Ngày cưới chỉ có cô dâu khi chú rể là lính đảo Trường Sa chưa kịp về

BVD – Đó có lẽ là đám cưới nhiều nước mắt nhất ở Vĩnh Linh (Quảng Trị). Chú rể lính Trường Sa, theo lịch sẽ về trước ngày cưới ba ngày, nhưng bất ngờ sóng to gió lớn không về kịp. Nhẫn cưới đã không được trao trong ngày này…

 

Ngày cưới chỉ có cô dâu khi chú rể là lính đảo Trường Sa chưa kịp về - Ảnh 1.

Ngày cưới, chú rể gặp sóng gió ở Trường Sa không về kịp, cô dâu Ly Na bước lên sân khấu một mình… – Ảnh: DƯƠNG CÔNG PHI

Lễ cưới không thể hoãn. Cô dâu phải bước lên bục một mình.

Dương Thị Ly Na (quê thôn Hà Lỗ, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng) là cô dâu mới. Na và Nguyễn Văn Đức, trú xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, cùng Quảng Trị) yêu nhau từ thời cả hai còn là sinh viên. Một người học ở Huế, người học Hà Nội. Hai người đã khá quen với việc ở xa nhau nhưng không nghĩ là đến ngày cưới hai người cũng không thể đứng cạnh nhau.

Đám cưới không chú rể

Chiều 13-7, Na vừa kết thúc lễ cưới tại nhà trai ở Vĩnh Chấp. Lễ cưới ở nhà gái cũng được tổ chức trước đó một ngày.

Cả hai lễ cưới này diễn ra theo cách vô cùng đặc biệt và chưa từng có ở vùng này. Trên sân khấu của lễ thành hôn, Na đứng ôm hoa một mình. Bên cạnh là bố mẹ hai bên. Không ai thấy chú rể xuất hiện. Ở bên ngoài cũng không ai nhìn thấy hình cưới. Nhiều người làng liên tưởng đến một đám cưới thời chiến chinh.

Anh Dương Công Phi, anh trai cô dâu nói: Đây là tình huống mà cả hai gia đình đều bị bất ngờ. Chú rể Nguyễn Văn Đức sau khi học xong ở Học viện Hậu cần thì ra công tác ở Trường Sa.

Qua điện thoại, cả hai gia đình đã thống nhất tổ chức lễ cưới vào ngày 12 và 13-7 này. Để kịp về cưới vợ, chú rể đã xin phép đơn vị cho về phép 10 ngày. Cô dâu Ly Na nói “đúng ra chú rể đã có mặt ở nhà từ ba ngày trước ngày cưới. Nhưng gần ngày về thì thời tiết không thuận lợi. Tàu không cập được để về đúng ngày. Cả nhà phải động viên nhau chấp nhận đám cưới không có chú rể. Cũng không có ảnh cưới. Không cắt bánh. Không rót rượu. Và không có luôn việc trao nhẫn cưới cho nhau”.

“Đây là ngày lễ của cả cuộc đời em, ở nhà em đếm từng phút. Không thể hoãn lại. Nhưng đến sát ngày cưới, qua điện thoại em biết là anh đã không thể về kịp. Em vẫn sẽ làm cô dâu. Em phải thích nghi dần với cuộc sống của vợ lính đảo”, Ly Na nói.

Nói là gắng nhưng Na vẫn thấy trống trải trong lòng. Na vẫn ôm bó hoa rực rỡ và khoác bộ váy cô dâu bước lên sân khấu. Na nói đó là lúc Na thấy khoảng trống bên cạnh mình lớn nhất.

Na nhớ khi nhìn xuống sân khấu thời điểm đó thấy nhiều người khóc lắm. Na biết đó là nước mắt thương mình và thương người chồng đang vật lộn với sóng gió của mình ngoài Trường Sa.

Phải mạnh mẽ để chồng yên tâm giữ biển

Na kể hai vợ chồng đã tổ chức lễ ăn hỏi từ cách đây hơn một năm. Sau đó, Đức ra Trường Sa công tác. Từ đó đến nay, hai người chưa gặp lại nhau. Chỉ quan tâm nhau qua gọi điện.

Nhưng Na nói mình đã xác định làm vợ lính đảo rồi thì những khó khăn đó không phải là quá khó để vượt qua.

Cưới xong, Đức lại phải lên tàu trở lại Trường Sa. Na tự nhủ mình phải mạnh mẽ hơn nữa để Đức yên tâm công tác.

Ba năm qua, Na dạy hợp đồng cho Trường mầm non xã Hải Hòa ở gần nhà. Mới mấy tháng trước, hợp đồng này cũng vừa kết thúc. Na sẽ phải đi tìm công việc mới. Có thể Na sẽ xin đi dạy tạm ở một trường tư thục nào đó ở TP Đông Hà. Nhưng điều Na lo lắng nhiều hơn không phải việc đó mà chính là nhiệm vụ canh giữ biển trời của chồng cùng các đồng đội.

“Việc của người lính đảo là việc thiêng liêng. Nên em phải mạnh mẽ để chồng không phải bận tâm lo lắng điều gì ngoài việc canh trời giữ biển cho Tổ quốc”, Na nói.

 

(tuoitre)

Related Posts