Người Hà Nội vui mừng thấy sông Tô Lịch bất ngờ trong xanh

BVD – Chứng kiến sự hồi sinh tích cực của sông Tô Lịch, người dân sinh sống hai bên sông mong muốn sông Tô Lịch được bổ cập nước thường xuyên để tạo không gian sống thoáng mát, sạch sẽ cho Thủ đô.

Toàn cảnh sông Tô Lịch thanh bình với một màu xanh biếc. Ảnh: Bảo Loan

Toàn cảnh sông Tô Lịch thanh bình với một màu xanh biếc. Ảnh: Bảo Loan

Dùng nước hồ Tây “rửa” sông Tô Lịch

Nhờ nguồn nước từ hồ Tây được xả vào sông Tô Lịch nên những ngày qua, dòng sông được mệnh danh là “sông chết” đã “thay da đổi thịt”, từ một dòng sông cạn đáy, trơ bùn, thường xuyên bốc mùi hôi thối đã chuyển màu xanh, trong sạch và không còn mùi hôi thối bốc lên. Chính vì vậy, người dân sinh sống dọc hai bờ sông Tô Lịch, đặc biệt là phía thượng nguồn cũng cảm nhận rõ rệt, sự hồi sinh tích cực của dòng sông đã mang lại không gian sống thoáng đãng, thanh bình hơn trước đó rất nhiều.

Ông Khuất Anh Thân (78 tuổi, ở quận Cầu Giấy) cho biết: “Trước khi nước ở Hồ Tây được dẫn vào sông Tô Lịch, không khí ở đây rất ngột ngạt, khó chịu, buổi chiều đi dọc hai bên bờ sông thì cảm nhận rõ, đến một hơi thở cũng phải canh chừng cái mùi hôi thối này nhưng từ khi có nước dẫn vào, tôi không còn thấy mùi hôi thối nữa. Tôi cảm nhận rõ không khí thanh sạch, thoáng đãng hơn rất nhiều”.

Không chỉ những người trẻ vui mừng khi chứng kiến dòng sông Tô Lịch chuyển màu trong xanh, đối với những người cao tuổi, nhất là những người được sinh ra, lớn lên và chứng kiến sự thay đổi của dòng sông qua năm tháng cũng không khỏi bồi hồi với cảm xúc lạ, khi đứng trước dòng sông Tô Lịch yên bình, nên thơ.

“Khu tôi ở xưa kia là làng An Phú. Cổng làng An Phú xưa chính là khu vực đền Quán Đôi ngày nay (ở đường Nguyễn Đình Hoàn, thuộc phường Nghĩa Đô). Khu vực cổng làng có cây đa và dòng sông Tô Lịch thơ mộng, luôn xanh ngát. Mặc dù cây đa có tuổi đời hơn 200 tuổi đang được chăm sóc tại khu vực cổng đền Quán Đôi, nhưng về dòng sông Tô Lịch thì hãn hữu lắm tôi mới được ngắm dòng sông trong xanh, nên thơ như ngày hôm nay. Nếu được dẫn nước thường xuyên thì đây đúng là một phần cốt để tôi có thể hồi tưởng về những ký ức ngày nhỏ, những ngày buộc trâu dưới gốc đa đầu làng và cùng bạn đồng niên tắm sông Tô Lịch…”, ông Nguyễn Văn Công (70 tuổi, ở phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy) xúc động.

Sông Tô Lịch sẽ “thay da đổi thịt”

Ngày 12/7, chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Bùi Ngọc Uyên, Phó Phòng Đối ngoại truyền thông (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) khẳng định: “Sông Tô Lịch sẽ “thay da đổi thịt” nếu như dự án “Đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch” của Công ty Thoát nước Hà Nội, được UBND TP Hà Nội phê duyệt”.

Theo ông Uyên, để làm sạch và giải quyết ô nhiễm sông Tô Lịch thì có thể dựa vào hai dự án. Một là dự án thu gom, tách nước thải dọc hai bên bờ các sông trên địa bàn, trong đó có sông Tô Lịch. Sau đó, xử lý tại nhà máy nước thải Yên Xá (Dự án này thành phố đã giao cho Ban quản lý dự án đầu tư cấp thoát nước môi trường của thành phố xây dựng). Thứ hai là dự án bổ cập nước của Công ty Thoát nước Hà Nội.

Về dự án bổ cập nước, ông Uyên cho hay, đơn vị Thoát nước Hà Nội đã tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến các nhà khoa học về đề xuất giải cứu sông Tô Lịch bằng cách bổ cập nước từ đầu năm nay. Theo dự án, công ty sẽ lắp đặt một trạm bơm ở cửa khẩu An Dương với công suất cấp nước khoảng 156.000 mét khối/ ngày đêm để dẫn nước sông Hồng vào Hồ Tây, sau đó sẽ điều tiết nước từ Hồ Tây qua hai cửa xả trên phố Trích Sài và đường Lạc Long Quân vào sông Tô lịch. “Phương án này được các chuyên gia đánh giá là rất khả thi, nhằm tạo dòng chảy và làm sạch sông. Nếu dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt, tôi tin chắc rằng, đây sẽ là một trong những phương án làm hồi sinh sông Tô Lịch”, ông Uyên khẳng định.

Cũng theo ông Uyên: “Vào mùa khô, lượng mưa thấp, nếu không có nước bổ cập, sông Tô Lịch sẽ đứng trước nguy cơ chạm đáy và trở thành một dòng “sông chết”. Do vậy, bổ cập nước là biện pháp hữu hiệu nhất để giải cứu sông Tô Lịch, trong khi chờ dự án xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành và đi vào hoạt động. Thực tế thì việc xả cửa nước Hồ Tây, đoạn phố Trích Sài để dẫn nước vào sông Tô Lịch là việc làm theo quy trình vận hành của hồ Tây, khi mực nước hồ này dâng cao gần 6 mét (mức an toàn cho phép là 5,70 mét trong mùa mưa). Bước đầu thì việc bổ cập nước cho thấy dấu hiệu tích cực mang lại rất đáng mừng”.

Nói về dự án bổ cập nước để hồi sinh sông Tô Lịch, GS.TS Dương Thanh Lượng, nguyên Chủ tịch hội đồng khoa học trường ĐH Thuỷ Lợi cho biết: “Sông Tô Lịch chảy qua địa bàn 6 quận huyện trong Hà Nội. Đây là 1 trong 4 con sông thoát nước chính của Thủ đô, mỗi ngày đang phải tiếp nhận khoảng 150.000 mét khối nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý, xả thẳng ra môi trường. Đây là vấn đề đáng báo động khi mức độ ô nhiễm của dòng sông này ngày càng trở nên trầm trọng.

Cách đây 15 năm, phương án bổ cập nước khó thực hiện, bởi lượng phù sa của sông Hồng lớn. Tuy nhiên, hiện nay thì hoàn toàn phù hợp. Bởi vì, hệ thống hồ chứa ở trên thượng lưu sông Hồng có nhiều đập thuỷ điện được xây dựng, cho nên lượng bùn cát bị chặn ở trên đó. Khi đổ về hạ lưu, nước đã trong hơn rất nhiều. Có thể nói, bây giờ, lượng bùn cát chỉ bằng 1/8 so với cách đây 10 năm. Cho nên việc xử lý lượng bùn cát của sông Hồng trước khi đưa vào Hồ Tây cũng vì thế mà dễ dàng hơn”.

GS.TS Dương Thanh Lượng cho biết: “Hồ Tây có diện tích khoảng 528ha. Nếu chúng ta dùng 10cm cao độ nước Hồ Tây đổ vào sông Tô Lịch thì mực nước trong lòng sông này sẽ nâng lên hơn 1m. Như vậy, nước sông sẽ sâu hơn và có vận tốc dòng chảy, có thể khôi phục lại một phần dòng chảy trước đây của sông Tô Lịch. Không chỉ vậy, hiệu quả tốt đẹp từ phương án bổ cập nước vào sông Tô Lịch còn cho tác dụng thau rửa những lắng đọng, những cặn bã của sông Tô Lịch”.

(giadinh.net)

Related Posts