đô và Hồ Tây, thực hiện theo lộ trình giai đoạn 1, giai đoạn 2. Đặc biệt, xây dựng dự án thu gom chất thải ven bờ sông Tô Lịch, không cho xả nước thải sinh hoạt không thu gom vào hệ thống nước tập trung. Đồng thời, tăng cường khả năng tự làm sạch sông thông qua giải pháp bổ cập nước từ sông Hồng, với lưu lượng 5m3/giây.

Trong khi chờ kết quả từ các giải pháp thí điểm, Hà Nội dự kiến đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Làm xong nhà máy này, một phần nước thải của các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân và Hai Bà Trưng được thu gom để xử lý. Tuy nhiên, hiện nay, dự án này mới dừng lại ở giai đoạn khởi công.

Theo PGS.TS Trần Đình Hạ, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật môi trường (ĐH Xây dựng): “Bản chất của xả nước Hồ Tây vừa rồi cũng mang giải pháp tình thế nhưng cũng chứng minh được rằng, bằng phương pháp bổ cập nước sạch thì thấy rằng, ô nhiễm đã được pha loãng, góp phần giải quyết được vấn đề ô nhiễm của sông Tô Lịch. Còn đối với công nghệ Nano, đây là giải pháp rất tốt và rất phù hợp với các hồ tù bị ô nhiễm. Nếu áp dụng với các dòng chảy thì chúng ta cũng cần phải xem xét thêm”.

Mặc dù đây là giai đoạn thử nghiệm các dự án để cứu con sông Tô Lịch khỏi màu đen nhưng theo GS.TS Vũ Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNN, để cải thiện môi trường nước, dứt khoát là phải tách được nguồn nước thải để xử lý trước. Sau đó, mới đổ xuống sông như tại kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè (TP Hồ Chí Minh). Bởi hiện nay, nước trong kênh này đã tương đối trong, xanh, cá đã sống được. Đây là một ví dụ điển hình để sông Tô Lịch có thể tham khảo.

 

(giadinh.net)

Related Posts